Thịt cá dễ vỡ
Nếu phải mất 3 tiếng đồng hồ và thậm chí là lâu hơn để hầm thịt bò hay thịt lợn cho nhừ thì với cá, ta chỉ cần nấu cá tới chín là thịt đã dễ dàng bị bở ra, không còn nguyên khối.
Bởi thế mà thao tác với cá đã chín nói chung và cá đang rán nói riêng phải khéo hơn là với thịt gia súc hay gia cầm nhiều.
Vì sao mỡ rán cá phải già mới cho cá vào rán?
Mỡ già thì khi cá tiếp xúc với khối nhiệt mạnh sẽ nhanh chóng tạo nên một lớp vỏ ngoài dai - co lại, vừa vững hơn với tác dụng lực bên ngoài (khi gắp hay lật cá) lại vừa đỡ dính vào chảo. Còn nếu ta cho cá vào chảo mỡ nhiệt thấp, thì không có hiện tượng sốc nhiệt, lớp da hay thịt sẽ lâu hình thành, keo ở da cá chảy ra dễ dính vào chảo làm ta khó thao tác, lớp ngoài thịt cá cũng lâu giòn hơn.
Khi dùng chảo “dính”
Cách rán
Khi rán cá, để mặt cá tiếp xúc với chảo được vàng hẳn hay ít ra là đã hoàn thành việc tạo lớp bảo vệ rồi thì ta mới lật, khi đó miếng cá đỡ dính chảo hơn và kết cấu cũng đã tốt hơn, giảm việc bị vỡ nát.
Rắc bột mì
Vì bề mặt miếng cá và đặc biệt là da cá có nước, nên khi cá gặp dầu nóng rất hay bị bắn, bị nổ. Có một mẹo nhỏ mà bạn có thể áp dụng là rắc thêm bột mì vào chảo rán cá.
Rán bằng nồi rán
Nếu bạn có nồi rán ngập dầu bằng điện thì tuyệt quá rồi. Bạn để nhiệt khoảng 180 độ C rồi thả cá vào, rán như vậy vừa nhanh vừa ngon giòn lại ít bị dính vì cá được bao trong dầu và không tiếp xúc trực tiếp với thành/đế nồi.
Khi rán bằng nồi rán bạn chỉ cần lưu ý là không cho quá nhiều cá vào nồi cùng một lúc làm hạ nhiệt của dầu quá nhanh.
Tẩm ướp
Ít nhất là cá phải được ướp muối, bạn ướp khoảng 1% muối là được, ví dụ 1kg cá bạn sẽ ướp 10g muối. Ướp muối vừa để giữ cá tươi ngon không bị biến chất nhanh lại vừa để miếng cá đậm đà hơn. Tuy nhiên bạn cũng có thể ướp thêm các vị khác như là thì là khô, bột ớt ... tùy theo sự biến tấu của bạn.
Mong rằng những chia sẻ trên đây của tôi sẽ giúp bạn có một đĩa cá vàng ruộm, vỏ giòn mà thịt mềm ngọt thơm ngọt.