8 bí mật không nên giấu bạn đời

Một lầm lỗi trong quá khứ có nguy cơ bị phát giác, hóa đơn mua sắm, tình trạng giả vờ khi ân ái... là điều mà bạn không nên giữ bí mật cho riêng mình trong quan hệ vợ chồng.
Ảnh: Parenthub
Ảnh: Parenthub
1. Bí mật trong chi tiêu
Theo Ian Kerner, chuyên gia tâm lý tình yêu, tác giả cuốn Passionista, chi tiêu bí mật và che giấu những khoản mua sắm là một dấu hiệu lớn cho thấy sự thiếu lòng tin trong hôn nhân.
Tại sao bạn không tiết lộ những gì mình đã mua? Có phải các quyết định của bạn luôn bị bạn đời chế nhạo? Chồng bạn có xu hướng kiểm soát phần lớn thu nhập của gia đình, thậm chí kiểm soát phần lớn mối quan hệ của vợ chồng bạn… Bạn giải thích rằng bạn biết mình tiêu quá tay nhưng không muốn chia sẻ vì thời gian gần đây, bạn cảm thấy không thoải mái khi nói ra nhu cầu của mình.
Hãy sửa chữa sai lầm này, bởi vì vợ chồng bạn không chỉ có cơ hội bình đẳng trong tiền bạc mà bạn sẽ thấy sự hiệu quả của việc chia sẻ những nhu cầu và mong muốn của mình. Theo Kerner, việc lập ra một ngân sách chung và cả hai cùng đóng góp kinh phí cho cả những chi tiêu cá nhân sẽ giúp vợ chồng bạn công bằng về tài chính. Hãy thỏa thuận, bất cứ khi nào mua một món hàng gì đó ở một mức tiền nhiều nhất định (ví dụ từ 500.000 đồng trở lên), vợ chồng bạn sẽ bàn bạc với nhau trước khi rút tiền.
2. Giả vờ hài lòng trong chăn gối
Nói với chồng rằng kể từ khi sinh con được 6 tháng, bạn phải thường xuyên giả vờ hài lòng sẽ khiến chàng hụt hẫng vô cùng. Bởi vì chàng đã nghĩ mình làm rất tốt công việc của một người đàn ông, bạn đừng ném quả lựu đạn vào mối quan hệ của hai người. Thay vào đó, hãy tiếp cận chàng theo một cách mới mà bạn muốn thử để không còn phải giả vờ nữa.
Kerner gợi ý, hãy nhìn nhận những gì có thể khiến bạn hào hứng và cảm thấy gợi cảm như sử dụng sex toy, áp dụng tư thế mới, khóa cửa phòng nếu bạn lo sợ bọn trẻ phá bĩnh hay bạn không thể tập trung. Quan hệ vợ chồng cũng giống như một đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống, đó là điều tự nhiên. Nếu bây giờ bạn cảm thấy không có hứng thú thì không có nghĩa là bạn sẽ mãi mãi ở trong tình trạng đó.
3. Từng nói xấu bạn đời sau lưng
Vợ chồng bạn có bất đồng. Bạn đã nói xấu chồng với bọn trẻ. Thực ra, thiết lập một liên minh với con cái không chỉ tạo ra ngăn cách với người bạn đời mà còn khiến con trẻ lo lắng khi bạn gieo vào lòng con những vấn đề mà chúng không nên biết và cũng không thể giải quyết được.
Cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này là hãy tạo những cuộc đối thoại cởi mở ba chiều. Hãy cho người bạn đời biết bạn từng nói xấu người ấy với con và rằng bạn nhận ra hành động đó có vấn đề. Sau đó, nói với bọn trẻ rằng bạn đã đánh giá sai lầm về cha/mẹ của chúng.
Hoặc hãy tìm gặp bác sĩ tâm lý để tìm ra nguồn gốc của những cảm xúc tiêu cực, và nói với người bạn đời - chứ không phải ai khác - mỗi khi bạn tức giận với họ.
4. Uống rượu vì bức xúc
Nếu đi chơi với bạn bè, bạn uống vài ly cocktail là bình thường, nhưng nếu uống để giải tỏa bức xúc trong lòng, bạn đang đi sai đường. Uống rượu và che giấu nó là cách cổ điển để khiến bạn trở thành một người nghiện ngập.
Nếu bạn nghĩ rằng vấn đề đang trở nên trầm trọng hãy nói với chồng về những lo lắng của bạn. Bạn cảm thấy không được chồng quan tâm? Bạn thấy mệt mỏi với việc nuôi dạy con cái? Bạn thấy cần thiết phải thay đổi công việc? Hãy cho chồng biết bạn đang cần sự giúp đỡ của anh ấy bởi bạn không muốn điều đó xảy ra.
Tuy nhiên, chỉ chia sẻ với người bạn đời thì không thể giúp bạn thoát khỏi tình trạng lạm dụng rượu, vì thế bạn vẫn cần đến gặp thêm các nhà chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể hơn.
5. Che giấu cảm xúc bản thân
Từ tranh cãi về việc ai sẽ về nhà trông con trước mà hai bạn có thể đến mức nặng lời với nhau. Và những lời nói của người bạn đời có thể khiến bạn mỗi lần nghĩ lại vẫn sôi máu lên. Theo thời gian, những cảm xúc tích tụ có thể khiến bạn oán giận và có cảm giác cáu giận thường trực với người bạn đời. Nếu mỗi người không chịu bày tỏ bản thân, vợ chồng bạn dễ có xu hướng đả kích nhau và nói những lời gây tổn thương người kia mà bản thân vốn hoàn toàn không có ý định thế.
Là vợ chồng, bạn cần học cách phàn nàn về những vấn đề có khả năng giải quyết thay vì chỉ trích lẫn nhau. Bắt đầu bằng cách tìm hiểu lý do tại sao bạn vẫn còn khó chịu, và sau đó nói ra một cách rõ ràng. Cuối cùng là tìm ra cách tranh luận trong xây dựng.
6. Những sự cố trong quá khứ
Một bức hình phản cảm của bạn chụp thời quá khứ bỗng một ngày nào đó xuất hiện trên Facebook. Hoặc có lần bạn bị công an bắt giữ vì chơi thuốc lắc bỗng xuất hiện trên Bing khi tình cờ gõ tìm kiếm với từ khóa là tên bạn. Dù không hề dễ dàng nhưng tốt hơn bạn nên nói với người bạn đời về những chuyện này trước khi người ấy tự phát hiện ra.
Theo tiến sĩ tâm lý Sue Johnson, tác giả cuốn sách Love Sense, không chịu chia sẻ những gì xảy ra trong quá khứ của bạn khi chúng có nguy cơ sắp xuất hiện, bạn đã bỏ lỡ cơ hội nhận được sự ủng hộ của người bạn đời. Bạn có thể nói rằng: “Thật khó để nói với anh/em điều này nhưng gần đây, em được gợi nhớ về một chuyện từng xảy ra rất lâu trước đây và nó thực sự khiến em buồn phiền. Anh có muốn nghe câu chuyện không?".
7. Thay đổi chế độ ăn uống một cách cực đoan
Chúng ta thường trở nên cực đoan khi đối phó với stress. Thực ra khi gặp căng thẳng bạn nên chia sẻ với ai đó mà bạn yêu quý để họ có thể giúp bạn đạt được sự cân bằng trong cảm xúc. Thực phẩm cũng là vấn đề có khả năng gây hại cho những người xung quanh bạn, vì thế bạn không nên giải quyết một mình.
Trong khi bạn nghĩ rằng việc thay đổi thực đơn ăn uống chỉ là trách nhiệm của mình thì người bạn đời có thể cảm thấy tổn thương và tức giận vì bạn đã không chia sẻ điều đó. Johnson gợi ý, bạn có thể bắt đầu câu chuyện bằng cách: "Em buộc phải cắt giảm khẩu phần ăn của mình, và em không biết phải làm gì. Em nghĩ có lẽ nên nói với anh". Nếu bạn nghi ngờ mình bị rối loạn trong ăn uống, nói chuyện với người bạn đời không có nghĩa là mọi vấn đề đều được giải quyết, có thể bạn vẫn phải đến gặp các bác sĩ.
8. Dấu hiệu của bệnh trầm cảm
Trầm cảm sẽ gây khó khăn cho bạn khi gắn kết với người khác và điều chỉnh bản thân để phù hợp với họ. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm một người mẹ/người cha hay một người vợ/người chồng tốt của bạn. Johnson cho biết bà đã nhận thấy những bước tiến quan trọng ở những bệnh nhân trầm cảm khi được điều trị cùng với sự kết nối với người bạn đời của họ.
Vì vậy, hãy nói với người bạn đời rằng bạn đang rơi vào một tình trạng rất tồi tệ và bạn không biết phải làm gì. Hãy chia sẻ nỗi sợ hãi của bạn về những cảm xúc hiện có của mình, bạn không muốn người bạn đời giảm quan tâm tới bạn hoặc xem bạn như người không biết giải quyết vấn đề.
Trong những cuộc hôn nhân thành công nhất, mỗi người không nhất thiết phải hoàn hảo nhưng phải luôn hiện hữu. Điều đó sẽ rất khó nếu bạn che giấu cảm xúc dễ bị tổn thương của mình. Trong khi nói cho người bạn đời biết nguy cơ trầm cảm của bạn là rất quan trọng thì bạn cũng cần đến gặp các bác sĩ tâm lý ngay lập tức.

Đọc thêm