9 nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Một trong những vấn đề quan trọng của Quốc Hội trong sáng nay (29/10) là tờ trình của Ủy ban pháp luật của Quốc hội về Dự thảo sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992.

[links()]Một trong những vấn đề quan trọng của Quốc Hội trong sáng nay (29/10) là tờ trình của Ủy ban pháp luật của Quốc hội về Dự thảo sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Hiến Pháp có 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới. 
Theo tờ trình của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, 9 nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đó là: Tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tiếp tục phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong quan hệ quốc tế; tạo cơ sở hiến định để Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện quyền, nghĩa vụ quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới; Sửa đổi kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp. 
Cụ thể hóa 9 nội dung cơ bản nêu trên, Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới. 
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban sẽ chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết của Quốc hội. 
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban sẽ tập hợp, tổng hợp và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013); sau đó tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).
Nhật Thanh

Đọc thêm