1. Trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam, “Đất nước tuy bao lần hưng vong/ Giang sơn tuy bao lần đổi chủ” (Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam). Thế nhưng, có lẽ chưa bao giờ đất nước Việt Nam lại rơi vào thời kỳ mà lịch sử sau này gọi là “đen tối như không có đường ra”.
Kể từ khi nổ súng đầu tiên xâm lược Việt Nam năm 1858 đến khi thiết lập hoàn toàn nền đô hộ của mình trên lãnh thổ Đông Dương, thực dân Pháp đã gây ra ra bao cảnh tang tóc, điêu tàn trên đất nước Việt Nam. Thực dân Pháp nói rằng họ đi khai hóa văn minh, văn minh đâu không thấy, chỉ thấy hơn 90 phần trăm người dân Việt Nam trước năm 1945 mù chữ. Trước năm 1945, có năm, toàn cõi Đông Dương có không tới 800 sinh viên đại học. Trước thảm cảnh một cơn gió lạ từ phương Tây thổi tới đã làm bật tung gốc rễ nền đạo đức, luân lý và văn hóa Việt Nam được vun đắp qua hàng nghìn năm lịch sử.
Trong bối cảnh ấy, rất nhiều các thế hệ người Việt Nam đã quyết thà chết không chịu làm nô lệ. Đã có biết bao cuộc khởi nghĩa nổ ra, biết bao những người con ưu tú của dân tộc đã trăn trở ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Nhiều đấng minh quân đã tự nguyện từ bỏ ngai vàng để cùng mưu cầu độc lập cho đất nước. Đó là những Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân mà tên tuổi các ngài sẽ lưu danh cùng sử sách trong lòng kính trọng và khâm phục của muôn đời thế hệ con cháu mai sau: “Bao triều vua phế đi rồi/ Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ” (Tưởng niệm – Nguyễn Duy).
|
Các cụ Phan Bội Châu theo Đông du, Phan Chu Trinh theo Tây du, Hoàng Hoa Thám theo con đường phong kiến hay Nguyễn Thái Học theo con đường cách mạng tư sản thì cuối cùng đều thất bại. Cái chết, sự hy sinh anh hùng, can trường và lẫm liệt của Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Cô Giang – Nguyễn Thị Giang (phu nhân Nguyễn Thái Học) vào năm 1930 như một tia sáng cuối cùng vụt sáng lên để rồi tắt hẳn, chấm dứt hoàn toàn các con đường yêu nước và cứu nước của dân tộc.
Trong đêm đen tăm tối ấy, một ngọn lửa nhỏ đã được nhen lên ở ngoài nước để rồi nó được những chiến sỹ cách mạng can trường chuyển về trong nước, đốt lên, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng thiêu cháy loài thực dân, đế quốc, biến thành trái tim Đan Kô dẫn đường cho dân tộc chúng ta bước vào một thời kỳ mới.
2. “Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/ Không quê hương sương gió tơi bời/ Đảng ta sinh ở trên đời/ Một dòng máu đỏ nên người hôm nay” (Tố Hữu – Ba mươi năm đời ta có Đảng). Thiếu quê hương chẳng bao giờ không đau khổ, có đất nước, có quê hương mà vẫn thiếu quê hương. Một Đảng sinh ra từ gian khó ấy đã nhanh chóng nhận lãnh trách nhiệm lịch sử trọng đại mà dân tộc và các thế hệ đi trước đã trao trọng trách.
Vừa ra đời, với thế và lực còn nhỏ bé, nhưng đảng đã hòa mình vào các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền vận động và tổ chức nhân dân lao động dấy lên phong trào cách mạng rộng khắp cả nước từ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 đến cuộc vận động dân chủ 1936-1939 và cao trào cách mạng 1941-1945: “Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng/ Đảng ta muôn vạn công nông/ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin” (Tố Hữu - Ba mươi năm đời ta có Đảng).
Lênin từng khẳng định rằng, một đảng tiền phong dẫu mạnh đến bao nhiêu cũng chỉ có khả năng khuấy động trong năm ba vạn người, sức mạnh vĩ đại nhất chính là sức mạnh của Nhân dân. Mới 15 tuổi, với hơn 5.000 đảng viên mà một số đông vẫn còn bị giam giữ trong nhà tù của thực dân, đế quốc, những người Cộng sản đã lãnh đạo Nhân dân vùng lên với sức mạnh “chuyển núi, dời sông” làm nên cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại, đổi đời cho dân tộc Việt Nam. Cuộc cách mạng mà “Người nô lệ đi ra đường.
|
Cỏ cây, đất nước được giải phóng. Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình vô vi của anh hùng cô độc. Một tác phẩm của nhân dân, làm bằng máu thịt của nhân dân, anh hùng là nhân dân (…). Chính Đảng của Nguyễn Ái Quốc từ trong lòng người, xuất hiện ra từ ở nhà trường, công xưởng, ở đồn điền, ở đồng ruộng, hòa lẫn với đất trời Việt Nam. Người xây dựng một xã hội hạnh phúc, tự do và độc lập cho Việt Nam. Ngang qua họ, từ lâu và từ lâu, Cách mạng Tháng Tám được nghiền ngẫm, tưởng tượng, mơ mộng, ao ước, hy vọng trong nhà tù, trong trại giam, trong rừng thẳm, trong hang núi. Chết khô, chết đói, chết lạnh, chết súng, chết gươm.
Cuộc đời tràn ngập nơi họ nhiều quá nên họ khinh cái chết. Họ phải khinh vào cái chết và đời sống của họ là kỷ luật. Kẻ thù săn bắt, tra tấn, tù đày, giết mòn, giết tại trận. Giết họ thì được nhưng không thể giết được kỷ luật của Đảng họ. Kỷ luật của Đảng Nguyễn Ái Quốc đã thắng tất cả. Họ ở trong trái tim của một anh hùng mãi mãi, vô địch trong thời gian và không gian. Ấy là nhân dân. Mỗi một làn sóng ụp vào kẻ thù là một bài học. Làn sóng trước tan vỡ thì tiếp theo làn sóng sau. Thủy triều dâng lên mãi. Xiềng xích trói buộc loài người nhất định phải bị bứt nhiều chỗ (Nguyễn Văn Nguyễn – Tháng Tám trời mạnh thu)”.
Lịch sử đã đặt lên vai dân tộc chúng ta những thử thách vô cùng khốc liệt. 21 ngày hưởng nền độc lập, cả miền Nam lại bước vào cuộc chiến đấu mới và sau đó là toàn quốc kháng chiến. Những chàng trai, cô gái năm ấy đã ra đi để trở về bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chín năm làm một Điện Biên ấy, bằng đường lối đúng đắn của mình, Đảng đã quy tụ được rất nhiều các tầng lớp Nhân dân từ các thành viên của hoàng tộc đến các vị quan lại nổi tiếng của triều đình phong kiến; từ những trí thức nổi tiếng trong và ngoài nước; từ những lãnh tụ tôn giáo tên tuổi đến những tín đồ ngoan đạo của hầu hết các tôn giáo; từ những người nông dân chân lấm tay bùn chỉ quen việc cầm cày, cầm quốc đến những tướng cướp chỉ quen cầm súng, cầm dao…
Tất cả họ, dưới đường lối đại đoàn kết dân tộc của Đảng đã hòa chung làm một, đã đoàn kết cùng nhau, đã đi trọn 30 năm đến ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.
3. Sau khi thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bằng bản lĩnh và khả năng của mình, Đảng đã lãnh đạo đất nước ta giành nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đứa đất nước ta từ một đất nước bao cấp, thiếu lương thực triền miên vững vàng trên con đường đổi mới, từng bước hội nhập sâu rộng. Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới thì nay thế giới có 193 nước thành viên Liên Hợp quốc thì Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước.
Từ một dân tộc nhỏ bé bị đói ngnheof do chiến tranh xâm lược, hiện nay Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới và thuộc Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ một đất nước bị bao vây cấm vận, thì nay Việt Nam đã tham gia sâu vào sân chơi chung toàn cầu và đã 2 lần được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với số phiếu bần cho nhiệm kỳ 2020-2021 gần như tuyệt đối…
Mùa xuân, nghĩ về Đảng, chắc hẳn những người Việt Nam chân chính đang được hưởng những thành quả của đất nước hôm nay không thể quên công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của bao lớp người Việt Nam yêu nước, của những đảng viên kiên trung của Đảng đã ngã xuống để Tổ quốc thống nhất, vẹn toàn và phát triển hôm nay. Và, hẳn nhiên, mỗi công dân chân chính của đất nước sẽ luôn nhắc nhở mình để xứng đáng với tiền nhân, để sự hy sinh của các thế hệ đi trước không phải là điều phí phạm.