Ai “bảo kê” cho “cò“ lộng hành ở các bến xe?

(PLO) - Lý do của việc khó dẹp “cò” tại các bến xe gây ngạc nhiên cho phóng viên, đó là tình trạng “người có chức quyền” xin xỏ cho “cò” hoạt động để kiếm sống…
Chèo kéo khách để ăn huê hồng.
Chèo kéo khách để ăn huê hồng.
Cò nghiệp dư, chuyên nghiệp lộng hành!
Có mặt tại một số bến xe trên địa bàn Hà Nội, phóng viên chứng kiến cảnh các “cò”  vé, “cò” xe “săn” khách khá giống nhau: hai người nhà xe ở lại trông xe, còn các “vệ tinh” tản khắp bến để lôi kéo, dụ khách, thậm chí “ấn” vé vào tay người đang lơ ngơ tìm xe. Dù bị “con mồi” từ chối, một số đối tượng vẫn cố bám lằng nhằng theo sau rồi cáu gắt, chửi tục khiến khách vô cùng sợ hãi, có người đành bước lên xe của chúng cho yên chuyện. 
Tại bến xe Giáp Bát, chị Trần Thị Nhung (quê Nam Định) nói nhỏ với phóng viên: “Khổ lắm em à, không thể thoát được bọn chúng. Chị là người đi về thường xuyên mà vẫn bị bọn “phe” vé lôi kéo, bắt chẹt. Chúng ào đến, miệng nói đi nào em ơi, đi theo anh đảm bảo về nhà sớm rồi đùng đùng cầm đồ kéo lên xe khiến chị cũng phải chạy theo lên xe chứ chống đối làm sao?”. 
Cũng như chị Nhung, em Hoàng Thị Lành - sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cảm thấy sợ hãi mỗi lần bắt xe về quê: “Lần nào về quê, em cũng bảo anh trai chở ra tận bến, đưa lên xe chứ em không dám về một mình vì sợ các đối tượng  “cò”  vé, “phe” vé này lắm”.
Theo “tổng kết” của Ban quản lý một số bến xe, tại khu vực bến xe có hai loại cò: cò chuyên nghiệp và lơ xe kiêm cò. Cò lơ xe là người của nhà xe, tranh thủ trước giờ xe chạy, loanh quanh đi bắt khách. Những đối tượng này, bến xe vẫn “nắm được tóc” vì nhà xe bao giờ cũng có hợp đồng cam kết tuân thủ các quy định chung của bến xe kèm theo các hình thức phạt vi phạm. 
Tại bến xe Giáp Bát, lực lượng này đã được bến xe thử nghiệm đưa vào quản lý bằng cách cấp phát thẻ để đeo khi hoạt động ở bến. Nếu nhân viên nhà xe có những hành động lôi kéo khách phản cảm thì bến xe sẽ xử lý theo các điều khoản cụ thể đã ký trong hợp đồng, có thể phạt tiền hay đình chỉ hoạt động một thời gian.
“Cò”  chuyên nghiệp là những đối tượng tự do sống bám quanh khu vực bến xe lâu năm. Đối tượng này các bến xe cấm vào trong bến hoạt động, chẳng hạn như bến xe Nước Ngầm chỉ cho những người có vé đi xe mới được vào  bến. 
Nhưng ở một số bến chưa quản được gắt gao thì chúng vẫn trà trộn vào như hành khách. Chiêu phổ biến của “cò”  chuyên nghiệp là ngon ngọt mời chào khách đi xe giá rẻ, nhanh và xe đẹp rồi ép dẫn khách lên xe, sau đó kín đáo nhận tiền công bắt khách từ nhà xe. Nhiều người đã “mắc bẫy” khi được chào giá thấp nhưng khi lên xe, chạy được một quãng, nhà xe mới xuất hiện thu cao hơn giá vé quy định. Mấy ai biết được mình đã phải chịu tiền nhà xe đã trả công cho “cò”?
Khó xử vì những cú điện thoại
Dù cò lừa khách, gây mất trật tự tại các bến xe ai cũng thấy, không ít người bức xúc nhưng cũng chịu chung cảnh khó xử lý. Khó xử lý trước hết là vì cò chủ yếu hoạt động ngoài khu vực bến xe, không thuộc quyền quản lý của bến xe. Ông Trịnh Hoài Nam - Đội trưởng Đội Kiểm soát bến xe Nước Ngầm cho biết, khi xe đã rời khỏi bến tức đã thoát ra khỏi sự kiểm soát của bến xe, thuộc trách nhiệm kiểm tra, xử lý của lực lượng công an. 
Nhưng nếu hành khách có bằng chứng về việc bị lừa, thu vé quá quy định thì quản lý bến xe sẽ xử lý nhưng hiếm có trường hợp nào bị xử lý vì khách ngại phản ánh và nếu có thì bằng chứng không thuyết phục. Thứ hai, do không có quy định nào liên quan đến hành vi “cò”  vé, “cò”  xe nên không thể xử lý được các đối tượng.
“Giả sử những trường hợp gây bức xúc quá thì lực lượng công an có xử lý, đưa vào bến xe phạt bắt ngồi vài tiếng đồng hồ về hành vi gây rối trật tự công cộng rồi thả ra chứ không có cách nào hơn. Mà  nói thật, cũng chưa chuẩn nếu quy “cò”  xe là gây rối trật tự công cộng vì không hề có biểu hiện ầm ĩ, gây rối gì cả” - ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát tâm sự.
Lý do cuối cùng gây ngạc nhiên cho phóng viên, đó là tình trạng xin xỏ cho cò hoạt động tại bến xe. “Vì thu nhập cũng khá nên các đối tượng bám trụ bến xe để kiếm sống. Nhiều trường hợp khi lực lượng công an hay quản lý bến xe đuổi, nhốt là y như rằng sẽ có “người có chức quyền” gọi điện can thiệp xin tha cho “cò” để được hoạt động trở lại. Bến xe chúng tôi cũng chịu áp lực với mấy vụ này lắm, và bến xe khó dẹp nạn “cò”  cũng là vì thế” – quản lý một bến xe tiết lộ.

Đọc thêm