Tiền công đức đi về chốn nao?
Hiện nay, việc phân cấp quản lý những nơi thờ tự, di tích chưa thống nhất. Có nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý: UBND xã, phuờng, Ban quản lý di tích, nhà chùa, nhà đền, công ty khai thác dịch vụ. Việc phân cấp quản lý lễ hội, di tích của từng địa phương cũng khác nhau, có nơi do UBND huyện, thị xã tổ chức và quản lý lễ hội, có nơi giao cho UBND xã, phường tổ chức và quản lý, có nơi do Ban quản lý chuyên môn, công ty kinh doanh khai thác các hoạt động vận chuyển và dịch vụ.
Khó có thể biết trong mùa lễ đầu năm: Chùa Hương, chùa Yên Tử, đền Cửa Ông, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Trần (Nam Định); đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ , chợ Viềng và Phủ Giày (Nam Định)… một ngày tiền công đức là bao nhiêu vì theo những “tay hòm chìa khóa” thì không thể tiết lộ được. Tuy vậy, ai cũng biết chắc đó là con số từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu thậm chí hàng tỉ đồng. Chính vì sự “mình ta biết” này nên rất nhiều người hoài nghi, lượng tiền lớn ấy sẽ “đi đâu, về đâu”? Có vào việc tu bổ di tích, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hay về tay một số cá nhân trục lợi?
PGS.TS Lương Hồng Quang- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã đánh giá: Hiện nay ai cũng biết số lượng tiền công đức rất lớn nhưng không ai nắm được, nên cũng không biết việc chia sẻ lợi ích được thực hiện như thế nào. Cũng từ đó mà xảy ra hiện tượng lợi dụng công đức để tư lợi, xuất hiện rất nhiều đền phủ tư nhân hay các “công ty” tôn giáo tâm linh. Hệ thống đền phủ tư nhân không ai đăng ký, không bị quản lý. Ai cũng biết nó có tồn tại nhưng không ai kiểm soát được nó cả.
Một số thành viên Ban lễ nghi của một ngôi đền ở xã Thạch Bàn, Thạch Hà, Hà Tĩnh cũng từng sống trong nghi ngờ khi vấn đề tài chính của đền không được công khai rõ ràng. Theo lời “tố” của những người trong cuộc, trong suốt ba năm, số tiền tài trợ, công đức và các khoản đầu tư ở đền không ai biết cụ thể ra sao. Có địa phương còn áp dụng việc khoán tiền công đức, thậm chí báo chí từng lên án chuyện người dân ở một địa phương của huyện Nghi Xuân phải nộp về xã 300 triệu đồng/năm sau khi trúng thầu quản lý một ngôi đền là di tích văn hoá cấp quốc gia.
Đếm tiền công đức |
“Khoán” tiền công đức?
Sự “thỏa thuận” ngầm trong phân chia nguồn thu công đức, tiền giọt dầu đã dẫn đến trong một số đền, chùa có quá nhiều khay đựng tiền giọt dầu, hòm công đức. Nhiều nơi lập bàn thờ, đặt hòm công đức và đĩa để tiền giọt dầu tại di tích khiến du khách đặt quá nhiều tiền lẻ lộn xộn, làm mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh, gây sự phản cảm trong sinh hoạt lễ hội.
Việc sử dụng các nguồn thu từ công đức và dịch vụ chưa đúng mục đích, minh bạch, chưa tương xứng với nguồn kinh phí cung tiến và công đức của du khách. Nhiều người hưởng lợi nhưng hầu hết đều có suy nghĩ “cha chung không ai khóc” từ đó dẫn tới việc khi sử dụng chính những nguồn thu này phục vụ lại cho di tích theo quy định của Luật Di sản gặp nhiều khó khăn.
Có không ít nơi lẫn lộn trong quản lý, thu - chi giữa Ban quản lý và thủ từ. Cũng có những di tích rất phức tạp khi mang tính chất gia đình trị, bà mẹ hay ông bố đã ở đấy thì kéo con, kéo cả họ đến làm ở di tích. Chuyện cá nhân tìm cách biển thủ đã xảy ra.
Có nơi còn “khoán” tiền công đức để “nộp tô” cho địa phương. Di tích đền Ông Hoàng Mười xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) là một ví dụ. Những năm trước, mỗi năm, tiền công đức ở nơi này được xã “khoán trắng” là 600 triệu đồng. Năm 2012, xã “lên giá” với mức “khoán” là 900 triệu đồng. Sau bao nhiêu năm, việc ‘khoán” luôn “vấp” phải sự phản đối của rất nhiều người bởi nó đã làm sai lệch bản chất tâm linh, linh thiêng nơi đền, chùa. Làm sao biết được năm nay đền thu được bao nhiêu mà lại “khoán”? Vì bị “khoán” nên các di tích buộc phải nghĩ ra nhiều trò thương mại hoá để cho đủ chỉ tiêu và khi đủ rồi thì làm sao để tiếp tục vượt “khoán”? Cứ như thế sai phạm nối tiếp sai phạm làm cho nguồn công đức bị biến tướng đi, lòng tin của người công đức cũng bị giảm sút.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Bộ Nội vụ đã lên kế hoạch xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo với mong muốn minh bạch hóa việc quản lý nguồn tiền công đức. Thông tư liên tịch gồm 9 điều, trong đó có nội dung: “Tiền, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch” (Khoản 4 Điều 3).
Đặc biệt, Điều 7 quy định: “Người phụ trách (trụ trì), Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo”.
Có thông tư nhưng những đồng tiền công đức sẽ được sử dụng thế nào thì chưa ai dám khẳng định, bởi điểm gỡ nút để giải quyết vấn đề tiền công đức nằm ở chỗ ai là người kiểm tra, kiểm soát sổ sách, cách thu và chi tiền công đức lại chưa cụ thể. Và “số phận” tiền công đức vẫn không biết… trôi nổi về đâu???