Ai là chủ nhà hàng “lấy trộm” gần 700 triệu đồng từ thẻ ngân hàng của du khách Úc?

(PLO) - Mới đây, vào ngày 10/10, Cảnh sát điều tra Công an Q.1, TP.HCM đã có báo cáo kết quả xác minh ban đầu về vụ một người mang quốc tịch Úc bị quẹt gần 700 triệu đồng cho bữa tối tại nhà hàng Nightfall ở Q.1, Tp.HCM ngày 11/8 vừa qua.
Ai là chủ nhà hàng “lấy trộm” gần 700 triệu đồng từ thẻ ngân hàng của du khách Úc?

Theo đó, kết quả xác minh ban đầu của Cảnh sát điều tra Công an Q.1 cho thấy người đàn ông đứng tên đại diện theo pháp luật cho nhà hàng Nightfall không phải là chủ nhân của nhà hàng này. Lời khai ban đầu của những người có liên quan cho thấy người đàn ông này chỉ đứng tên đăng ký kinh doanh dùm chị gái của mình - một người phụ nữ có tên là P.

Báo cáo của Cảnh sát điều tra Công an Q.1 cũng cho thấy sau khi vị du khách bị trừ gần 700 triệu, bà P. đã làm thủ tục rút hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng, tuy nhiên chưa rõ số tiền bà P rút có phải tiền từ giao dịch này hay không.

Theo dòng sự vụ này, việc xảy ra từ tối 11/8, ông Caracciolo David John, quốc tịch Úc đến nhà hàng Nightfall trên đường Thái Văn Lung, Q.1, Tp.HCM để ăn uống cùng bạn bè và sử dụng thẻ để thanh toán cho bữa ăn tối. Sau khi về nước, nhận được sao kê, ông tá hỏa khi thẻ bị trừ 39.429 AUD – tương đương 683.150.000 đồng.

Đại diện ủy quyền của ông Caracciolo David John, bà Lê Kim Yến cho biết nhân viên nhà hàng đã cố tình quẹt thẻ làm nhiều lần, yêu cầu ông nhập mật khẩu nhiều lần với lý do thẻ có trục trặc. Tuy nhiên trong suốt quá trình cà thẻ, nhân viên nhà hàng không đưa cho ông bất cứ hóa đơn thanh toán nào để ông ký nhận. Toàn bộ số tiền quẹt thẻ đã được báo "Có" cho đơn vị chấp nhận thẻ này.

Hiện nhà hàng đã đóng cửa và sang cho chủ mới kinh doanh quán bar. Tìm kiếm trên Cục thuế Tp.HCM cho thấy công ty kinh doanh nhà hàng này vẫn đang trong tình trạng hoạt động. Tuy nhiên, tại địa chỉ mới mà công ty chuyển đến hiện chưa có bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào. Đó mới đang là một căn nhà đóng cửa, không có biển hiệu công ty. 

Đối với những trường hợp thẻ bị lợi dụng gian lận thanh toán, chủ thẻ sẽ làm thủ tục tra soát tới Ngân hàng phát hành. Bằng các bước nghiệp vụ, ngân hàng phát hành thẻ sẽ gửi yêu cầu sang ngân hàng thanh toán, là ngân hàng cung cấp máy POS cho điểm chấp nhận thẻ để kiểm tra lại giao dịch.

Nếu đơn vị chấp nhận thẻ của ngân hàng thanh toán chứng minh được khách hàng đã sử dụng dịch vụ, xuất trình được hoá đơn có chữ ký hợp lệ của chủ thẻ (trùng với chữ ký mà chủ thẻ đăng ký với ngân hàng khi mở thẻ), có số chuẩn chi (Approve code), thời gian giao dịch trùng với thời gian khách hàng thanh toán, và các chứng từ khác (hộ chiếu, Id của chủ thẻ)... thì giao dịch thanh toán trên là hợp lệ. Trường hợp, điểm chấp nhận thẻ không xuất trình được hóa đơn cà thẻ có chữ ký hợp lệ của chủ thẻ, hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác thì ngân hàng phát hành đại diện cho chủ thẻ sẽ yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ trả lại tiền. 

Một điểm có thể được coi là sơ hở ở tình huống giao dịch này là, mặc dù giao dịch được quẹt đến 8 lần trong cùng một khoảng thời gian, với số tiền không nhỏ nhưng Ngân hàng đại diện cho chủ thẻ không thực hiện bước “Xác thực giao dịch” (hay còn gọi là verify) để kiểm tra và xác thực giao dịch của khách hàng. Đây cũng có thể phụ thuộc vào chính sách khách hàng và kiểm soát gian lận thẻ của từng ngân hàng nên có lẽ vì thế, giao dịch của khách hàng này chưa được coi là giao dịch lớn cần phải kiểm tra trực tuyến ngay tại thời điểm giao dịch. 

Một số trường hợp trước đây, từng có khách hàng bị điểm chấp nhận thẻ gian lận. Đa phần những điểm chấp nhận thẻ này thường lập ra chỉ để quẹt thẻ bất hợp pháp. Họ đã bị công an điều tra và xử lý tuỳ mức độ vi phạm", ông nói và cho biết rất khó giải quyết triệt để những trường hợp này vì họ thường lập ra pháp nhân mới rồi lại tiếp tục vi phạm.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra.

Đọc thêm