Ai ơi giữ lấy đạo nhà

(PLVN) - “Gia đình là tế bào xã hội” – điều này luôn luôn đúng và mặc nhiên khẳng định vai trò gia đình đối với xã hội. Vì thế, coi nhẹ giáo dục gia đình ắt phải chịu hậu quả tác động xấu đến xã hội. 
Tổ ấm có được từ sự gắn kết của các thành viên gia đình.
Tổ ấm có được từ sự gắn kết của các thành viên gia đình.

Gia đình không chỉ là nơi cung cấp nhân lực, tái tạo sức lao động cho xã hội, duy trì nòi giống mà còn là nền tảng của đạo lý, giữ gìn truyền thống văn hóa, nơi ươm mầm các giá trị nhân văn. Không có tình cảm yêu thương, trân trọng giữa các thành viên trong gia đình thì làm gì có tình yêu đối với đồng bào, Tổ quốc.

Đạo lý trong mỗi gia đình gọi là gia phong và khi hợp chung lại thì đó chính là đạo lý truyền thống. Đạo nhà tự cổ chí kim luôn luôn được coi trọng “Ai ơi giữ lấy đạo nhà” (ca dao) như một lời nhắn nhủ giữ gìn đạo lý. Đạo lý nổi bật nhất của Á Đông nói chung và người Việt chúng ta là coi trọng chữ Hiếu.

“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, hàm ý, công cha rất lớn nhưng có thể định lượng được còn nghĩa mẹ rả rích âm thầm nhưng chẳng bao giờ vơi cạn, chảy suốt cuộc đời mỗi người con. Tuy nhiên, đó là sự khẳng định, tiền đề để dẫn dụ đến một đạo lý: “Một lòng thờ mẹ, kính cha/Có tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Đạo làm con cũng là tiền đề cho đạo làm người: “Trai thì trung hiếu làm đầu/Gái thì tiết hạnh là câu trau mình”. Một cách chọn hiền tài của người xưa rất đáng để học tập: “Chọn bề tôi trung trong đám con hiếu”. Đó là sự khẳng định phẩm chất con người, có hiếu thì mới có trung, phẩm chất đó hài hòa trong một con người cụ thể, nghịch tử thì gắn liền với bất trung. Người không hiếu đễ với cha mẹ thì làm sao có thể trung thành với ai đó khác! 

Giáo dục gia đình truyền thống coi trọng vai trò của người cha: “Con không cha như nhà không nóc”. Người cha không chỉ là trụ cột kinh tế gia đình mà còn là người che chở, duy trì gia phong, gia đạo.

Người cha được gọi là “nghiêm đường” biểu hiện của một sự nghiêm khắc bảo vệ gia phong, giáo dục con cái và là tấm gương mẫu mực trong gia đình. Người mẹ gọi là “huyên đường”, biểu hiện của sự tươi tốt, dịu dàng và giáo dục con cái bằng tình cảm, bằng đạo đức của mình “phúc đức tại mẫu” là vậy. 

Đạo lý truyền thống đề cao sự hòa thuận trong mỗi gia đình và trước tiên là quan hệ chồng – vợ: “Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Dẫu là phúng dụ thôi nhưng khẳng định sức mạnh của sự thuận hòa – nền tảng của gia phong. Trong quan hệ giữa vợ chồng thì “cơm sôi bớt lửa”, khuyên người vợ nên “lui”. Bởi tính cách của giới tính khác nhau, đạo lý truyền thống không khuyến khích người phụ nữ phải “vùng lên”, ngang bằng với chồng trong mọi chuyện. 

Nếu yêu cầu đạo lý ở người đàn ông là bao dung, độ lượng thì ở người phụ nữ đó là sự nhẫn nhịn, dịu dàng. Điều này khác với quan niệm hiện tại là “phụ nữ phải biết sống cho mình”, “việc gì mà phải nhẫn nhịn”,... trong khi đó người đàn ông tính khí nhỏ nhen vẫn bị gọi là “đàn bà”. 

Điều này có vẻ đi ngược với truyền thống cũng như sự khác biệt giới tính và có thể sự bất hòa, lục đục nảy sinh từ đây. Hoặc giờ đây người ta ít coi trọng cái đạo lý “Cá không ăn muối, cá ươn/ Con không nghe cha mẹ trăm đường con hư” nữa mà thay vào đó là sự phản kháng với bố mẹ từ con cái được khoác cho cái đạo lý “tự lập”, “tôn trọng cá nhân”.

Nên nhớ là nếu như không nghe lời cha mẹ thì bất luận thế nào cũng “trăm đường hư”. Tất nhiên, cha mẹ cũng có lúc sai nhưng có một điều khẳng định chắc chắn rằng không ai có thể yêu thương mình bằng cha mẹ mình!

Ngày nay, nhìn vào hiện tượng bên ngoài thì có vẻ như đạo lý truyền thống trong mỗi gia đình không còn như ngày xưa. Những vụ án gia đình không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra và nguyên nhân của nó đôi khi chỉ là những mâu thuẫn hết sức bình thường. Hiện tượng này gióng lên hồi chuông báo động về giáo dục gia đình và những tác động xấu của xã hội trực tiếp và len lỏi vào cuộc sống gia đình. 

Khác với việc duy trì trật tự xã hội bằng pháp luật, gia đình sống với nhau bằng đạo lý và tôn ti trật tự huyết thống, nuôi dưỡng những giá trị nhân bản, hình thành và tạo nên nhân cách con người.

Coi nhẹ giáo dục gia đình, ỷ lại và trông chờ vào giáo dục nhà trường, không kiên quyết bảo vệ những giá trị truyền thống gia đình, bỏ quên gia giáo, coi thường gia phong, gia đạo, đổ lỗi cho môi trường xã hội,... là những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp hủy hoại nếp nhà, làm suy yếu tế bào xã hội. 

Sự kinh hoàng, xót xa, lo sợ trước những thảm án trong gia đình hay huyết thống từ cộng đồng và phản ứng của dư luận cho thấy cái gốc đạo lý, đạo nhà vẫn tồn tại và còn duy trì mãi trong đông đảo các tầng lớp xã hội. Vấn đề là ở chỗ cần chú tâm, đề cao và tạo môi trường cho đạo lý truyền thống tốt đẹp đó sinh sôi./.

Đọc thêm