Ai sẽ đủ sức cạnh tranh với Bộ Giáo dục?

(PLO) - Chương trình giáo dục hiện hành nhìn chung vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh.
Sách giáo khoa đóng vai trò quan trọng trong dạy và học. Ảnh minh họa: MH
Sách giáo khoa đóng vai trò quan trọng trong dạy và học. Ảnh minh họa: MH
Bên cạnh đó, việc thực hiện cứng nhắc một chương trình chung cũng  hạn chế chất lượng, hiệu quả học tập nên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo và chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK). 
Tuy nhiên, thảo luận tại tổ về đề án này chiều qua (11/11), không phải Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nào cũng yên tâm khi để các tổ chức, cá nhân phải “cạnh tranh” với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong việc biên soạn SGK.
Nhiều bộ sách giáo khoa, sẽ có chuyện lobby
Đề án chủ trương xã hội hóa (XHH) công tác biên soạn SGK phổ thông và đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác. Không ít ĐBQH đã nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều SGK cho mỗi môn học và thực hiện XHH việc biên soạn, xuất bản SGK phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện. 
Việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK đảm bảo sự chủ động về thời gian công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới chương trình, SGK trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả ba cấp học. Đồng thời, nếu có xung đột giữa việc phát hành các bộ SGK thì có thể xử lý bằng việc bán đấu giá bản quyền bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn cho các nhà xuất bản để phát hành, kinh phí thu được nộp ngân sách nhà nước cũng như việc giao thẩm quyền lựa chọn SGK cho cơ sở giáo dục.
Nhưng băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng giữa Bộ GD&ĐT và các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK khác nếu thực hiện theo phương án của Đề án, một số ĐBQH đề xuất để các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, còn Bộ GD&ĐT chỉ thẩm định, cho phép đấu giá và phát hành bộ SGK được chọn. ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) không đồng tình để Bộ biên soạn SGK vì để “Bộ GD&ĐT lấy ngân sách nhà nước biên soạn SGK thì ai dám biên soạn bộ khác”. Hơn nữa, thực tế đa số các Giám đốc Sở GD&ĐT đều cho biết sẽ chọn bộ sách do Bộ biên soạn sẽ khiến chủ trương XHH biên soạn SGK “hô thì rất mạnh” nhưng sẽ không khả thi. 
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), không nên đưa việc biên soạn SGK vào cạnh tranh vì chỉ những người tâm huyết mới biên soạn SGK nhưng “liệu có thể tồn tại khi đã có bộ sách do Bộ biên soạn”. Dẫn ví dụ về chương trình, SGK của GS.Hồ Ngọc Đại đã được thực nghiệm từ nhiều năm, xã hội có thừa nhận nhưng vẫn không thể nhân rộng, ĐB cho rằng:  “Nếu đã có SGK của Bộ thì không ai dám sử dụng bộ SGK ở ngoài”. Như vậy, “về hình thức, chủ trương XHH biên soạn SGK rất dân chủ để huy động trí tuệ xã hội song không thực tế”.
Lo ngại có chuyện lobby để chọn bộ SGK được sử dụng, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) không thống nhất nhiều chủ thể biên soạn SGK. Bên cạnh đó, trình độ, mặt bằng dân trí hiện nay cho cơ sở giáo dục tự chọn một bộ SGK để giảng dạy là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến việc thiếu thống nhất và không đồng đều về chất lượng giáo dục dù đã có chương trình chung. 
Cần qui chế để không “tác động” chọn sách giáo khoa
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận về chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK” theo đề án. Bộ trưởng giải thích, “không phải Bộ muốn “ôm” việc soạn thảo SGK mà muốn chủ động trong việc thực hiện đổi mới chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo “việc đổi mới là dứt khoát, nhưng nếu buông hết mà không lo, tốt thì không sao, nhưng không triển khai, không chủ động được thì sẽ có lỗi với nhân dân”.
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều ĐBQH băn khoăn là Bộ GD&ĐT trực tiếp biên soạn SGK rồi tự thẩm định và thẩm định cả SGK của các đơn vị, cá nhân khác biên soạn giống như “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, giành hết chỗ, không còn chỗ cho các nhóm tác giả viết sách nữa. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định: “Hiện chúng ta đang tính toán một chương trình nhiều SGK rất là nghiêm túc, cẩn thận thì việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách hay không biên soạn cũng không ảnh hưởng gì đến các bộ sách khác”.
Hơn nữa, việc thẩm định các bộ SGK, kể cả của Bộ biên soạn là do Hội đồng thẩm định độc lập, không phụ thuộc vào Bộ GD&ĐT để chọn ra bộ sách nào đạt tiêu chuẩn, được lưu hành. Còn việc lựa chọn áp dụng bộ SGK nào lại phụ thuộc vào vùng, miền và các địa phương. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Phải có quy chế về việc lựa chọn để tránh tình trạng nhà xuất bản “tác động” với nhà trường để lựa chọn bộ sách này, bộ sách kia, qua đó được hưởng hoa hồng”. 

Đọc thêm