Ai sẽ là chủ nhân của các 'thành phố ma'?

(PLO) -Sự ra đời của những “thành phố ma” tại Trung Quốc được nhiều người lý giải là do tâm lý “cái gì cũng thích làm lớn” cũng như sự bùng nổ bong bóng bất động sản ở nước này.
Những thành phố ma ở Trung Quốc.
Những thành phố ma ở Trung Quốc.

Hàng chục 'thành phố ma'

Năm 2009, truyền thông phương Tây lần đầu đưa tin: Trung Quốc – phép màu kinh tế của thế giới – đang xây dựng các thành phố mới với tốc độ chóng mặt trên khắp cả nước. Nhưng, vấn đề là không ai muốn sống ở những nơi đó. 

Để có thể hình dung được một cách đầy đủ và rõ nét về bức tranh toàn cảnh của tình trạng phát triển các thành phố ma ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước này trong một thời gian đã áp dụng phương pháp thống kê khá độc đáo: đếm số đèn ở cửa sổ của các căn hộ hoặc phân tích các dữ liệu từ vệ tinh. 

Trong đó, trong một nghiên cứu hợp tác với trường Đại học Bắc Kinh hồi năm 2016, nhà nghiên cứu Haishan Wu và các chuyên gia làm việc cho trang web tìm kiếm Baidu của Trung Quốc đã lập sơ đồ 50 thành phố ma lớn nhất ở Trung Quốc.

Sau khi trừ đi những thành phố du lịch vốn chỉ đông đúc người vào mùa nghỉ lễ, gần 20 thành phố ma thực sự đã được nhóm nghiên cứu nhận dạng. Hầu hết các thành phố này đều nằm ở khu vực ngoại vi của các thành phố cấp 2 và cấp 3. Những thành phố cấp 1 là các trung tâm kinh tế như Bắc Kinh và Thượng Hải còn những thành phố cấp 2 và cấp 3 thường là thủ phủ của các tỉnh. 

“Ý tưởng ban đầu của những thành phố vệ tinh này là để giảm áp lực về dân số cho các trung tâm thành phố cũ” – ông Carlby Xie, Giám đốc công ty quốc tế Trung Quốc Colliers, cho biết. Với ý tưởng như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, những khu căn hộ và các tòa nhà văn phòng được xây dựng ở xung quanh trung tâm các thành phố lớn hay ở khu vực gần các thành phố nhỏ hơn nhưng được dự báo sẽ trở thành những trung tâm phát triển của Trung Quốc với tốc độ nhanh chưa từng có. 

Một số thống kê cho biết, lượng bê tông mà Trung Quốc đã sử dụng đến cho công cuộc xây dựng chỉ trong vòng 3 năm đã bằng tổng lượng bê tông mà người Mỹ đã dùng trong suốt cả thế kỷ 20. 

Việc xây dựng những thành phố này diễn ra ở thời điểm ngay cả những thành phố cấp 2 như Thành Đô hay Cáp Nhĩ Tân, tỉ lệ đến sống của người dân vẫn chưa đạt dự kiến khi xây dựng.

Còn về khía cạnh thương mại, những khu văn phòng ở các thành phố cấp 2 nổi tiếng như Tây An và Thành Đô cũng đang đối mặt với tỉ lệ trống lên đến 40 – 50%, khiến cả các nhà đầu tư lẫn chính quyền địa phương đều lo ngại về tốc độ chậm chạp trong việc bán bất động sản. 

Sự phát triển bất thường

Ông Kai Caemmerer của tờ Business Insider cho rằng sự phát triển của những thành phố ma là bất thường. “Không giống như ở Mỹ, nơi các thành phố thường bắt đầu với sự phát triển ở quy mô nhỏ và theo tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp của địa phương nhưng những thành phố mới của Trung Quốc lại được xây dựng đến mức gần như sắp hoàn tất rồi mới công bố” – ông nói. 

Còn ông Wade Shepard – tác giả của cuốn Những thành phố ma ở Trung Quốc – thì nói rằng những thành phố ma thực chất là kết quả của phong trào đô thị hóa bắt đầu vào đầu những năm 1980 và bùng nổ vào những năm 2000 ở Trung Quốc. 

Trong khi đó, ông Eduard Kogel – một nhà quy hoạch đô thị và là một chuyên gia về các thành phố của Trung Quốc – cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của các thành phố ở Trung Quốc là một thử nghiệm khổng lồ và độc đáo.

Những thành phố ma ở Trung Quốc.
Những thành phố ma ở Trung Quốc.

“Đến năm 2020, Chính phủ Trung Quốc dự định sẽ đưa 100 triệu người dân từ các khu vực nông thôn tới sống ở các thành phố. Như vậy, có thể nói, việc xây dựng các thành phố và những khu dân cư mở rộng đó hoàn toàn là dựa vào đầu cơ chứ không phải là nhu cầu trực tiếp. Các thành phố mở rộng với quy mô lớn được xây dựng với giả định rằng tăng trưởng và thịnh vượng trong tương lai sẽ khiến những nơi đó nhanh chóng được lấp đầy” – ông Kogel nói.

Đôi khi, giả định của ông Kogel được chứng minh là đúng. Ví dụ, Zhengdong – một thành phố mới được nâng cấp từ một quận thuộc thành phố cấp tỉnh Trịnh Châu – vốn thường được cho là một trong những thành phố ma lớn nhất Trung Quốc, là nơi có đến hàng chục tòa nhà cao chọc trời trống rỗng.

Tuy nhiên, những thống kê gần đây cho thấy thành phố đang dần có thêm nhiều dân cư đến sinh sống. “Ngày càng có nhiều người trẻ tới làm việc ở Zehngzhou vì cơ sở hạ tầng ở đây tốt hơn ở khu phố cổ” – ông Wu nói.

Ông Shepard cũng có cái nhìn lạc quan hơn về các thành phố ma ở Trung Quốc. Ông cho rằng việc xây dựng những thành phố như vậy là một sáng kiến dài hạn và sẽ phải mất hàng chục năm thì những nơi đó mới có đủ người tới sinh sống.

 “Khái niệm thành phố ma là nhầm lẫn về mặt kỹ thuật trong trường hợp này. Một thành phố ma là nơi đã mất đi chức năng kinh tế hay nói cách khác đã chết nhưng ở Trung Quốc thì đó chỉ là những thành phố mới chưa đi vào đời sống” – ông nói.  

Hậu quả trước mắt

Tuy nhiên, ở những nơi khác, tình hình không khả quan như vậy. “Những thành phố cấp 3, cấp 4 hay cấp 5 đều ghi nhận tốc độ người dân đến sinh sống và làm việc rất thấp. Điều này xuất phát từ sự phát triển quá lạc quan ở thời điểm kinh tế đang suy thoái, đặc biệt là các ngành công nghiệp” – ông Xie nói.

Ví dụ của những thành phố như vậy trải khắp Trung Quốc. Những thành phố hay thị trấn ma thu hút sự chú ý của truyền thông nhất là những thành phố xây dựng theo kiến trúc của châu Âu như Tianducheng – phiên bản Paris của Trung Quốc với cả một ngọn tháp mô phỏng Tháp Eiffel. Thành phố này được xây dựng như một thành phố vệ tinh của Hàng Châu. Vậy nhưng, đã nhiều năm kể từ khi việc xây dựng được hoàn tất, thành phố này vẫn gần như chưa có người ở. 

Một phần nguyên nhân là do những thành phố được xây dựng mới có giá quá đắt đỏ, khiến người dân không thể mua được. Một nguyên nhân khác, theo ông Kogel, là do việc cho thuê đất là một trong những nguồn thu chính của giới chức địa phương. Điều này dẫn tới việc các nhà đầu tư đổ dồn vào xây dựng ở những nơi mà giới chức địa phương sau đó không có đủ tiền để cung cấp hạ tầng cho người dân, khiến các nơi này không có người ở do thiếu tiện nghi. 

Ordos, thành phố ma nổi tiếng nhất ở khu Nội Mông của Trung Quốc là thành phố mới nhất được thêm vào danh sách những thành phố ma của Trung Quốc. Thành phố này được xây dựng dựa trên nhận định kinh tế ở khu vực sẽ tiếp tục tăng trưởng. Giới chức địa phương kỳ vọng sẽ có 1 triệu dân đến đây sinh sống. Nhưng, cả khu vực vốn chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong công cuộc tăng trưởng. 

Một số nhà quan sát coi đây là dấu hiệu Trung Quốc đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nhà đất. Tháng 9/2016, người giàu nhất Trung Quốc – Wang Jianlin đã lên tiếng cảnh báo ngành bất động sản nước này về một “bong bóng lớn nhất lịch sử” qua sự tồn tại của những thành phố ma như vậy.

Song, những thành phố mới của Trung Quốc vẫn được tiếp tục xây dựng, như thành phố Nanhui mới. Theo một số nguồn tin, chi phí xây dựng thành phố dự kiến hoàn thành vào năm 2020 này là 7 tỉ USD. Các nhà phát triển hy vọng thành phố sẽ biến đường bờ biển thành một trung tâm thương mại và du lịch. Ước tính, khoảng 800.000 người sẽ chuyển tới đây sinh sống vào năm 2020. 

“Trong khi cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện và thành phố vẫn đang trống trơn nhưng việc xây dựng những tòa nhà, những cơ sở giải trí và trung tâm thương mại quy mô lớn vẫn đang được lên kế hoạch xây dựng” – phóng viên Kate Schneider của Australia cho biết.

Đọc thêm