Ở lại để chăm sóc cho những người đã mất
Tôi đến Trại phong Đá Bạc (đóng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cùng một đoàn từ thiện vào một sáng tháng ba. Trại phong Đá Bạc hiện ra trước mắt chúng tôi với khung cảnh hoang tàn, cây cỏ dại ven đường mọc lấp kín lối đi. Tiến sâu vào khuôn viên trại phong là cảnh tượng đổ nát, những góc tường lộ ra những vết nứt lớn, những phòng ở đã bỏ hoang… nằm giữa núi đồi hoang vắng.
Nơi đây còn mười cụ già bị bệnh phong sinh sống. Trò chuyện với các cụ, tôi được biết, trại phong này trước đây thuộc sự quản lý của Bệnh viện Da liễu Hà Nội. Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì trại phong được di dời sang địa bàn Hà Tây để hoạt động. Từ đó, nơi đây bị bỏ hoang. Khi di dời thì hơn 10 bệnh nhân xin ở lại để thắp hương cho những người quá cố, chấp nhận cuộc sống không có sự trợ cấp của Nhà nước. Tất cả những người xin ở lại đều là những cụ già yếu, không còn lành lặn chân tay.
Từ đây, cuộc sống của các cụ ngày càng rơi vào cảnh túng thiếu. nghèo đói. Mọi sinh hoạt, nhu cầu duy trì cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào những nhà hảo tâm. Nhưng có lẽ nỗi buồn và nỗi đau lớn hơn cả sự nghèo đói các cụ đang gặp phải đó là sự cách ly với xã hội nhộn nhịp ngoài kia. Trò chuyện lâu hơn với các cụ mới hiểu sự thiếu thốn, trống vắng, mà ở tuổi gần đất xa trời hình như nó còn khắc sâu hơn. Nó khắc vào ánh mắt, vào từng nếp nhăn, vào nụ cười, vào những bước đi khó nhọc, vào cái ho rung cả bờ vai.
Khi được hỏi lý do vì sao các cụ không đi sang bệnh viện mới cho đỡ khổ, cụ Tống Vương (80 tuổi) cười buồn: “ Tôi đã sống ở đây hơn 50 năm rồi, đây là nhà của tôi rồi. Chúng tôi già rồi, sống được bao lâu nữa mà chuyển đi. Ở đây với nhau, có chết thì cũng là được chết ở nhà mình”.
Khi được hỏi về cuộc sống các cụ, thì cụ Liên (76 tuổi) buồn bã tâm sự: “Giờ mọi người cũng không kỳ thị nhiều nữa, nhưng cũng ít người đến đây, vì họ vẫn sợ lây. Chủ yếu là những đoàn từ thiện thỉnh thoảng đến thăm cho gạo, mì tôm, mì chính… Chúng tôi cứ sống vậy thôi. Số phận cuộc đời rồi cô ạ. Hầu hết mọi người ở đây đều một thân một mình, nương tựa vào nhau mà sống”.
Và ở đâu đó, trong giọng nói và đôi mắt họ vẫn ánh lên nụ cười hạnh phúc khi họ nói đến những lần các đoàn từ thiện lên chơi, ăn cơm cùng và giao lưu. “Có lần, có đoàn thanh niên lên đông lắm cô ạ. Họ còn ở lại, cả đêm đốt lửa nói chuyện. Vui như hội ấy. Hay như đoàn từ thiện này cũng vậy, lần nào lên mọi người cũng nấu cơm mời chúng tôi ăn, gọi là để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho chúng tôi” - cụ Liên vui vẻ cười và nói.
Tôi chợt đắng lòng khi nhận ra đằng sau nụ cười ấy là sự khao khát những giây phút hạnh phúc, vui vẻ. Sự khao khát nhỏ bé một cuộc sống bình yên và tình người…
Những mảnh đời buồn
Hiện tại Trại phong Đá Bạc còn lại 10 cụ già. Các cụ cũng đã ngoài 70, 80 tuổi – cái tuổi gần đất xa trời mà đáng lẽ được an hưởng tuổi già. Nhưng ở đây họ vẫn lo từ bữa ăn và cái nỗi buồn vẫn bám theo họ hàng hàng ngày. Và hầu hết những ai còn ở lại thì cũng đều là những người gắn bó gần hết cuộc đời mình ở nơi đây, không dưới 40 năm. Mỗi người là một câu chuyện buồn bất hạnh.
Tôi lắng nghe cuộc trò chuyện của bạn mình với một cặp vợ chồng già. Hai cụ là số ít người may mắn ở đây, vì “có đôi, có cặp” sẻ chia niềm vui, nỗi buồn... Ông bà vào đây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ông bà có với nhau ba người con trai. Các con của ông bà đã trưởng thành, thỉnh thoảng có vào thăm cha mẹ. Giờ tuổi già, vẫn chỉ có các cụ bên nhau...
Đưa ánh mắt nhìn cả căn phòng họ ở, trống trải, sơ sài. Hai chiếc giường cũ kĩ kê ngay cửa ra vào. Một chiếc bàn uống nước nhỏ, một chiếc ti vi cũ, một bộ ấm lệch chén cũ mèm. Cuối phòng là một cái tủ gỗ một cánh cũng đã hỏng. Ông bà kể, từ ngày trại phong chuyển đi nơi khác, chúng tôi nhờ có gạo của anh Trung (trưởng đoàn từ thiện) cho hàng tháng mà sống các cháu ạ.
Rồi cụ gõ gõ vào chiếc chân giả cười cười và nói: “Chỉ mong có chết thì sáng dậy mọi người thấy mình đã đi. Đừng ốm đau mà nằm một chỗ không ai chăm. Khổ mình nhưng khổ cả những người bạn xung quanh. Gìa cả rồi, tự chăm sóc bản thân còn khó khăn thì còn lo được cho ai”.
Câu chuyện về cuộc đời các cụ còn dài, nhưng đến giờ ăn bữa cơm trưa “thân mật” nên chúng tôi gác câu chuyện lại và đưa các cụ đi ăn. Chúng tôi gọi là bữa cơm “thân mật” như thế thực ra để tất cả như gần lại. Trong bữa cơm , các cụ cười và kể chuyện thường ngày của mình. Các cụ nói về con chó Lu, con gà trống dữ dằn, con gà mái đẻ trứng lung tung,...
Cụ Sợi – cụ ít tuổi nhất cũng hơn 70 tuổi, gọi con gà thân thương lắm: “Em ơi, em đừng thế nhé” khi nó xù lông lên muốn đá một anh bạn trong nhóm tình nguyện. Hình như, mỗi con vật, mỗi cành cây, mỗi bông hoa nơi đây đều là bạn, là con, là em, là người thân của các cụ vậy.
Chúng tôi chào các cụ và hứa với mọi người chúng tôi hàng tháng trở lại nơi đây, ăn bữa cơm “thân mật” với các cụ. Chúng tôi muốn san sẻ một phần tình cảm ấm áp với các cụ để cuối đời, họ thấy bớt cô đơn hơn…