Nỗi cô đơn trên “ốc đảo” buồn lặng
Cách trung tâm TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) về phía nam hơn 10km, trại phong Văn Môn như một “ốc đảo” ẩn mình phía sau cuộc sống tấp nập của một đô thị. Đứng trên đê sông Hồng, làng phong trông thật buồn lặng, cô tịch. Nơi ấy là mái nhà chung của hàng trăm bệnh nhân phong.
Ít ai biết rằng đằng sau cánh cổng làng phong ấy là những nỗi niềm trăn trở về gia đình, người thân chưa bao giờ cất lên thành lời. Trại phong Văn Môn là bắt nguồn của tên gọi làng Văn Môn nằm sát bờ sông Hồng, dưới con đê thuộc xã Vũ Vân (huyện Vũ Như, tỉnh Thái Bình).
Người dân ở đây cho biết, những con đường đi qua trại phong trước đây nhộn nhịp người qua lại nhưng từ những năm 2000 trở đi con đường trở nên vắng vẻ, hiu quạnh hơn. Khu trại phong như một ngôi làng nhỏ với những mái nhà cấp bốn giản dị và sạch sẽ.
Khu nhà cấp 4 trong trại phong Văn Môn |
Trong cái “ốc đảo” nhỏ hiu quạnh ấy có hàng trăm nhân khẩu nhưng mỗi người đến đây với một số phận, nỗi niềm riêng. Có những cụ vào trại phong từ nhỏ rồi nương tựa vào nhau mà sống, cụ thì con cháu di cư sang châu Âu làm ăn sinh sống nên hơn 60 năm chưa gặp lại.
Đằng sau vẻ bề ngoài bình yên của những con người trong khu trại phong Văn Môn là những số phận buồn tủi. Không ít người đang từng ngày mong chờ được gặp lại con cháu dù chỉ một lần trước lúc nhắm mắt xuôi tay.
Trường hợp ông Linh, bà Bình là một ví dụ. Tưởng chừng như hai ông bà hạnh phúc vì con cái đầy nhà nhưng 4 người con của ông bà sang Bulgaria làm việc cho đến nay đã hơn 20 năm chưa một lần về thăm ba mẹ. Những đứa con của ông bà lần lượt hứa về thăm ông bà trong mỗi lần gọi điện nhưng rồi lời hứa theo gió bay.
Mỗi lần gọi về nói chuyện không quá 15 phút và mỗi lần hứa xong lại để đó, đến nay không biết đã bao nhiêu lần. Ngày ông Linh trở bệnh, đột ngột ra đi cách đây hai năm, các con về một vài ngày nhưng cũng không thể đông đủ vì công việc mỗi người một nơi.
“Tôi nghe lời hứa của các con nhiều đến mức khi nghe chúng hứa tôi đã không còn cảm giác gì nữa. Có lẽ đợi đến khi tôi mất chúng mới về lần nữa để tiễn tôi” – bà Bình thở dài tâm sự.
Vợ chồng cụ Lê Thị Hoa và cụ Lê Thanh Tâm mỗi khi thấy người thân vào thăm hỏi người ở phòng kế bên, hai cụ lại lủi thủi đi vào ngồi nhìn nhau.
“Các con bận đi làm xa nên ít vào thăm. Mỗi khi nhìn người thân vào thăm mọi người ở phòng bên cạnh, chúng tôi cũng tủi thân lắm nhưng các con bận việc nên mỗi năm chỉ vào thăm một lần thôi” – cụ Hoa nói.
Cụ Lê Thị Hoa đang ngồi nói chuyện với mọi người |
Cụ Nguyễn Văn Minh, 82 tuổi chỉ vào đôi chân nói: “Các cụ sống ở đây vì không muốn bị người ta nhìn với ánh mắt thiếu thông cảm. Hơn nữa, người già chúng tôi không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu nên vào đây”.
Cụ Minh có hai cô con gái và một cậu con trai đều làm ăn thành đạt bên Úc nhưng đã hơn 4 năm nay cụ chưa một lần thấy con cháu về thăm một lần. Lần gần nhất con trai cụ về Việt Nam có công chuyện tiện thể ghé thăm cụ được 30 phút rồi đi luôn.
“Nó ngồi nói chuyện một lúc, dặn dò rồi nó đưa cho tôi ít tiền cùng túi quần áo, bánh kẹo và bảo “bố cố gắng ăn uống. Thiếu gì có thể điện sang con mua gửi về” – cụ Minh kể lại. Nhiều đêm nhớ con, nhớ cháu cụ cũng chỉ biết lôi bức ảnh cả nhà chụp chung ra để ngắm.
Gieo niềm tin từ tình thương
Hiện nay, theo tiêu chuẩn, mỗi bệnh nhân phong được Nhà nước hỗ trợ 510.000 đồng/tháng. Số tiền phần lớn được các cụ dùng mua thuốc. Cuộc sống tuy u ám, buồn tủi nhưng các cụ luôn khao khát sống, khao khát được hòa nhập với cộng đồng.
Vì vậy, hễ thấy những người lạ hay có khách đến chơi các cụ mừng lắm, họ đứng cửa, rồi lại gần bắt chuyện để được nói chuyện như những người bình thường. Trong khu trại phong còn có nhiều người vào trong đây từ nhỏ nên tự ghép đôi về thổi cơm chung với nhau.
Bà Bính năm nay đã 60 tuổi, còn ông Thanh vừa bước vào tuổi 66, mỗi người mỗi cảnh, người thì mất chân, người bị cưa tay, nhưng cảm mến nhau nên hai người đã xin Ban quản lý được về ở cùng để tiện chăm sóc, đỡ đần nhau.
Bên cạnh đó, cuộc sống ở đây có thêm những niềm vui, tiếng cười là nhờ có những y tá, những người tình nguyện làm công việc giúp đỡ các bệnh nhân phong. Bà Bình cho biết, các cô y tá ở đây vui tính lắm. Nhiều khi họ giúp các cụ quên đi khoảng cách giữa bệnh nhân phong với người bình thường, nói chuyện một cách vô tư mà quên đi sự kỳ thị.
Ngoài công việc giặt giũ, các cô y tá cũng giúp mọi người trong trại phong rất nhiều. Mỗi khi có ai đó trong trại phong ốm đau, các cô lại tận tình đến chăm sóc. Nhất là vào những ngày trở trời, mưa gió các cô phải dọn dẹp khu ở cho các cụ để luôn sạch sẽ, khô ráo, tránh bệnh tật xâm nhập.
Bên cạnh việc giúp đỡ về mặt tình cảm, các cô cũng là những người bạn, người con tốt giúp đỡ các cụ rất nhiều về mặt tinh thần./.