Ám ảnh ở 'thành phố ma' nơi người sống rót tiền tỷ nuôi người chết

(PLO) -Nằm trải dài trên đồi cát trắng ven biển Vinh Xuân (Thừa Thiên Huế) là một làng chài được mệnh danh “thành phố ma”. Ở đó có hàng nghìn khu lăng mộ xa hoa bậc nhất cả nước. Những lăng mộ này được người dân trong vùng rót tiền tỷ xây cất đồ sộ chẳng thua kém gì lăng tẩm của vua chúa thời trước.
Thợ xây lăng quanh năm bận rộn không hết việc

Những lăng mộ tiền tỷ

Từ thành phố Huế, chạy dọc theo quốc lộ 49 về phía đông hơn 40km, hỏi thăm “thành phố ma” bất cứ ai cũng có thể chỉ cho chúng tôi lối dẫn về địa danh này. Cũng giống như bao làng chài ven biển khác, người dân nơi đây quanh năm mưu sinh với nghề chài lưới.

Họ sống trong những ngôi nhà nhỏ trên đồi phủ đầy cát trắng. Thế nhưng điều bất ngờ nhất khi chúng tôi vừa đến cổng làng An Bằng (Phú Vang, Huế) là sự choáng ngợp trước những lăng mộ xa hoa. Chúng án ngữ như những lâu đài có kiến trúc khổng lồ đủ màu, kích cỡ trên bãi cát dọc bờ biển. 

Dạo một vòng quanh “thành phố ma” chúng tôi được những người thợ xây ở đây cho biết, lăng mộ nào có giá xây bèo nhất cũng phải 800 - 900 triệu đồng. Nhiều lăng mộ đồ sộ như một tòa lâu đài được xây với chi phí không dưới một tỷ.

Chỉ tay về phía một lăng mộ vừa được xây dựng xong, thợ xây Trần Phương cho biết: “Lăng mộ này được xây có giá hơn 80 nghìn USD, tương đương khoảng hơn 1 tỷ 7 tiền việt nam. Chủ nhân của nó là một đại gia trong làng, nghe đâu anh này đổ tiền xây cất trước để chuẩn bị chỗ cho mình và gia đình sau này.”

Cũng Theo những người thợ xây ở đây, hầu hết các lăng mộ này được xây lên đều lấy mẫu thiết kế chung từ lăng Khải Định sau đó việc biến hóa thêm hay bớt tùy thuộc vào sở thích của mỗi chủ nhân. Các lăng mộ được thiết kế như lăng mộ vua chúa, cũng tam quan với mái ngói lưu ly, câu đối, bia đá, trụ biểu, la thành... rực rỡ sắc màu và đủ các phong cách từ:

Phật giáo, Thiên chúa giáo, Lão Giáo, Hồi giáo... Thậm chí, nhiều lăng còn chạm khắc rồng, phượng đầy màu sắc vào các cột trụ. Cá biệt, một số ngôi được xây cao tới 10m, trang trí tỉ mỉ và nằm trên diện tích rộng 250ha. Những ngôi mộ này hầu như không nằm tách biệt trên các sườn đồi hoặc xa khu dân cư mà là trải dài ra dọc bờ biển. 

Lân la hỏi chuyện chúng tôi được biết có một điều lạ lùng ở đây là hầu hết người dân nơi này đều cho rằng xây lăng thật lớn để thể hiện lòng báo hiếu dành cho người đã khuất. Có nhiều lăng mộ được xây cất chỉ sau một thời gian ngắn đã được đập phá, xây lại vì thấy những lăng mộ của nhà khác to cao, đồ sộ hơn. 

Mê mẫn ngắm cảnh tráng lệ, nguy nga của hàng nghìn lăng mộ tựa như những tòa lâu đài phơi bày trước mắt, chúng tôi bất giác cảm thấy khó hiểu với điều kiện kinh tế của những người dân làng chài nghèo này. Họ quanh năm mưu sinh với nghề chài lưới thì lấy đâu tiền tỷ để trang hoàng cho người chết như vậy? 

Khi hỏi về điều này, những người thợ xây ở đây cho biết, đa số dân sống ở các làng xung quanh đây đều nghèo, duy chỉ có làng An Bằng là nơi được xem giàu nhất vùng. Thế nên những lăng mộ ở đây chủ yếu là do người An Bằng rót tiền xây cất để báo hiếu người đã chết.

“Làng An Bằng trước đây vốn dĩ là một làng chài nghèo ven biển quanh năm mưu sinh với nghề chài lưới. Thế nhưng, từ những năm 1990, làng An Bằng trở nên khá giả khi nguồn tiền từ thân nhân ở nước ngoài ồ ạt đổ về. Bắt đầu từ đó, những người dân chài quanh năm nghèo khổ trở nên giàu có bậc nhất trong vùng.

Rồi họ nghĩ đến chuyện báo hiếu cho người đã khuất. Phong trào xây dựng nhà cửa, lăng mộ tại “thành phố ma” cho người chết bắt đầu nở rộ từ đó. Hiện nay ở làng An Bằng này ước tính cũng có đến hơn 3.000 lăng mộ được xây cất rất đồ sộ”- anh Trần Phương một chủ thầu xây dựng cho biết thêm. 

những lăng mộ tiền tỷ được xây dựng rất xa hoa, lộng lẫy (ảnh:Xuân Đào)

Người chết “nuôi” lại người sống...

Ở thành phố ma này, việc người sống rót tiền tỷ để xây cất lăng mộ cho người chết là điều không bàn cãi, thế nhưng cũng từ “thành phố ma” này, mà những dịch vụ đi kèm đã trở thành “cần câu cơm” của nhiều người đang sống.

Để ý quan sát xung quanh, chúng tôi nhận thấy các hoạt động trong “thành phố ma” này diễn ra có vẻ rất sôi động. Chẳng giống với không khí tĩnh mịch, hiu quạnh của một nơi chôn cất người chết, các hoạt động của con người diễn ra như ở một công trường lớn đang trong quá trình thi công.

Tiếng trò chuyện rôm rả của các thợ xây lăng, tiếng máy hàn, máy cắt gạch rú liên hồi, tiếng ầm ầm của xe chở vật liệu trút xuống các khu lăng mộ… tất cả hòa quyện vào nhau đúng nghĩa của một thành phố có người sống. 

Trong khuôn viên của “thành phố ma” này ước tính mỗi ngày có đến hàng trăm thợ xây, thợ chạm hoa văn làm việc. Đa số họ là những người thợ lành nghề được thuê từ các làng lân cận. Có nhiều thợ “đắt hàng” đến mức, quanh năm suốt tháng họ chỉ làm việc ở khu vực này.

“Việc làm ở đây chẳng lo thiếu, đôi lúc tổ thợ tui không dám nhận nhiều vì sợ làm không nổi. Đặc biệt là dịp hè này thời tiết khô ráo người ta đua nhau xây lăng mộ như một trào lưu vậy. Chúng tôi dựng trại tại đây làm việc ngày đêm mới kịp làm xong thời hạn theo yêu cầu của chủ lăng”- anh Trần Đình Phước, thợ xây người Vinh Thanh cho biết.

Mỗi ngày công của những người thợ lành nghề ở đây được trả với giá rất cao từ 350 - 500 nghìn đồng/ngày công. Cũng bởi vì tiếp xúc với công việc thợ xây lăng nhiều năm nên hầu hết các thợ xây ở đây đều là những người thợ có tay nghề cao, khéo léo trong việc chạm trổ hoa văn.

Không những giỏi nghề, những người thợ ở đây còn rất am hiểu về kiểu cách xây, biết kết hợp hài hòa giữa kiến trúc vua chúa và kiến trúc hiện đại. Chính vì vậy, cánh thợ ở đây rất được lòng chủ nhân của các lăng mộ. Có nhiều trường hợp thợ nề sau thời gian làm ở đây đã xuất ngoại, họ được các mối ở nước ngoài mời sang xây đắp lăng tẩm.

 Không chỉ những người thợ lành nghề ở đây có công việc làm ăn ổn định quanh năm nhưng còn có rất nhiều người lao động ở hai huyện Phú Vang và Phú Lộc gần đó cũng kiếm tìm được công việc từ kéo xe cát, chở vật liệu, hay làm phụ hồ... để xây lăng.

Cuộc sống diễn ra ở vùng này giống như một thành phố của cõi âm, những “dịch vụ mới” đặc biệt liên tiếp được mở ra như: thuê người thắp nhang, quét dọn, bật điện vào ban đêm cho các lăng mộ...

Theo tiết lộ của những người làm công việc chăm sóc lăng mộ, trung bình mỗi tháng họ nhận được từ 2 - 3 triệu đồng/người, vào các dịp lễ tết thì công việc nhiều, tiền công của họ cũng vì thế mà tăng theo.

Cũng chính sự nổi tiếng của “thành phố ma” này mà nhiều du khách khi đến Huế đều muốn tìm đến, nơi đây dường như trở thành một điểm du lịch thu hút du khách bậc nhất vì những ngôi mộ kỳ lạ, đầy màu sắc và xa hoa.  Nhiều du khách còn gọi làng An Bằng là “thành phố của những hồn ma”. 

Đọc thêm