Ấm áp đời thường

(PLO) - Thời gian qua có một ngày đáng nhớ, gọi một cách đơn giản đó là ngày của chị em. Hoa, quà và những lời chúc tốt đẹp, những bữa liên hoan vui vẻ gặp mặt, một chút quan tâm từ những người đàn ông và có lẽ chỉ dừng lại ở đó. Ấy là chuyện cũ, bởi bên cạnh sự tôn vinh các phụ nữ tiêu biểu mang tầm quốc gia thì còn có những sự động viên nho nhỏ, những sức lan tỏa và thấm sâu thì hết sức mạnh mẽ. 
Ảnh minh họa.

Đó là trường hợp của một nữ nhân viên thu ngân ngành Điện lực tại Đà Nẵng, chị nhặt được 1 tỷ đồng trên đường và ngồi chờ đến lúc chủ nhân của số tiền đi tìm thì trả lại. Một số tiền rất lớn, có thể làm hoa mắt bất cứ ai, kể cả những người có địa vị hoặc giàu có. Thế mà chị hành động không một chút gợn đắn đo và cho rằng đó là việc bình thường, ai ở vào trường hợp của chị thì cũng làm như chị thôi.

Hành động và suy nghĩ ấy ở cái thời mà con người đầu độc nhau từ lá rau đến môi trường, giẫm đạp nhau để làm giàu, sẵn sàng đẩy đồng loại vào cảnh cơ cực thì thật là đáng quý. Chị là tấm gương thực sự cho một đạo lý mà bấy lâu chúng ta xao nhãng hoặc hiểu không đúng: Nhặt được của rơi đem trả lại là chuyện bình thường, không phải của mình thì đừng lấy, thế thôi! Bởi đã thịnh hành cái thói nhặt được cái gì của người ta đánh rơi thì mặc nhiên cho là của mình nên cái đạo lý bình thường kia trở nên quý hiếm. Chị cũng kể là các đồng nghiệp của chị cũng thường xuyên trả lại tiền hoặc đồ vật mà khách hàng bỏ quên, những người như chị và đồng nghiệp đã góp phần làm nên thương hiệu Đà Nẵng là một thành phố đáng sống.

Một câu chuyện khác, vào những đêm mưa gió lạnh lùng, trong khi mọi người đi chơi, liên hoan vui vẻ thì chị em lao công vẫn âm thầm, cần mẫn với việc dọn rác, làm sạch đường phố. Bất ngờ, một nhóm thiện nguyện đến tặng hoa, quà và ca hát chúc mừng giữa đêm khuya khoắt. Chỉ đơn giản vậy thôi mà ấm lòng không chỉ cho những người nữ vệ sinh viên ấy mà còn cho nhiều người khác. Hành động của nhóm thiện nguyện đã mang lại ý nghĩa đích thực cho ngày của chị em.

Ngoài những câu chuyện xúc động về tình người nói trên, sáng lên trên mặt báo tuần qua những gương mặt với những việc làm, hành động tốt đẹp và đầy nghĩa cử. Một thầy giáo Trường THPT ở Gia Lai đã cưu mang những học sinh dân tộc vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học, có trường hợp thầy đi hàng chục cây số, lên tận rẫy để “lấy” học sinh bỏ học về trường.

Thầy giáo 36 tuổi này chưa lấy vợ, mẹ bị trọng bệnh, gia cảnh không khá giả gì nhưng vẫn hết lòng vì học sinh. Thầy cũng có suy nghĩ hệt như chị nhân viên Điện lực là việc làm của mình rất bình thường, nhiều người thầy khác cũng làm như thế nhưng chưa được biết đến mà thôi. Hoặc, trường hợp một Thiếu úy Cảnh sát giao thông trên đường đi làm đã lao xuống dòng sông lạnh giá cứu sống một cô gái định trẫm mình, quyên sinh trong một phút nông nổi trước sự chứng kiến của rất nhiều người nhưng không ai dám lao xuống cứu cô gái đó cả.

Đó là những hành động của những người bình thường, làm theo tiếng gọi của lương tâm, của đạo lý làm người. Chính những hành động, suy nghĩ đó của họ làm chúng ta thấy cuộc đời này tốt đẹp hơn, đáng sống hơn bởi tình yêu đồng loại.

Đọc thêm