Như vậy, chính quyền TP HCM đã thực sự quan tâm đến cuộc sống của dân nghèo, sống tạm bợ và thấu hiểu hoàn cảnh họ. Giải pháp xây nhà xã hội được đưa ra với nguồn kinh phí chủ yếu là của doanh nghiệp và Nhà nước sẽ bổ sung nếu thiếu. Chỉ cần có chủ trương đúng thì bài toán về tiền sẽ được giải đáp. Đây không chỉ là thể hiện chính quyền vì dân mà là chính lợi ích của quốc gia này, bởi không an cư làm sao lạc nghiệp được. Và, khi người dân không lạc nghiệp thì nói gì đến chuyện dân giàu, nước mạnh. Chí ít, sẽ có một vạn hộ, tức nhiều vạn con người sẽ ghi nhớ điều này, cuộc sống của họ ổn định, nhà cửa họ khang trang, hưởng những tiện nghi văn minh thì sao quên ơn chế độ đã mang lại cho họ điều đó!
Chủ trương, chính sách của Nhà nước ta là đảm bảo chỗ ở ổn định cho người dân và trên thực tế những dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, ngân sách đã rót tiền vào, tuy nhiên, rất ít người nghèo không có chỗ ở chen chân được vào đây. Hoặc là dự án dây dưa, hoặc đã hoàn thành nhưng dành cho người có tiền hoặc bố, mẹ, anh chị em, họ hàng, người nhà và “cánh hẩu” của chủ đầu tư và chủ dự án mà thôi.
Về mặt này, Thủ đô Hà Nội thua xa TP HCM khi các dự án nhà ở của TP bị “đội vốn”, “đội thời gian”, nhiều người dân nộp tiền đến 90% giá trị hơn 10 năm nay rồi mà chưa thấy nhà đâu. Có người đặt mua nhà cho con cưới vợ mà đến nay khi cháu nội của họ học đến lớp 7 rồi mà… nhà vẫn trên giấy. Thậm chí, không ít người dân có nhu cầu nhà ở bị lừa đảo đến trắng tay bởi các doanh nhân khoác áo đại biểu Quốc hội hay những doanh nghiệp “uy tín” và “tên tuổi”.
Những khu biệt thự bỏ không, nhưng căn hộ dở dang hoang phế trong khi nhu cầu nhà ở của dân rất cấp bách mà hình như nhà chức trách sở tại không động lòng. Kiện cáo là vô ích vì chẳng được bồi thường gì. Vì thế “Hà Nội không vội được đâu” đã trở thành thành ngữ để an ủi không chỉ ở lĩnh vực hành chính công mà còn ở các lĩnh vực khác nữa.
Mong Hà Nội cũng như TP HCM có 10.000 căn hộ cho dân nghèo thành hiện thực để dân an cư, lạc nghiệp, đất nước phồn vinh!