Hành động đảo chính của Trịnh Xuân không chỉ diễn ra một lần rồi dứt, mà đến hai lần mới thôi. Mà cha của vị vương tử này, lại là một kẻ anh hùng cái thế chứ chẳng phải hèn kém gì cho cam, ấy là Bình An vương Trịnh Tùng. Điều đó cho thấy, Trịnh Xuân hẳn tham quyền lắm lắm...
Quyền thế ngôi cao
Như ta đều biết, cái thời Lê – Trịnh tương ứng với thời Lê Trung hưng (1533 - 1789), và câu “Lê tồn Trịnh tại, Trịnh bại Lê vong” như cái sợi dây xuyên suốt buổi Lê mạt. Thế Tổ Trịnh Kiểm nhờ cha vợ Nguyễn Kim mà dựng nên cơ đồ nhà Trịnh.
Mà đến đời sau đó do Bình An vương Trịnh Tùng (sinh 1550, làm chúa 1570-1623) tiếp nối, công lao cũng lớn lắm, nên trong Trịnh gia chính phả mới tổng lược công trạng là “bắt giết được Mạc Mậu Hợp, lấy lại được thành Thăng Long, nối dõi trí cha, giúp nên nghiệp đế, trải thờ bốn triều, dựng thành Vương phủ, anh hùng tiếng lừng Trung Quốc”.
Về công lao sự nghiệp của Bình An vương, bài này không xét tới. Chỉ điểm thêm qua về chốn riêng tư, ấy là gia đình, vì có can dự đến chuyện chính sẽ nói trong bài, xét không thể bỏ qua. Kim tỏa thực lục ghi về thế thứ chúa Trịnh cho hay, Trịnh Tùng có Chính phi là Lại Thị Ngọc Trà, Thái phi Đặng Thị Ngọc Dao. Về đường con cái thì ông “được 20 người con trai, không kể số gái”.
Trong số 20 người con trai của chúa Trịnh Tùng, có con trưởng là Tín Lễ công Trịnh Túc chết năm 28 tuổi trong lúc chơi đùa với voi, rồi Tung Nhạc công Trịnh Vân… Nhưng đáng chú ý là Trịnh Tráng (sau là Văn Tổ Nghị vương), con thứ ba (do Thái phi họ Đặng sinh) và Trịnh Thung (hoặc đọc là Trịnh Xuân), con thứ của Trịnh Tùng, nhận tước Vạn quận công, chức Tiết chế, mở phủ Ninh Nghĩa. Sau này, người con thứ Trịnh Xuân, hẳn làm chúa Trịnh nhiều phen đau đầu.
|
Trịnh Tráng lên ngôi sau cuộc đảo chính bất thành của em |
Ra tay lần thứ nhất
Thời Trịnh Tùng làm chúa, vua Lê như bóng mờ nơi ngai vàng, điện ngọc. Mọi quyền hành đều một tay chúa Trịnh quyết hết. Thậm chí, đến sinh mạng của vua cũng bị chúa Trịnh định đoạt khi ngược ý.
Thế mới có chuyện Lê Thế Tông được lên ngôi thay Lê Anh Tông năm Quý Dậu (1573), còn Anh Tông thì sau đó như lời thuật trong Đại Việt sử ký toàn thư thì “Bấy giờ Trịnh Tùng sai Tống Đức Vị ngầm bức hại vua rồi nói phao là vua thắt cổ”.
Sau này, năm Kỷ Mùi (1619), vua tiếp theo của nhà Lê là Lê Kính Tông lại bị Trịnh Tùng bắt thắt cổ chết. Rõ là việc phế lập, một tay chúa bao trọn. Thế nên, Việt sử diễn nghĩa mới có câu:
Trịnh Tùng từ ấy về sau,
Binh quyền quốc chính tóm thâu một mình.
… Trịnh Tùng bạt hỗ trăm phần,
Vua Lê quyền bính hao lần còn chi.
Ấy, cái chết của vua Lê Kính Tông ở trên, lại có sự liên đới trực tiếp từ con trai của chúa Trịnh trong mưu đồ lật đổ ngôi chúa. Đó là vương tử Trịnh Xuân. Vậy, sự thể ra sao?
Bấy giờ, dẫu vua Lê ngồi trên ngôi cao làm chủ thiên hạ, nhưng chỉ là danh vị như tiếng trống vang trong thinh không. Kẻ cầm dùi điều khiển việc nước, là chúa Trịnh. Việt sử yếu còn ghi: “Nhất thiết mọi quyền hành về binh ngũ, tài chính và chính trị đều do tự tay Trịnh Tùng tài phán và quyết định cả, vua Lê không được vượt ra ngoài hai phạm vi “thiết triều” và “tiếp tân”. Mà vua Lê Kính Tông, được Toàn thư khen ngợi là “vua tướng mạo hùng vĩ, nối ngôi giữ nghiệp mà trong nước bình yên”.
Ngồi làm vì như thế, Lê Kính Tông không yên được trước sự lộng quyền, hiếp đáp của chúa Trịnh. Để rồi, thế cùng nổi dậy toan làm một phen lật đổ. Nhưng thân cô thế cô e không thành chuyện được.
Lúc này, vua bắt được tín hiệu trong số những người con của chúa Trịnh, thì vương tử Xuân là kẻ có chí khác, tham vọng lớn lắm, những muốn lên ngôi chúa. Vậy là mây gió gặp nhau, một mưu toan đảo chính thành hình, chỉ chờ thời cơ thuận lợi để làm cuộc đổi ngôi.
Lê triều ngọc phả, phần ghi chép về vua Lê Kính Tông (1599-1619) cho hay “Tháng 3 năm Kỷ Mùi thứ 20 (1619), Bình An vương đến bến Đông Tân. Về đến đường ngã ba, bỗng có súng bắn vào vương. Vương cưỡi voi đuổi bắt được, đem về giam giữ tra khảo, mới biết vua và người em của vương là Trịnh Xuân (tức Vạn Quận vương) âm mưu giết vương”.
Ở đây, Lê triều ngọc phả chép lầm khi ghi Trịnh Xuân là em Trịnh Tùng. Trong lần mưu sự này, kế hoạch ám sát đã được trù tính nhân việc Trịnh Tùng đi xem đua thuyền, thích khách sẽ ẩn nấp mà dùng súng hạ sát. Tiếc cho vua Lê, rủi cho Xuân là tên bay, đạn lạc, việc lớn thay đổi số mệnh không thành.
Sau khi sự vụ xảy ra, theo Toàn thư “mùa hạ tháng 4, Vương sai Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng cùng nội giám Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm vào nội điện tra hỏi, biết hết tình trạng”.
Án sau đó được thực hiện, vua liên kết với con chúa hại chúa, nên ngày 12/5, Lê Kính Tông bị bức thắt cổ chết. Còn đứa con phản nghịch Trịnh Xuân lúc ấy, lạ sao, vẫn bình yên tính mạng, vài tháng sau mới bị quan Lê Bật Tứ hặc tội mà giam vào nội phủ. Nhưng, cơ may không đến hai lần.
|
Trịnh gia chính phả có ghi về đảo chính Trịnh Xuân |
Thất bại lần thứ hai
Đến năm Quý Hợi (1623), lúc này Bình An vương Trịnh Tùng tuổi đã 74, tóc bạc, da mồi, tuổi cao sức yếu rồi. Tháng 6 năm ấy, chúa bị cảm, chuyện lập thế tử được đem ra nghị bàn. Trong cuộc họp ngày 17/6, theo Khâm định việt sử thông giám cương mục thuật lại “họp trăm quan bàn chọn người lập làm thế tử, cho con trưởng là Thanh quận công Trịnh Tráng giữ binh quyền, Xuân giữ chức phó”. Khổ nỗi, Xuân lại ấm ức không hài lòng vì mộng làm chúa không như nguyện. Cuộc mưu sự lại bắt đầu ngay sau đó.
Theo lời ghi trong Kim tỏa thực lục, ngay ngày hôm sau, Xuân đã khởi sự “đem bản binh đến xứ Hoàng Đình, sai Trịnh quận, Phan quận đem quân đánh phá, tiến vào Nội phủ, cướp đoạt voi, ngựa, vàng, bạc, rồi bức Vương dời ra ngoại thành, sau đó, tung lửa vào đốt cháy lan đến Kinh thành”.
Xuân những mong bắt cha để trực tiếp gây áp lực phải nhường ngôi. May sao lúc ấy, Chưởng giám là Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm, người đã tham gia điều tra vụ đảo chính lần trước, thấy biến thì liều mình phò Bình An vương.
Còn Trịnh Tráng thì họp bàn cùng các quan, sai em trai là Thái bảo Dũng quận công Trịnh Khải đón xa giá Trịnh Tùng về xứ Quán Bạc, xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, rồi sai Sĩ Lâm phụng vệ Trịnh Tùng về nhà em của Tùng là Phụng Quốc công Trịnh Đỗ.
Có được chỗ đứng chân nghỉ ngơi, biết Trịnh Xuân là loạn thần tặc tử ham ngôi vị, một kế sách được bày ra để đưa hùm vào cũi. Toàn thư và Trịnh gia chính phả cho hay, chúa Trịnh cho triệu Trịnh Xuân đến, dụ sẽ trao cho đại quyền.
Xuân được tin ấy, lấy làm mừng lắm liền thân hành đến, tưởng chăng mộng bá vương sắp thành, “Xuân ngậm cỏ, phủ phục dưới sân”. Khổ nỗi, gan lật đổ cha, tranh quyền với anh thì to, mà trí tuệ lại còn nhiều phần nông nổi.
Gặp đứa con phản phúc “Vương kể tội Xuân là kẻ loạn thần tặc tử, rồi truyền Sĩ Lâm sai người chặt chân Xuân cho chết”. Lần này, Trịnh Xuân không còn có cơ hội để hồi tâm chuyển tính nữa. Còn Trịnh Tùng, dù rất đau xót phải cắt một khúc ruột máu mủ của mình, nhưng vẫn phải làm để giữ vững đại nghiệp nhà chúa.
Vụ đảo chính của Trịnh Xuân đến đây kết thúc. Còn chúa Trịnh thì sau khi làm xong việc ấy, lại thêm bệnh ngày càng trầm trọng nên ngày 20/6 về đến quán Thanh Xuân, xã Triều Khúc, huyện Thanh Oai thì qua đời. Tháng 7 năm ấy, Trịnh Tráng thay vị trí của cha xử lý mọi việc trong nước bên cạnh vua Lê. Một cuộc thay đổi nhiều xáo động trong nội tộc dòng họ nhà chúa...