Hồ sơ đảo chính Ngô Đình Diệm 1960: Tranh nhau làm anh hùng đảo chính

(PLO) -Cuộc đảo chính ngày 11/11/1960 đến nay, đã thành quá vãng trong một phần lịch sử chính thể VNCH. Nhưng, dư âm của nó vẫn còn được khơi lại, không hẳn ở vị trí, vai trò hay ảnh hưởng của cuộc đảo chính, mà bởi mong muốn vớt vát chút danh vọng cuối cùng khi “bóng ngả về tây” từ rất lâu rồi của những người tham dự sự kiện này. 
 Nguyễn Chánh Thi.
Nguyễn Chánh Thi.

Tham dự đảo chính ngày 11/11/1960, thiên hạ chú ý nhiều vào những vai lãnh đạo của Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông… Nhưng cho đến nay, vấn đề ai là nhân vật nắm vai trò thực sự trong cuộc đảo chính cách đây hơn nửa thế kỷ, vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát, rõ ràng hoàn toàn. 

Khi tướng đảo chính làm… nhà văn

Phần thì nhiều kẻ trong cuộc đã về với tổ tiên, nên không có nhiều người có thể chứng thực cho điều thiên hạ bàn luận, nhưng phần quan trọng hơn là, những người đóng vai quan trọng trong cuộc đảo chính ngày 11/11 năm xưa, lại tranh nhau nhận mình là kẻ khởi xướng, chỉ huy cuộc đảo chính nhằm vào chính thể chế mình phụng sự. Và cuộc tranh cãi quyết liệt về vai trò đứng đầu, thuộc về Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông. 

Thời điểm diễn ra đảo chính, Nguyễn Chánh Thi 37 tuổi, cấp hàm Đại tá, còn Vương Văn Đông 28 tuổi, cấp hàm Trung tá. Xét về tiếng tăm cũng như độ dày dặn kinh nghiệm binh nghiệp, trận mạc, lại thêm thành phần tham gia đảo chính chủ yếu là quân dù, nên ưu thế về mặt danh nghĩa, rõ là nghiêng về phía Thi nhiều hơn.

Sau năm 1975, khi sống ở Hoa Kỳ, Nguyễn Chánh Thi đã xuất bản hồi ký Việt Nam – Một trời tâm sự năm 1985. 

Đọc qua thiên hồi ký của cựu Trung tướng chế độ VNCH, người đọc dễ nhận ra rằng, độ cảm tính trong hồi ký của Thi rất cao, và một hình tượng anh hùng như kiểu Lương Sơn Bạc trọng nghĩa, coi khinh tiền tài vật chất chính là điều mà Nguyễn Chánh Thi đã dựng nên cho chính mình.

Trong khi đó, với dư luận thì ủng hộ vai trò làm lãnh đạo đảo chính của vị tướng dù này, như Nhìn lại biến cố 11/11/1960, đã hết lời ca ngợi những phẩm giá của Nguyễn Chánh Thi, có đoạn: “Nói đến Tướng Nguyễn Chánh Thi, chúng ta nhớ ngay đến một con người hào hùng, hiên ngang, thẳng thắn, bộc trực, một con người ghê tởm và thù ghét những thủ đoạn gian manh lắt léo”.

Và sách này xét từ tính cách của Nguyễn Chánh Thi, sau khẳng định người lãnh đạo đảo chính không ai khác, chính là Thi. Dư luận miền Nam sau này, đa phần cho rằng Nguyễn Chánh Thi là người đã lãnh đạo cuộc đảo chính vào thể chế nhà họ Ngô. 

Trong khi đó, cựu Đại tướng Nguyễn Khánh của VNCH lại có ý kiến khác với phần đông dư luận, sách "Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm" cho hay, khi được phỏng vấn, Nguyễn Khánh đã cho rằng nên xem xét lại vai trò của Nguyễn Chánh Thi trong cuộc đảo chính: “Nhưng cái sự tham gia của ông Nguyễn Chánh Thi trong cuộc đảo chánh, thưa anh, cũng phải coi lại cho rõ ràng hơn tí đấy! Nó không phải như ở ngoài người ta nói đâu! Có lẽ anh cố liên lạc với ông Đông ở bên Pháp, ông Đông sẽ cho ông biết rõ hơn cái thái độ của ông Thi mà vì sao ông Thi vỗ ngực tự nhận là cái đó do ông Thi làm”.

Vậy, vai trò của Vương Văn Đông trong sự kiện ngày 11/11 ra sao?

Hình ảnh Nguyễn Khánh lúc về già.
Hình ảnh Nguyễn Khánh lúc về già.


  Trung tá tuổi 28 lãnh đạo đảo chính?

Sau đảo chính ngày 11/11/1960, Vương Văn Đông phải tị nạn chính trị sang Nam Vang (Pnom Penh), rồi sau này sang Pháp sống.

Ngoài dư luận về vai trò lãnh đạo của Nguyễn Chánh Thi trong cuộc đảo chính, lại thêm luồng dư luận khác cho rằng những người đóng vai trò chủ chốt của đảo chính là Nguyễn Triệu Hồng (đã chết trong đảo chính) và Vương Văn Đông.

Cũng có ý kiến cho rằng Nguyễn Triệu Hồng là kẻ chỉ huy, nhưng tiếc rằng Hồng đã chết ngay sáng ngày 12/11 bởi đạn của phe ủng hộ Diệm (Trong Làm thế nào để giết một Tổng thống, bác sĩ Trần Kim Tuyến cho rằng Hồng bị bắn chết đêm 11/11), nên chẳng còn cơ hội mảy may nào để thanh minh, thanh nga cho được. 

Cũng giống như Nguyễn Chánh Thi, sau này hồi tưởng lại đường binh nghiệp của mình, Đông cũng viết hồi ký với tên gọi Binh biến 11/11/1960. Tập hồi ký được viết năm 1966, tức là chỉ 6 năm sau sự kiện trên.

Trong hồi ký, Đông nhận trách nhiệm lãnh đạo đảo chính thuộc về mình. Và để bẻ lại lập luận của Thi cũng như phe ủng hộ Thi, Vương Văn Đông đưa ra những kiến giải, khúc mắc về vai trò của Nguyễn Chánh Thi hòng mong người đọc rõ được uẩn khúc, dĩ nhiên là theo kiến giải, lập luận của Đông. 

Theo lời kể của Vương Văn Đông, Thi chỉ có vai trò phụ trong cuộc đảo chính, mà cụ thể là trong ngày diễn ra đảo chính, Nguyễn Chánh Thi bị phe đảo chính của Đông, Hồng bắt phải theo phe đảo chính để vận động lính dù do Thi chỉ huy.

Trước đó, mọi công việc liên lạc, chuẩn bị đảo chính do Đông và Hồng thực hiện bí mật. Lại theo lời thuật của Vương Văn Đông, sở dĩ dư luận nghiêng về vai trò lãnh đạo do Thi là từ những tình huống phát sinh khách quan mà phe đảo chính của Hồng, Đông không lường trước được, để từ đó về mặt danh nghĩa, Thi được dự luận tin tưởng ở vai trò lãnh đạo đảo chính bấy giờ. 

Nguồn cơn sự việc là ở Bản hiệu triệu quân đội do phe Đông soạn sẵn, nhưng bấy giờ Hồng chết, Đông đang trên đường về Bộ Tổng tham mưu, thì tên lính đem bản hiệu triệu ấy không gặp được Đông và Hồng, nên đưa cho Thi.

Sau Vương Văn Đông gặp Nguyễn Chánh Thi, giao cho Thi nhiệm vụ liên kết lực lượng Đặc biệt (Liên đội quan sát), kêu đơn vị này hàng quân đảo chính, và “Nói thế, nhưng tôi biết là thất bại rồi. Mà ông Thi không biết gì hết. Ông ấy tưởng thật. Ông ấy được tự do”.

Sau đó, vì cầm được Bản hiệu triệu quân đội, nên Thi đã đọc văn bản ấy trên đài phát thanh, và ở câu cuối đề là “Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tổng Tư lệnh Quân đội Cách mạng”. Theo Đông, đó chính là điểm làm cho dư luận lầm rằng Nguyễn Chánh Thi là người đứng đầu cuộc đảo chính. 

Còn xét riêng ở thời điểm đó, về phía chính quyền của Diệm, lại có cái nhìn về kẻ chủ mưu thiên về Đông hơn là Thi. Điểm này được nêu trong Làm thế nào để giết một Tổng thống, có đoạn: “Ông Nhu cũng như giới cộng sự viên của ông và TT Diệm đều lưu ý đến Vương Văn Đông, còn Hoàng Cơ Thụy cũng không phải là kẻ chủ mưu chính yếu”… “Tại sao Vương Văn Đông lại là chủ chốt trong vụ 11/11/1960…”.

Nguyễn Triệu Hồng cũng được chính quyền Diệm lúc đó chú ý về vị trí lãnh đạo đảo chính khi so sánh “Giữa hai vị Trung tá trẻ Vương Văn Đông và Nguyễn Triệu Hồng thì Trung tá Hồng có tư cách hơn, có học vấn cao hơn và là một sĩ quan cự phách có thực tài”.

Đính chính lịch sử hay dụng ý cá nhân?

Rõ là, mỗi người đều có những lập luận, lý lẽ riêng của mình và với bản thân họ, thì kiến giải ấy là đúng đắn. Còn con tim và khối óc, cũng như lòng tự trọng tự bản thân cá nhân ấy đã lên tiếng hay chưa, lại là vấn đề khác. 

Xét ra, nếu những nhân vật được xem là có vai trò to lớn đối với một cuộc mong muốn thay đổi chế độ gia đình họ Ngô ngày 11/11 kia, dù việc thành hay bại, thà rằng cứ im lặng để mặc dư luận “đoán già, đoán non” hoặc đời sau minh định qua những cứ liệu bạch hóa, có lẽ danh dự vẫn còn đôi ba? Còn hơn chăng là việc vớt chút danh tàn, tranh nhau thứ vị của quá vãng đã qua xa xăm lắm. 

Việc “quạ tranh công” lâu nay đâu thiếu, và xét thực tình, bởi chăng đó cũng là lợi quyền, danh tiếng cá nhân mà thôi. Việc tranh nhau làm anh hùng đảo chính, mang tiếng đại diện cho tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của người dân miền Nam dạo ấy để làm chuyện thay quyền, đổi vị, cuối cùng lại chính là hành động lột trần bộ mặt chính nghĩa giả hiệu của những vị tướng, tá trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, những mong mình được nhân dân miền Nam bấy giờ tôn vinh, trọng vọng. 

Khi những hồi ký cá nhân của những tướng lĩnh đã từng có liên quan đến sự kiện 11/11/1960 ra đời, ở một góc độ nào đó, ngoài dụng ý giải thích, đính chính cho vị trí của bản thân mình trong cuộc lật đổ bất thành, phải chăng còn mong được cái cảm tình của người Việt nơi hải ngoại khi những tướng lĩnh ấy lưu vong nào đất Pháp (Vương Văn Đông), nào đất Mỹ (Nguyễn Chánh Thi)? Có lẽ, là tất cả, và trên hết, là danh tiếng, ảo vọng phù du mà thôi…/.

Đọc thêm