Trung bình mỗi ngày, khoảng 50.000 đến 100.000 người đến đây dâng hương. Nhiều người trong số đó sẽ tiến hành nghi lễ cạo đầu dâng tóc cho ngôi đền với mong ước cầu phúc cho gia đình, chuyện thi cử, học hành của con cái.
Một truyền thuyết kể rằng, đấng Vishnu, nhân vật được thờ trong đền, từng vay một khoản tiền lớn để làm đám cưới. Sau này, ngài không có khả năng trả nợ và các tín đồ đã giúp ngài trả hết nợ bằng cách dâng hiến mái tóc của mình.
Do số lượng các tín đồ dâng tóc quá nhiều, trong những thập kỷ trước, người quản đền cho vứt tóc xuống sông. Nhưng ngày nay, chúng được bán cho các nhà cung cấp tóc giả. Mỗi năm, đền thu được từ 3-6 triệu USD tiền bán tóc.
Không chỉ riêng Venkateswara, nhiều ngôi đền khác ở Ấn Độ cũng có phong tục người dân đến cầu may và để lại lòng thành của mình là bộ tóc dài, đen nhánh đặc trưng của người Ấn Độ.
Tại ngôi đền nhỏ Sri Bhavani Amman ở Chennai, hàng chục phụ nữ theo đạo Hindu đang ngồi trên ghế gỗ, chờ đến lượt được cạo đầu. Đây là hành động bày tỏ sự sùng kính đối với thần linh. Việc bán tóc ở đền Sri Bhavani Amman giúp nơi đây thu về khoảng 150.000 USD mỗi năm, còn cả Ấn Độ là 300 triệu USD.
Tuy nhiên, ngày nay, những ngôi đền này đang bị một số chỉ trích vì việc kiếm tiền từ lòng thành của các tín đồ. Nhiều người dâng tóc rất nghèo nhưng không bao giờ nhận được một đồng tiền nào từ việc hiến tặng của mình. Nhiều phụ nữ không biết rằng mái tóc mà họ quyên để cầu nguyện cho chồng, con được bán đi với giá cao.
Tại Ấn Độ có khoảng 1.000 kg tóc được xử lý bằng tay mỗi tháng ở một nhà máy. Chúng được bán với giá từ 500-900 USD/kg, phụ thuộc vào chất lượng tóc.
Giải thích cho việc bán tóc, những người quản đền cho biết tóc được dâng tặng rất nhiều, họ không thể vứt chúng đi. Do đó, vào cuối năm, tóc sẽ được gom lại rồi phân loại, bán đấu giá cho những thương lái trả cao nhất. Những tín đồ dâng tóc không nhận được tiền, nhưng thay vào đó họ sẽ được tặng đồ ăn và "sự thanh thản trong tâm hồn", người quản lý Sri Bhavani Amman, giải thích.