Xâm hại tình dục trẻ em đã trở thành vấn nạn khiến nhiều cha mẹ lo ngại. Tuy nhiên, cũng ít bậc phụ huynh hiểu rằng, trong nhiều trường hợp chính những hành vi yêu thương con của họ đã vô tình làm mất tính phản kháng bản năng ở trẻ, khi bị người lạ động chạm vào người.
Nói cách khác, con trẻ dễ bị lạm dụng tình dục cũng một phần từ cha mẹ
90% người xâm hại tình dục trẻ em là người quen
Không ít vụ lạm dụng gần đây có thể kể ra như vụ Đỗ Văn Nam - nhân viên bảo vệ Trường tiểu học bán trú La Pán Tẩn xã La Pán Tẩn (Mường Khương, Lào Cai) bị cơ quan công an vừa khởi tố vì bị cáo buộc có hành vi dâm ô với hàng chục học sinh. Rồi thầy giáo dạy môn Vật lý – Công nghệ ở Châu Đốc, An Giang "luồn tay qua nách" nữ sinh để chỉ bài….
Theo số liệu thống kê mới nhất công bố tại tọa đàm Chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức vào cuối tháng 3 năm nay, trong 5 năm (2011-2015), có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong số 8.200 vụ xâm hại trẻ nói chung. 90% người xâm hại tình dục trẻ em là hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố đẻ, bố dượng.
Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)c ho biết, theo nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ, 11% học sinh bị xâm hại tình dục tại 3 trường học của Hà Nội. Nhiều phụ huynh chắc hẳn không tin hoặc ngã ngửa với con số này. Nhưng thực tế, kết quả nghiên cứu của CSAGA tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang và TP HCM từ hơn 6 năm trước cũng khớp với số liệu trên. Thậm chí, có những học sinh bị xâm hại tình dục đến 14 lần.
Còn mạng lưới xã hội dân sự quốc tế (ECPAT) thông tin, trong số 1,8 tỷ hình ảnh được đăng tải mỗi ngày có 270.000 hình ảnh về lạm dụng tình dục trẻ em. Mạng lưới văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em có tới 1,2 triệu GB dữ liệu. Đáng chú ý, người tung hình ảnh bị coi lạm dụng tình dục trẻ phần lớn là cha mẹ (38%), tiếp đến là hàng xóm hay những người bạn của gia đình (26%).
Vô tình giết chết bản năng phản kháng của con
Đó là lời cảnh báo của bà Trương Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bà Hoa cho biết, trong năm 2016 này, Trung tâm vừa tiến hành chương trình truyền thông chăm sóc vệ sinh cá nhân và phòng chống xâm hại/lạm dụng trẻ em cho học sinh khối 5 tại các trường tiểu hoc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Cán bộ tư vấn đã cung cấp cho các học sinh cách thức nhận diện hành vi bị xâm hại tình dục như hôn, sờ mó vùng kín, chụp ảnh, cho xem phim liên quan đến chủ đề tình dục… và tiếp nhận từ các em các câu hỏi.
“Kết quả rất đáng ngạc nhiên, khi có không ít trẻ rất không hài lòng với việc bị ông bà, bố mẹ, anh chị em thậm chí là người giúp việc vô tư, ôm hôn, trêu sờ vào bộ phận sinh dục. Tuy vậy, các em không dám nói. Lại có những bà mẹ ngày nào cũng tỏ tình yêu thương với con bằng cách bắt con hôn môi mình, cho lưỡi vào miệng con… Nhưng hành động như thế, đối với phụ huynh là thể hiện thương yêu nhưng họ không hiểu rằng vô hình chung họ đã làm cho trẻ quen với việc bị động chạm vào người và từ đó mất đi bản năng phản kháng tự nhiên” – bà Trương Thị Kim Hoa nhấn mạnh.
Trong đợt tuyên truyền này cán bộ tư vấn đã nhận được rất nhiều phiếu hỏi của các em xoay quanh câu hỏi: “Hàng ngày con bị cha mẹ, ông bà sờ vào vùng kín, con phải nói thế nào để ông bà, bố mẹ không làm thế nữa?”; “Con rất muốn biết thế nào là bị xâm hại tình dục nhưng bố mẹ không quan tâm nên không thể nói với con, con phải hỏi ai?”.
Đặc biệt, theo bà Hoa có trẻ đã vô tư viết ra những bí mật về việc con đã bị xâm hại mà bố mẹ trẻ và giáo viên trên lớp không hề biết và không hiếm trẻ cho biết đã bị người lạ rủ rê đi theo trên đường đi học về, may mà các em vẫn cảnh giác nên chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc nào.
Các chuyên gia khuyến cáo, nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em, dẫn đến mất cảnh giác. Đa phần trẻ em bị xâm hại đều có hoàn cảnh khó khăn, không nhận được sự quan tâm đầy đủ của gia đình. Vì vậy, khi bị xâm hại, các em không có người chia sẻ, thêm việc tự ti, mặc cảm nên không tố cáo hành động của người xấu. Chương trình giáo dục của nhà trường, đặc biệt là tiểu học, hiện chưa đưa các nội dung về việc phòng chống xâm hại dẫn đến việc trẻ chưa nhận thức được vấn đề này…. Đây thực sự là một mối lo ngại to lớn và hiện hữu đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa trẻ con!
Cha mẹ, nhà trường cần dạy cho con cách nhận diện tội phạm xâm hại tình dục
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nêu rõ, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam gồm hai loại: xâm hại trực tiếp và gián tiếp. Đối với tội phạm xâm hại trực tiếp, thủ đoạn tội ác thường là gặp gỡ, dụ dỗ tiền, cho chơi game, rủ đi chơi… Khi các em sập bẫy, chúng rủ đến nơi vắng người để thực hiện hành vi.
Học sinh tiểu học, trung học, thậm chí trẻ em từ 3-5 tuổi thường là mục tiêu của loại tội phạm này. Qua nghiên cứu, 90% kẻ xâm hại tình dục trẻ em là người gần gũi, quen biết (người quen của bố mẹ, hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố đẻ, bố dượng…).
Với xâm hại gián tiếp, kẻ xấu thường dùng Internet để lôi kéo, chia sẻ nội dung khiêu dâm trẻ em hoặc dụ dỗ các em quan hệ tình dục. Cách tiếp cận phổ biến và tinh vi là thông qua hệ thống mạng xã hội, tin nhắn trực tuyến, web khiêu dâm, chat. Với cách này, tội phạm không cần lộ diện, không mất công sức nhưng đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, ở Việt Nam, có đến 31% dân số tham gia mạng xã hội.