Án Nguyễn Thái Học... (Kỳ 3): Anh hùng hiên ngang ngắm máy chém trước án tử

(PLO) -Là một trong những yếu nhân của Việt Nam quốc dân đảng (VNQDĐ), được xem là vị quân sư của tổ chức, Phó Đức Chính (1909-1930) đã đóng góp công sức và cả sinh mạng của mình cho cuộc lật đổ bọn xâm lược, thống trị dân tộc mình, dẫu việc bất thành, mà tên tuổi mãi lưu danh trong sử sách. 
Vụ xử chém 13 chiến sĩ Yên Bái
Vụ xử chém 13 chiến sĩ Yên Bái

Nói về Phó Đức Chính, nên điểm qua đôi nét về con người ông, như Nhượng Tống ghi lại trong “Nguyễn Thái Học (1902-1930)”. Theo đó, Phó Đức Chính “quê ở Da Ngưu. Tốt nghiệp ở Công chính ra, anh được bổ sang Lào. Năm 1929 việc Đảng tiết lộ, anh bị bắt ở Lào về. Anh kém anh Học bảy tuổi, năm ấy mới đúng hai mươi. Coi là trẻ con, Bờ-rít tha cho miễn nghị”.

Rồi một lần khác, Chính lại bị bắt cùng với các đồng chí, nhưng lại được tha. Anh nói dối là ở quê về Hà Nội cân thuốc, ngẫu nhiên gặp bạn cũ mời vào chơi, chứ không biết gì. Nhưng chúng biết đâu rằng, anh làm việc đảng rất hăng hái. 

Việc lớn bất thành

Tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương còn lưu lại những hoạt động của các yếu nhân VNQDĐ, ghi rõ có lần Phó Đức Chính bị thương năm 1929, và trùng hợp làm sao, ấy là ngày kỷ niệm 2 năm VNQDĐ được thành lập.

Xem hồ sơ của Sở Mật thám Đông Dương, được tập san “Sử Địa” số 6 giới thiệu, có đoạn: “Ngày 25 tháng 12, Nguyễn Thái Học và đội cận vệ bị tập kích bởi nhân viên Sở Mật thám tại vùng Võng La (Phú Thọ). Họ trốn thoát khỏi nhưng Phó Đức Chính, một tên phụ tá chính của Nguyễn Thái Học, lại bị thương”.

Trong kế hoạch tiến hành khởi nghĩa của VNQDĐ mà người Pháp có được, ta thấy nhiệm vụ cụ thể của từng lãnh đạo đảng ở những địa điểm cụ thể: “Cuộc khởi nghĩa định vào ngày 10 tháng 2 năm 1930. Kế hoạch tấn công như sau: Nguyễn Thế Nghiệp phải chiếm Lao Kay. Nguyễn Khắc Nhu tức Sứ Nhu và Phó Đức Chính phải đánh Yên Báy, Hưng Hóa, Lâm Thao và Sơn Tây. Nguyễn Thái Học phải gây ra cuộc khởi nghĩa ở Bắc Ninh, Đáp Cầu, Hải Dương. Vũ Văn Giảng lãnh nhiệm vụ phát cuộc nổi loạn trong tỉnh Kiến An”.

Về phần Phó Đức Chính, với nhiệm vụ được giao, anh ra tay tiến hành. Qua hồi ký “Từ Yên Bái đến các ngục thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-An”, ta được biết hành động của Chính. Tối hôm khởi nghĩa, tại khu Rừng Sơn cạnh tỉnh lỵ Yên Bái “Phó Đức Chính vận binh phục chỉ huy đạo quân cách mạng ra lệnh cho các đồng chí nội đêm ấy phải giết sạch quân thù, chiếm kỳ được Yên Bái để kéo về hợp lực với đạo quân Hưng Hóa tiến đánh Sơn Tây”.

Nhưng rồi, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thất bại, các yếu nhân lần lượt sa vào tay thực dân Pháp. Theo “Cận đại Việt sử diễn ca”, thì:

“Khắp nơi lưới sắt bùa giăng,

Sơn Tây nhị tướng: Thanh Giang bị còng.

Cùng đồ Đức Chính mắc tròng, 

Tuần Đinh Cổ Vít đi rong tình cờ”. 

Sự thể là sau khi khởi nghĩa không thu được thành tựu, Phó Đức Chính thoát được vòng vây, lại đi liên lạc với anh em để gây dựng lại, định hạ thành Sơn Tây. Nhưng rồi, ngày 15, trong khi đang cùng các đồng chí bàn việc ở nhà Quản Thanh, Phó Đức Chính và các đồng chí của mình bị vây bắt, giải về Hà Nội. 

Vậy là, vị quân sư trẻ tuổi sa vào tay Pháp tại đất Sơn Tây. Và kết quả chung cục đã được báo trước, như trong “Lịch sử Việt Nam: Từ vua Tự Đức đến đức Quốc trưởng Bảo Đại 1949” có ghi: “Kết quả là: 1-làng Cổ Am, nơi cách mệnh giết tên tri huyện Hoàng Gia Mô, bị Pháp dùng phi cơ ném bom triệt hạ; 2-Xứ Nhu (một lãnh tụ) tuẫn tiết ở Lâm Thao; 3-Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí nữa bị bắt, lên đoạn đầu đài ở Yên Bái hôm 17-6-1930”. Trước khi đưa những anh hùng Yên Bái lên đoạn đầu đài, để cho hợp lý, người Pháp mở phiên tòa xét xử để kết án. 

Phó Đức Chính
Phó Đức Chính

Từ chối chống án

8g sáng ngày 28/3/1930, Hội đồng Đề hình xử vụ Yên Bái. Phiên tòa xử 91 thành viên của VNQDĐ được mở ra, và dẫu đúng dẫu sai, chính nghĩa hay phi nghĩa, thì lúc này, chân lý thuộc về kẻ mạnh - những kẻ xâm lược:

“Đề hình cố quyết báo thù,

Mấy mươi chết chém đền bù nước non”.

Khi đến lượt mình được Chánh án hỏi, Phó Đức Chính dõng dạc trả lời: “Tôi cùng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu làm việc trong Trung ương Đảng bộ Việt Nam quốc dân. Chính tôi đã đi tuyên truyền khắp các tỉnh để lấy đảng viên, và cũng tự tôi in những truyền đơn để cổ súy phong trào cách mệnh”.

Vậy là, anh hùng họ Phó cứ ngay thẳng mà nhận những hành động mình làm, những mong bớt tội cho những anh em đồng chí khác, mà phần tội của mình thì nặng hơn. Phiên tòa ấy, cùng với 43 người khác, Phó Đức Chính đeo án tử. 

Phản đối việc kết án ấy, mọi người đều chống án lên Hội đồng Bảo hộ, trừ Phó Đức Chính. Việc này, được Nhượng Tống thuật lại sống động. Ấy là, khi tên Chủ tịch Đề hình hỏi anh có xin chống án không, thì anh cười và đáp: - Đời con người ta làm có một việc, hỏng cả một việc, sống nữa mà làm chi?

Lời đáp của anh, chất chứa cái chí lớn bất thành và xem cái chết cũng chỉ là một chuyến đi xa vậy thôi. Lúc ấy Phó Đức Chính mới 21 tuổi đời, thế mà đã nghĩ chín lắm rồi vậy. Lúc ấy, hẳn anh coi thân mình, đã không còn là của riêng mình, mà là của nước, của dân tộc đấy thôi. 

Sau vụ xử ấy, Phó Đức Chính cùng những đồng chí của mình bị giam tại Hỏa Lò, Hà Nội, chờ ngày thụ án. Và rồi, chiều ngày 16/6/1930, giờ phút định mệnh ấy cũng đến, những nhà cách mạng thụ án tử, nhẹ nhàng đón nhận. Chuyến tàu chở 13 tử tội, có sự áp giải của đội lính khố xanh, cùng bọn mật thám và hai cố đạo từ Hà Nội xuyên màn đêm lên Yên Bái. 

Tượng đài khởi nghĩa Yên Bái
Tượng đài khởi nghĩa Yên Bái

Ngắm máy chém trước khi lìa đời

Trước giờ phút chuẩn bị cùng nhau đi về thế giới bên kia, trên chuyến tàu lần cuối được ngồi cùng nhau, cũng là lúc họ nói những lời cuối với nhau. Việc ấy, được Nhượng Tống ghi lại, hoặc, cũng có thể là tưởng tượng ra, bởi lúc ấy tác giả đâu có mặt trên chuyến tàu đi vào cõi tử ấy.

Nhưng, cũng xin chép lại cho bạn đọc biết: “Trên tàu, các anh vẫn cùng nhau nói chuyện phiếm. Anh Chính cười: - Đến Yên Báy, chúng ta sẽ được đón tiếp long trọng lắm! Thế nào bốn anh Thính, Hoàng, Thuần, Thuyết, chẳng đứng chực sẵn chúng ta ở sân ga! (Bốn anh này đã bị chúng giết ở Yên Bái cùng một ngày trước các anh). 

Anh Học thì cãi lý với Cố Ân: - Việc gì chúng tôi phải ăn năn? Chúng tôi chỉ là kẻ thất bại, chứ đâu phải là kẻ có tội! Rồi anh đọc mấy câu thơ tiếng Pháp, dịch nghĩa là:

“Chết vì Tổ quốc,

Cái chết vinh quang!

Lòng ta sung sướng!

Trí ta nhẹ nhàng!...”.

Đến Yên Bái, 13 người bị giam lại. Và mờ sáng hôm sau, án tử được thực hiện. 

Ghi về đoạn kết này, cũng là cái kết bi hùng của những anh hùng xả thân vì nghĩa lớn, trong “Việt Nam tranh đấu sử” để lại đôi dòng: “Xứ Nhu tuẫn tiết ở trận Lâm Thao, còn Thái Học thì lẩn tránh và định sang Tàu, nhưng mấy hôm sau bị bắt ở Hải Dương, đến ngày 17 tháng 6 lên đoạn đầu đài tại Yên Báy với Phó Đức Chính và 11 đồng chí khác”. Đầu lìa thân, nhưng dễ mấy ai được sử sách chép lại, và nghiêng mình trân trọng như vậy?.

Trong danh sách 13 anh hùng bị rơi đầu tại Yên Bái, thống kê được tên tuổi cụ thể gồm: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tự (Tử) Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lào (Lạo), Đào Văn Nhất (Nhít), Ngô Văn Du, Nguyễn Văn Cửu, Nguyễn Như Liên, Nguyễn Văn Tiềm, Lê Văn Tụ, Nguyễn Văn Tính. Sử gia Huỳnh Thiên Kim cho hay, trong 39 người bị án tử, thì 13 người y án, còn 26 người được Tổng thống Pháp ân xá, hạ xuống án khổ sai chung thân. 

Là người thứ mười hai bước lên máy chém, cái ung dung đón nhận giờ phút cuối cùng của cuộc đời nơi Phó Đức Chính, thật ngạo nghễ làm sao. Bước lên máy chém, hãy xem vị quân sư trẻ tuổi hành xử ra sao?.

Thì đây, Nhượng Tống thuật lại trong “Nguyễn Thái Học (1902-1930)” khí phách của kẻ xứng với cái tinh thần “đầu đội trời, chân đạp đất”: “Anh Phó Đức Chính thứ mười hai, đòi đặt anh nằm ngửa để xem lưỡi máy chém nó xuống như thế nào! Anh hô được đủ bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế!”. Mấy ai đối diện với án tử, mà được như anh? 

Đọc thêm