Tổng lược về cuộc đời Nguyễn Thái Học, trong “Ba thế hệ tri thức người Việt (1862-1954)” ghi: “Họ và tên: Nguyễn Thái Học; Năm sinh, mất: 1902-1930; Nguồn gốc xuất thân: Nông dân; Trình độ học vấn: Chuyên ngành Thương mại Đại học Đông Dương; Nghề nghiệp, chức vụ: Dạy học, lãnh đạo phong trào Việt Nam Quốc dân đảng (hoạt động bí mật); Đặc điểm về sự nghiệp văn chương, hoạt động chính trị: Bị bắt, xét xử và hành quyết sau cuộc nổi dậy Yên Bái”.
Sau vụ Ba-zin, thực dân Pháp tầm nã khắp nơi, khởi nghĩa Yên Bái vì thế được chuẩn bị và thực hiện trong thế bị động, và đã dự trù trước có thể thất bại, nên mới có châm ngôn: “Không thành công, cũng thành nhân” (Nhà sử học Trần Huy Liệu ghi là “Một thành công, hai thành nhân” (Sát thân thành nhân).
Không thành công cũng thành nhân
GS. Lê Thành Khôi trong “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” cho hay, cuộc khởi nghĩa nổ ra đầu tiên ở Yên Bái vào lúc 1 giờ sáng ngày 10.2.1930: “đội quân đồn trú Yên Bái nổi dậy và chiếm thành phố. Cùng lúc đó, Xứ Nhu tiến đánh Hưng Hóa và Lâm Thao nhưng đã tử nạn tại đây”… Ở Hà Nội thì đánh bom vài nơi. Khi trời sáng, do lực lượng chênh lệch bất lợi cho Việt Nam quốc dân đảng (VNQDĐ) nên nhiều nơi án binh bất động.
“Lịch sử 80 năm chống Pháp” của nhà sử học Trần Huy Liệu còn cho biết do khởi nghĩa nổ ra ở miền trên và đồng bằng nên thời gian không đều. Yên Bái nổ ra trước, phải đến 6 ngày sau miền dưới mới nổi dậy ở Vĩnh Bảo (Hải Dương), Phụ Dực (Thái Bình)… Phối hợp không đồng bộ như thế, thì kẻ thù đã chủ động đối phó rồi. Sự kiện “trời long đất lở” hiếm có đầu thế kỷ XX của nước Việt, được “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi lại được đôi dòng:
“Yên Bái cướp đồn trừ ác tặc,
Lâm Thao chiếm phủ diệt Nam Giao”.
Cái nguyên do dẫn tới sự thất bại của cuộc bạo động này, được “Việt Nam thời Pháp đô hộ” đúc kết là bởi thiếu sự chuẩn bị, thiếu liên lạc, hiệp đồng phối hợp nên chẳng chóng thì chầy cũng bị đàn áp dễ dàng. Đàn áp xong cuộc khởi nghĩa, các yếu nhân lần lượt sa lưới. Nguyễn Thái Học bị bắt ở Chi Ngại, Hải Dương. Thực dân Pháp tiến hành phiên tòa xử không lâu sau đó.
Và để răn đe, trấn áp lòng yêu nước của dân Việt, thì không gì bằng kết án thật nặng để làm nhụt chí kẻ nào muốn chống lại “mẫu quốc”. Theo Nhượng Tống, thì kết quả của phiên tòa đó là “Hội đồng Đề hình của quân địch họp ở Yên Bái kỳ thứ nhất vào ngày 28 tháng Ba. Chúng khép 10 người khổ sai có hạn; 34 người khổ sai chung thân; 50 người đi đày và 40 người tử hình”.
Lãnh tụ Nguyễn Thái Học bị kết án tử khi mới 28 tuổi |
Để biết tường tận phiên xét xử này, nên xem trong “Vụ án Việt Nam quốc dân đảng 1929-1930”. Phiên tòa có 91 bị cáo. Tòa thẩm vấn Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Bắc, Phó Đức Chính. Sau khi tòa hỏi xong, các thầy kiện thay nhau biện hộ cho các bị cáo.
Phiên tòa diễn ra 8 giờ sáng, mà tranh biện tới 5 giờ chiều mới xong. Sáng hôm sau, các bị cáo được nói thêm và đến 9 giờ tuyên án. Chính xác 44 người bị tử hình, 5 chung thân, 33 khổ sai chung thân, 9 bị án 20 năm khổ sai, 1 án 5 năm khổ sai. Trừ Phó Đức Chính, các bị cáo khác đều chống án lên Hội đồng bảo hộ.
Bị kết án tử, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của anh bị giam 3 tháng trời. Đến chiều ngày 16/6/1930, 13 người chịu án chém bị giải đi Yên Bái. Giờ phút định mệnh sắp bắt đầu.
13 tử tù bình thản ra pháp trường
Muốn biết cuộc hành hình đó diễn ra như thế nào, xin bạn đọc xem qua ghi chép của Louis Roubaud trong “Viet-nam, la tragédie Indo-chinoise” (Việt Nam bi thảm Đông Dương). Ở đây, Louis Roubaud đã như một phóng viên, tường thuật chi tiết những giờ phút cuối cùng của 13 tử tù trong ngày 17/6/1930 tại Yên Bái. Trong khi ấy sau này, “Cận đại Việt sử diễn ca” chép:
“Sách in khởi nghĩa Đông Dương,
Mười ba người chết trên đường vinh hoa.
Đoạn đầu đài trước thấy sa,
“Việt Nam vạn tuế!” đồng là giữa trời”.
Vẫn lời của cuốn “Việt Nam bi thảm Đông Dương”, vụ hành quyết diễn ra lúc 5 giờ rưỡi sáng tại một đồng cỏ, vốn là sân bóng đá gần trại lính khố xanh, trong không khí oi bức của mùa hạ nơi Bắc Kỳ. Tham dự phiên hành hình ấy, đứng đầu là Bottini, Công sứ Pháp. Lần lượt từng tử tù được đưa ra pháp trường.
“Máy chém đặt xuống đất. Một tấm phản cao gần ngang tầm thước một dựng trước lỗ máy chém. Lính dẫn người xử tử ra là một người nhỏ bé mặc áo trắng. Giữa lúc ấy, một ông từ Hà Nội lên, đó là tay đao phủ An Nam, vừa vỗ vai kẻ bị xử tử hình nói vài lời rồi dẫn đi, không ngưng lời thúc giục, đến trước phản gỗ lắc lư như cái bẫy”. Người đầu tiên rơi đầu, là Nguyễn Như Liên.
L. Roubaud cho hay, hầu như mỗi tử tù trước khi bị chém, đều chấp nhận một ly rượu đưa tiễn, và lời cầu nguyện của các linh mục Méchet và Drouet. Thường thì, kẻ tử tội nhờ các linh mục chuyển đến gia đình họ lời trăng trối cuối cùng. Khi thực hiện đến người thứ mười một, là Nguyễn Văn Chuân, thì còn lại hai người bị xử án cuối cùng trong số 13 tử tù, là Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Học.
Lãnh tụ Nguyễn Thái Học bị kết án tử khi mới 28 tuổi |
Trước đó, lần lượt những đồng chí của hai nhà cách mạng đã rơi đầu: “Bùi, người hòa giải; Bùi, sứ giả; Nguyễn ưa hòa bình; Hà chăm chỉ; Đức bủn xỉn; Nguyễn mưu sĩ; Nguyễn, người làm ơn; Nguyễn, người nhân đức; Nguyễn, viên ngọc quý giá; Ngô tài hoa son trẻ; Đỗ, người con thứ tư. Tất cả họ bước đến, không khoe mình và chết bình thản”. Với cách ghi của L. Roubaud, ta chỉ biết họ của tử tội mà thôi.
Khí phách Nguyễn Thái Học
Trong phiên tòa xử ngày 28 tháng 3 kết án tử Nguyễn Thái Học và 43 đồng chí của anh. Đến phiên Học, “Vụ án Việt Nam quốc dân đảng 1929-1930” tường thuật lại, anh nói: “Tôi nhận cả trách nhiệm trong những cuộc biến động vừa rồi. Chính tôi đã chủ trương cuộc biến động ở Yên Bái, cũng chính tôi đã chủ tọa cuộc hội nghị ở Lạc Đạo. Chỉ có tôi mới là tay chính trong các cuộc biến động”.
Nhà lãnh tụ của VNQDĐ đã nhận hết trách nhiệm về mình, hòng mong những đồng chí của mình hoặc thoát tội, hoặc chí ít cũng được giảm nhẹ tội. Anh biết rằng, chắc chắn, mình sẽ không thoát khỏi án rơi đầu.
Và sáng hôm sau trước khi tòa tuyên án, được nói thêm, Nguyễn Thái Học tiếp: “Tôi xin lãnh cả trách nhiệm trong các cuộc biến động vừa rồi, tôi xin cùng cha mẹ anh em tôi chịu chết theo bộ luật Gia Long, mà xin tha cho những người theo tôi, vì họ là những người vô tội”. Khí phách của người đứng đầu là thế. Dám hi sinh mình, để cứu đại cuộc. Hẳn nhiên, người Pháp nào có chịu theo lời ấy.
Lại một điều chứng tỏ cho bản lĩnh của Học, ấy là khi bị bắt giam, anh đã viết một bức thư trong tù, gửi đến các nghị sĩ. Bức thư ấy, được L. Roubaud giới thiệu, trong đó, anh nêu rõ lý do bạo động, và khẳng định “Tôi sẽ chịu hết trách nhiệm cá nhân, qua các biến động chính trị đột biến trên xứ sở này, kể từ ngày thành lập Đảng. Chỉ có tôi và chỉ chính tôi là thủ phạm, vậy sự hành hình chỉ riêng tôi là đủ. Tôi xin ân xá cho những người khác”.
Đồng thời, dù thân bị tù, nhưng Học vẫn đanh thép mà yêu cầu người Pháp phải bỏ hết những phương pháp tra tấn dã man, tàn bạo; phải cư xử với người An Nam như bạn; phải khôi phục sự bình đẳng, phải trị cái tội ăn hối lộ; phải mở mang kỹ nghệ…”. Và cách ký tên cũng thật ngạo nghễ: “Địch thủ của các ông. Nhà cách mạng: Nguyễn Thái Học”.
Trong những phút giây cuối cùng còn được hít thở khí trời, Nhượng Tống trong “Nguyễn Thái Học (1902-1930)” đã ghi lại phong thái hiên ngang của người đồng chí. Khi bọn hành hình đưa rượu cho Nguyễn Thái Học uống để chuẩn bị hành hình, Nguyễn Thái Học từ chối, chỉ đòi hút điếu thuốc lào.
Danh sách 13 người thụ án tử của khởi nghĩa Yên Bái |
Đón nhận phút giây vĩnh viễn xa lìa sự sống, người anh hùng ấy “tỏ vẻ cực kỳ bình thản: Anh mỉm miệng cười, đưa mắt nhìn công chúng, nhìn quân lính, nhìn máy chém, rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô thật lớn bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế!”...