“Ăn theo” vô đạo đức

(PLO) - Cơn bão số 10 khốc liệt vừa đi qua, hiện tượng “ăn theo” bão lập tức xuất hiện. Đó là việc tăng giá các nguyên vật liệu xây dựng – vốn tối cần thiết trong việc khôi phục lại chỗ ở của người dân sau khi bão tàn phá, ví dụ như tấm lợp tăng đến 20%. 
Ảnh minh họa từ internet

Rất kịp thời và tỉnh táo, chính quyền địa phương đã có những biện pháp đế hạn chế sự “chặt chém” đồng bào này. Cho dù lý do gì đi nữa (khan khiếm, công vận chuyển tăng,...) cũng không thể biện minh cho hành vi lợi dụng được, nhất là trong khi cả nước chung tay giúp đỡ đồng bào trong vùng thiên tai sơm khôi phục cuộc sống bình thường.

Không chỉ “ăn theo” bão khi nâng giá các mặt hàng xây dựng hay thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Ngay cả việc làm từ thiện mang nhiều ý nghĩa cũng bị lợi dụng để thực hiện mục đích cá nhân không tốt đẹp gì, ví dụ như một số cá nhân đứng ra quyên góp, kêu gọi ủng hộ nhưng số tiền đó có đến tay người dân không lại là chuyện khác.

Đến như chuyện tử tù vượt ngục – nỗi lo sợ của nhiều người và cơ quan chức năng căng hết sức để truy tìm mà vẫn có người ăn theo. Đưa ra những nhận định, chi tiết, hình ảnh,... để câu khách, câu “lai” cũng chỉ là chuyện phù phiếm, thường gặp, song có tài xế taxi bịa chuyện mình bị các tử tù trấn áp, cướp tài sản và đến cơ quan Công an trình báo thì rõ ràng sự “ăn theo” nay là cực kỳ phản cảm, vô đạo đức làm phương hại đến giá trị đạo lý xã hội cần bảo vệ.

Tương tự, những hành vi “ăn theo” rất đáng phê phán như lợi dụng lúc người dân hoang mang về tin đồn trẻ em bị bắt cóc lấy nội tạng thì một số người tung hình ảnh lắp ghép tạo nên một câu chuyện như thật khiến mọi người thêm hoang mang.

Hoặc, Công an trấn áp côn đồ bởi hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn thì kêu ầm lên là Công an đánh người. Bày rau quả ra giữa đường, chiếm dụng lòng đường rõ ràng, xe đi qua chèn bánh lên mấy bó rau thì vu vạ rằng “có chính quyền nào đối xử với dân như vậy không?”. Rất nhiều ví dụ tương tự về việc “ăn theo” những hiện tượng nóng đang xảy ra trong xã hội.

Từ những chuyện nhỏ, riêng biệt, hành vi “ăn theo” có thể lây lan như một hội chứng và thể hiện ở tính chất và mức độ cao hơn như “đánh hội đồng”, “dậu đổ bìm leo”, “tát nước theo mưa”, “xuých chó bụi rậm”, “mượn gió bẻ măng”,... gây nên những hậu quả  xấu, khó kiểm soát và biến không ít người thành nạn nhân trong cái “hiệu ứng đám đông” này.

Kỹ năng sống mà người lớn cũng cần phải học đó là khả năng phân biệt đúng – sai, phải – trái, tốt – xấu để có chính kiến của mình và làm nên nhân cách của mỗi người. Thói a dua là một tính xấu, hùa với sự “ăn theo” tạo ra môi trường để “ăn theo” càng có đất sống. “Ăn theo”, dù bất cứ với mục đích gì, vụ lợi hay đánh bóng tên tuổi, kiếm tiền hay kiếm tiếng,... đều đáng phê phán cả!