Tây thích, ta chê
Ra đời trước áo dài nữ, áo dài nam từng là trang phục truyền thống của đàn ông Việt. Theo Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” thì Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và định hình cho chiếc áo dài Việt Nam ở xứ Đàng Trong (để phân biệt với trang phục của những khách trú người Tàu). Chiếc áo dài dành cho nam cũng có hai vạt dài quá gối, cài nút bên phải, thường được may bằng các loại vải gấm (dành cho giới thượng lưu), còn giới trung lưu thường may bằng chất liệu sa, the mỏng, bên trong phải mặc thêm bộ bà ba trắng; còn giới bình dân thì... tùy cơ ứng biến.
Đàn ông mặc áo dài phải kèm theo chiếc khăn đóng đội đầu mới đủ lệ bộ. Màu sắc của chiếc áo dài đàn ông, trừ áo gấm, cũng chỉ giới hạn ở các màu: đen, trắng, xanh lam. Chiếc khăn xếp thường là màu đen, có thể được thay thế bằng chiếc khăn quấn bằng nhiễu, chiếc quần ta bằng vải, hay lụa trắng; cuối cùng là đôi giày Gia Định bằng da láng màu đen.
Thời xưa, áo dài nam được sử dụng hầu hết các tầng lớp trong xã hội, từ các vị chức sắc cho đến người dân thường; từ ông thầy đồ làng cho đến các cậu học trò nhỏ tuổi. Áo dài nam được sử dụng nhiều thế kỷ. Ngay đến thế kỷ XX, những ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, từ Hàm Nghi đến Bảo Đại cũng vẫn sử dụng khăn đóng áo dài. Ngoài ra, trang phục khăn đóng áo dài của nam giới được tồn tại gần như một thứ quốc phục vào thời chính phủ Bảo Ðại và Ngô Ðình Diệm thời kỳ cầm quyền cũng mặc khăn đóng áo dài mỗi khi tiếp khách nước ngoài.
GS Trần Văn Khê kể: “Áo dài là quốc phục của Việt Nam. Hình ảnh chiếc áo dài cũng đã trở thành biểu tượng của Việt Nam trong lòng bạn bè các nước. Tôi thích mặc áo dài vì hình thức không chỉ phù hợp trong việc biểu diễn âm nhạc dân tộc mà mặc bộ trang phục đó còn chứng tỏ mình đang tham dự một lễ hội quan trọng...”. Nhưng có lẽ, 20-30 năm trở về đây, rất ít người có suy nghĩ GS. Trần Văn Khê. Qua thời gian, nam giới Việt Nam dần ít sử dụng áo dài, khăn đóng, thay vào đó là những trang phục quần âu, áo sơ mi, veston mỗi khi có sự kiện quan trọng hay đi ra đường. Áo dài, khăn đóng dần bị quên lãng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ Cty Lửa Việt Tours: “Rất nhiều du khách hỏi tôi “Quốc phục Việt Nam là gì?”.Tôi đã trả lời đại là “Áo dài”. Họ liền thắc mắc “Áo dài là trang phục của phụ nữ, còn đàn ông?”. “Cũng là áo dài!”. “Sao ít thấy ai mặc?”. Tôi chỉ còn biết đánh trống lảng. Tôi cứ bị ám ảnh việc các chàng trai, cô gái nước ngoài; khi làm rể làm dâu Việt Nam nhất nhất áo dài khăn đóng tinh tươm trong hôn lễ. Trong các đám cưới ở Việt Nam, nếu chú rể hay cô dâu là người nước ngoài, thì gần như cả phía sui gia ngoại quốc đều đồng phục áo dài, từ nhỏ đến lớn, từ già chí trẻ. Còn Việt Nam, cứ đa phần đồ Tây, veston và váy. Thiên hạ xem áo dài nam cũng là quốc phục của Việt Nam, còn người Việt lại vô tâm hững hờ. Có bạn nước ngoài đã tỏ ra khó hiểu, hỏi tôi chuyện này, tôi chỉ biết cười trừ chống chế”.
Áo dài, khăn đóng làm sao đi xe máy?
Cách đây 4-5 năm, ngành Văn hóa tổ chức hội thảo lấy ý kiến về quốc phục, lễ phục. Ở nội dung lễ phục dành cho nữ giới,100% các đại biểu đều nhất trí chọn áo dài hiện tại làm nguyên gốc sáng tạo. Ngược lại, ở nội dung lễ phục dành cho nam giới, có 12% ý kiến đề nghị nên sử dụng âu phục complet. 24% ý kiến chỉ đưa ra những đề xuất chung chung không cụ thể. Đặc biệt, chỉ 3% ý kiến đồng tình với việc sử dụng bộ áo dài nam giới làm lễ phục Nhà nước. Đây là một kết quả đáng ngạc nhiên, bởi phát biểu trên truyền thông trước đó, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử đã lên tiếng ủng hộ mẫu lễ phục này. Nhất là khi, áo dài nam được sử dụng tại Hội nghị Cấp cao APEC 2006 (với sự tham dự của một số nguyên thủ quốc gia trên thế giới).
“Tôi cũng bất ngờ khi tại hội thảo, áo dài nam lại bị... thờ ơ đến vậy” - họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm cho biết - “Có một số ý kiến phản đối gay gắt, cho rằng trang phục này gắn với hình ảnh các nhân vật của Việt Nam thời Pháp thuộc, hoặc của chính quyền miền Nam cũ. Tuy nhiên, có lẽ cảm giác về thẩm mỹ mới là yếu tố chính để dẫn tới kết quả này”.
Một số ý kiến cho rằng, hạn chế của áo dài, khăn đóng gần như không được cải tiến trong suốt trăm năm qua, trong khi áo dài của nữ giới lại phát triển không ngừng nghỉ. Theo họ, khác với hồi xưa các cụ ngồi lọng và đi bộ, hiện nay, hầu hết đàn ông đi xe máy, số ít đi ô tô. Nếu đi xe máy mà mặc áo dài thì vạt áo “treo” ở đâu? Nếu cầm vạt áo sau để theo tay lái thì lại bị biến thành “ẻo lả” như phụ nữ, nếu để vạt áo tự tung bay thì sẽ vướng víu, dễ gây tai nạn. Chưa kể tới, áo dài phải có khăn đóng, mà khăn đóng thì không đội được mũ bảo hiểm? Nếu “cắp nách”, hoặc treo khăn đóng vào xe máy nom rất… lủng củng!
Để áo dài nam trở thành quốc phục, lễ phục, rất nhiều ý kiến cho rằng nên cải tiến áo dài nam. Nhà thiết kế Đức Hùng đưa ra gợi ý: “Nam giới hay nữ giới mặc áo dài đều đẹp. Tôi chọn áo dài nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ dùng khăn đóng. Áo dài bên trong cũng có thể mặc quần âu. Quốc phục phải có hơi hướng đương đại, không thể đơn thuần mang tính dân tộc. Khi đã là quốc phục thì từ người 18 tuổi đến 80 tuổi đều thích được mặc”. Do vậy, nếu muốn trở thành quốc phục, lễ phục, các nhà thiết kế thời trang cần biến hóa áo dài nam vẫn giữ được truyền thống nhưng tiện dụng hơn.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt cho rằng, ngoài các nhà thiết kế chắt lọc tinh hoa bản sắc Việt, các cơ quan chức năng, truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, tôn vinh áo dài nam. Có vậy, hy vọng áo dài nam trở thành quốc phục, lễ phục vào một ngày không xa.
Chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 2017 với chủ đề “Nguồn” diễn ra vào trung tuần tháng 11/2017 do Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức. Điều hấp dẫn, chương trình có màn trình diễn áo dài của nhóm Đình Làng Việt cùng với bộ sưu tập tới từ hai nhà thiết kế nổi tiếng trong nước: Đỗ Trịnh Hoài Nam và nhà thiết kế Lan Anh nhằm tôn vinh áo dài nam cũng như dòng áo dài truyền thống dành cho các sĩ tử năm xưa.