ATK Định Hóa, Thái Nguyên: “Quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20”

(PLVN) - Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc tại huyện Định Hóa - cực Bắc tỉnh Thái Nguyên. ATK là nơi lưu giữ những ký ức về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, nơi đây là điểm tham quan, du lịch về nguồn mang ý nghĩa giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ.
ATK Định Hóa, Thái Nguyên: “Quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20”

“Vui sao một sáng tháng Năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/ Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn...”. Những câu thơ đẹp trong bài thơ “Sáng tháng Năm” của nhà thơ Tố Hữu viết về quê hương cách mạng ATK Định Hóa trong những năm kháng chiến chống Pháp được nhiều người thuộc nằm lòng.

Nơi in dấu lịch sử Cách mạng Việt Nam

Di tích quốc gia đặc biệt ATK Ðịnh Hóa nằm trên địa bàn các xã Phú Ðình, Ðiềm Mặc, Thanh Ðịnh, Ðịnh Biên, Bảo Linh, Ðồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên. ATK Định Hóa có diện tích trên 5.200km2, giáp ranh các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chọn đặt căn cứ chỉ huy cuộc kháng chiến từ năm 1947 đến năm 1954.

Trước đó vào năm 1946,  một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên vùng Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, Đội quyết định chọn các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), cùng với các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hoá (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng An toàn khu của Trung ương.

Huyện miền núi Định Hóa cách TP Thái Nguyên 50km về phía Tây Bắc. Định Hóa có địa hình lý tưởng “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” – “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. Đây là vùng đất khá thuận lợi trong việc tự cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như giao thương với các địa phương khác. Định Hóa là cầu nối giữa vùng Trung du miền núi với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Hà Nội… Do địa hình thuận lợi, các điều kiện kinh tế, xã hội đặc thù, có thể giúp cho cách mạng Việt Nam phát triển tốt trong thời kỳ kháng chiến…

Đặc biệt, Định Hóa còn là nơi “có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt” khi phong trào quần chúng vững mạnh, cán bộ, nhân dân ở đây trung kiên với Đảng. Người dân luôn sống đầm ấm, đùm bọc và nghĩa tình với nhau.

Nhìn thấy những ưu thế đó, Bác Hồ đã chọn tỉnh Thái Nguyên với ATK Định Hóa làm địa bàn đứng chân của Chính phủ non trẻ lúc bấy giờ. Và từ đây ta mở rộng căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên – Thái, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp từ cuối năm 1946 đến năm 1954. 

Ngày 20/5/1947 Hồ Chủ Tịch tới đồi Khau Tý, thuộc xóm Nạ Tra, xã Thanh Định nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa đặt Phủ Chủ tịch đầu tiên và Định Hóa đã vinh dự được đảm nhận trách nhiệm là trung tâm đầu não của cả vùng chiến khu rộng lớn. Sau đó, Bác đã đến sống và làm việc tại nhiều điểm ở ATK Định Hóa như Khuôn Tát, Tỉn Keo dưới chân Đèo De, Núi Hồng thuộc Bản Nà Lọm, Rục Rã nay là Tỉn Keo, Phú Đình, Định Hóa. 

Lán Tỉn Keo

Lán Tỉn Keo

Trong thời gian từ năm 1947 đến 1954, ATK Định Hóa là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Hồ Chủ Tịch và các cơ quan Trung ương Đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương, trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Tổng bộ Việt Minh, Tổng quân ủy, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị cùng các đồng chí: Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh… đã làm việc tại nơi đây.

Nhiều quyết sách quan trọng cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã được ra đời tại ATK. Ngày 15/10/1947, Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị: “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông (lên Việt Bắc) của giặc Pháp”. Ngày 28/5/1948, tại Nà Lọm, Hồ Chủ Tịch đã chủ trì họp Hội đồng Chính phủ và ký sắc lệnh phong quân hàm đợt đầu cho các tướng lĩnh của quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại mảnh đất lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua ái quốc năm 1949, Ký sắc lệnh ngày 19/8/1948 thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao, thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch Biên giới vào ngày 25/7/1950, ra mệnh lệnh mở các chiến dịch Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… Đặc biệt, ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì chủ trì cuộc họp Bộ chính trị thông qua kế hoạch tác chiến chiến cuộc Đông Xuân (1953 – 1954) quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 6/12/1953 tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, dưới chân đèo De, núi Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
 Ngày 6/12/1953 tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, dưới chân đèo De, núi Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ những quyết sách quan trọng, kịp thời đó, chúng ta đã có một chiến thắng Ðiện Biên Phủ chấn động địa cầu, chấm dứt 80 năm đô hộ của Thực dân Pháp, lập lại hòa bình tại Đông Dương… ATK cũng là nơi diễn ra các hoạt động ngoại giao của nước ta thời ấy. Tại ATK, trong thời gian kháng chiến, Bác đã tiếp nhiều đoàn quan khách cao cấp của nước ngoài: như Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (Lào), Lê-ô Phighê – thành viên Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Pháp, Nghị sĩ Quốc hội Pháp, các chuyên gia quân sự Trung Quốc; các nhà làm phim Xô Viết…

Gìn giữ, phát huy niềm tự hào đất Thái

Quần thể ATK Định Hóa, Thái Nguyên đã được Nhà nước đánh giá “là một quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20”. Để xứng đáng với sứ mệnh lịch sử mà ATK Định Hóa đã đảm nhiệm, ngày 10/5/2012, Thủ tướng chính phủ ký quyết định số: 548/QĐ-TTCP xếp hạng Di tích lịch sử – An toàn khu Định Hóa, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ban quản lý Khu di tích lịch sử – Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên được thành lập theo quyết định số 23/QĐ – UBND ngày 05/01/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên có nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị, phát triển du lịch Khu di tích đặc biệt quan trọng này.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De.
 Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De. 

Đến nay Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa có 128 địa điểm di tích. Trong đó, 15 di tích đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 108 điểm di tích đã xác minh định vị nhưng chưa xếp hạng, đang được Nhà nước đầu tư phục hồi, bảo tồn, tôn tạo. 

Để lưu giữ và phát huy giá trị của Khu di tích, cũng như giá trị di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nơi đây, những năm qua, nhiều công trình, nhiều cụm Di tích lịch sử đã được xây dựng, tái tạo và bảo tồn. 8 năm kể từ khi được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt (2012-2020), đã có gần 25 nghìn đoàn khách trong nước, quốc tế, với hơn 5,2 triệu lượt người đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan tại các điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa. Đó là minh chứng sinh động cho những nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị riêng có của mảnh đất cách mạng. 

Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa thông tin thêm với phóng viên: “Chúng tôi xác định là phải tiếp tục tham mưu cho các ngành, các cấp, đặc biệt là các cơ quan văn hóa thể thao và du lịch trong việc quy hoạch các điểm di tích, bảo tồn sinh thái, giải pháp trưng bày, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm sao gìn giữ di sản Hồ Chí Minh”.

Đọc thêm