Sự khởi sinh của thế giới
Atum, đôi khi được viết là Atem hay Tem, là vị thần tối cao và quan trọng trong thần thoại Ai Cập. Ông là một vị thần trong Bộ 9 vĩ đại của Heliopolis. Tên của Atum được cho là được bắt nguồn từ “tem” có nghĩa là “hoàn toàn” hoặc “hoàn thành”. Vì thế, tên ông được hiểu là “Một thực thể hoàn thiện” hay “Người làm hoàn thiện thế giới”, ông trở lại thành dòng thác của thời hỗn mang ở cuối mỗi chu kỳ sáng tạo. Là người sáng tạo, ông được xem như là bản chất cơ bản của thế giới, các vị thần và tất cả mọi thứ tạo thành bằng da thịt của ông hoặc từ linh hồn của ông.
Ông được miêu tả là một Pharaoh đội trên đầu vương miện Trắng và Đỏ, tượng trưng cho 2 vùng đất Thượng và Hạ Ai Cập. Đôi khi Atum đội chiếc đĩa mặt trời thay cho vương miện kép. Dưới địa ngục Duat, ông thường xuất hiện dưới hình ảnh một người đàn ông có cái đầu cừu, ngồi trên ngai vàng hoặc đứng thẳng. Con bò thần màu đen Mnevis, đội chiếc đĩa mặt trời giữa cặp sừng, cũng là một hiện thân của ông. Rắn, sư tử và cầy mangut là những loài vật thiêng của ông. Dưới hình dạng của loài khỉ, Atum thường mang theo một cây cung để bắn kẻ thù. Một bức tượng bọ hung lớn được đặt trong hồ thiêng Karnak để thờ thần Atum.
Khởi đầu thế giới chỉ tồn tại Nu - bóng tối hỗn mang vần vũ trong không gian. Từ dòng nước tăm tối ấy Atum xuất hiện, vị thần này tự tạo ra chính mình bằng cách sử dụng chính thần lực trong suy nghĩ và ý chí của ngài. Vì thế giới không có chỗ đứng, nên Atum sau đó đã tạo ra một mô đất. Lúc bấy giờ ngài chỉ có một mình, thần Atum không phải nam cũng không phải nữ, ngài còn có một đôi mắt nhìn thấu tất cả có thể du hành khắp vũ trụ.
Thần Atum |
Atum bắt đầu tạo ra người con trai và người con gái bằng cách kết hợp lại với chính cái bóng của mình. Ngài khạc ra người con trai đầu tiên, đặt tên là Shu và biến cậu ta thành vị thần của không khí. Atum lại nôn ra tiếp người con gái đầu tiên, đặt tên là Tefnut và biến cô ấy thành vị thần của sương mù và hơi ẩm.
Sau khi được sinh ra, Atum giao cho Shu và Tefnut nhiệm vụ chia hỗn mang ra làm nhiều định luật, kiểu hình và đem lại sự ổn định cân bằng cho thế giới. Hỗn mang được chia đôi thành vùng tối và vùng sáng. Nhiệm vụ này được gọi với cái tên Maat (sự cân bằng, quy luật), khoảnh khắc hình thù nên sự sống, trong hình dạng của một chiếc lông vũ nhẹ bẫng và thuần khiết. Sau đó Shu và Tefnut lại cùng nhau sinh ra Geb – mặt đất và Nut - bầu trời.
Ban đầu cả hai đều dính chặt lấy nhau như một. Vị thần Shu tách Nut ra khỏi Geb và đẩy Nut lên trời, Nut giữ nguyên vị trí với tư thế hình vòng cung phía trên bạn tình của mình là Geb. Nut và Geb luôn mong mỏi được đoàn tụ với nhau, nhưng vì nhiệm vụ Maat họ phải chịu sự chia cắt để làm tròn bổn phận của mình. Nut tạo ra mưa cho Geb, và Geb khiến vạn vật nảy mầm trên mặt đất. Nut sinh ra mặt trời vào mỗi buổi tối trước bình minh, mỗi ngày mặt trời sẽ đi theo quỹ đạo của nó trên bầu trời và lụi tàn đi vào khoảnh khắc hoàng hôn.
Mặc dù vậy, sự hỗn mang vẫn còn chiếm hữu thế giới và chưa được phân chia hoàn toàn theo yêu cầu của nhiệm vụ Maat. Shu và Tefnut bỗng biến mất vào mặt nước tối tăm của Nu- sự hỗn mang. Thần Atum tuyệt vọng tìm kiếm những đứa con của ngài, vị thần đầu tiên bèn sai con mắt nhìn thấu tất cả của mình đi khắp nơi trên thế gian đi tìm họ. Cuối cùng Shu và Tefnut cũng quay trở lại với Atum cùng đôi mắt của ngài. Khi vị thần đoàn tụ với các con của mình, niềm hạnh phúc trong
ngài trào dâng đến nỗi Atum đã rơi nước mắt. Khi những giọt lệ ấy chạm mặt đất, những con người đầu tiên được sinh ra. Con người sinh sôi nảy nở trên mặt đất, họ có nhiệm vụ duy trì sự thật và thế cân bằng của Maat, cũng như săn sóc mặt đất cùng với việc thờ phượng các vị thần. Các vị thần đổi lại phải bảo vệ và yêu thương các tạo vật của họ.
Cuộc chiến chống lại bóng tối
Người Ai Cập cho rằng, Mặt trời là một ngọn lửa lớn, và để vượt qua được những con sông dẫn đến thiên đường và sang đến thế giới của những linh hồn thì thần Mặt trời cần phải đi trên một con thuyền lớn. Vào ban ngày, đó là một con thuyền lớn với tên gọi là Madjet (có nghĩa là Trở nên khoẻ mạnh) , khi Mặt trời lặn thì nó chỉ là một chiếc xà lan nhỏ với tên gọi là Semeketet (có nghĩa là trở nên yếu ớt). Cuộc hành trình được bảo vệ bởi rất nhiều các vị thần khác, trong đó có Atum, Thoth và Maat đúng ở hai bên mạn thuyền, Horus lái thuyền và chính là người chỉ huy con thuyền.
Atum cũng tham gia vào trận chiến giữa Ra và Apep hàng đêm, là người có thể một mình đẩy lùi được con quái vật. Apep là một con rắn quỷ 2 đầu canh giữ địa ngục Nehebkau vô cùng hung dữ dài khoảng 15 mét, đầu được bọc bằng đá lửa và hình dạng to lớn kinh khủng. Toàn thân nó được bọc bằng vàng và nó sống ở dưới đáy địa ngục. Mỗi khi hoàng hôn, nó thường trườn bò tới phía Tây đường chân trời, tìm cách ám sát thần mặt trời. Thần Atum đã phải dùng tay giữ chặt để kiểm soát nó.
Trên các bức vẽ trong các ngôi mộ hoàng gia thuộc thời kỳ Tân vương quốc, Atum được miêu tả là một người đàn ông già nua đang đứng trông coi việc trừng phạt những kẻ ác và kẻ thù của thần Mặt trời Ra. Ông cũng bảo vệ những linh hồn của người tốt, đảm bảo họ an toàn khi bước qua Hồ lửa dưới địa ngục Duat, nơi mà con quỷ đầu chó Am-heh sẽ nuốt những linh hồn khi đi qua. Am-heh chỉ bị khuất phục trước thần Atum.
Trong thời Cựu Vương quốc, người Ai Cập tin rằng Atum đưa linh hồn của nhà vua từ kim tự tháp của mình về bầu trời đầy sao. Ông cũng là thần mặt trời, một kiểu kết hợp với thần mặt trời Ra. Atum được nhắc đến như ánh mặt trời vào buổi hoàng hôn, Khepri là vị thần của ánh sáng ban mai, trong khi Ra thường đại diện cho cái nắng gắt vào giữa trưa. Nói cách khác, Atum đã “chết” vào lúc chiều tối và sống lại vào lúc bình minh.
Người Ai Cập tin rằng mỗi ngày ngài lại được một lần sinh ra. Buổi sáng, sau khi tắm và ăn điểm tâm, ngài lại bắt đầu cuộc hành trình đi ngang bầu trời trên chiếc thuyền của thần Ra và dành ra mỗi ngày một giờ để kiểm tra một trong 12 khu vực. Khi mặt trời lặn, người ta cho rằng các vị thần đang đi vào địa ngục cho đến sáng hôm sau. Các vị thần tối cao này phải đánh nhau với kẻ thù là Apep - con rắn của bóng tối vĩnh cửu.