Bài Xuân cảnh (Cảnh mùa xuân) có lẽ được viết khi Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông (1293 - 1314) để lên núi Yên Tử tu Thiền và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tả cảnh mùa xuân nơi âm thanh chiều vắng, có hoa dương liễu trổ dày, có tiếng chim kêu nhẩn nha chậm rãi; trên bầu trời thì có áng mây chiều đang lướt bay nhẹ nhàng.
Trong cảnh tĩnh tịch yên ắng ấy có vị khách đến thăm, chẳng hỏi chuyện nhân gian, thế sự, cũng không tham vấn về thiền mà chỉ đứng tựa lan can bên thềm hoa cùng với thiền sư nhìn ngắm màu xanh nhạt nhòa mờ mịt ở nơi chân trời xa. Cảnh hiện thực trong buổi tà dương đến đây đã biến thành tâm cảnh. Chủ và khách cùng im lặng. Cảnh vật và lòng người như hòa làm một, chủ cũng thế mà khách cũng thế. Cái vô ngôn ở cuối bài thơ như thể hiện ý vị thiền đạo, đạt đến chỗ giải thoát:
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh, mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thuý vi.
(Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp, bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can ngắm núi mây).
Nguyễn Trãi có cả “túi thơ” xuân cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Đặc biệt là thơ Nôm viết về mùa xuân của Nguyễn Trãi, luôn căng tràn sức xuân và sống động xuân tình. Bài thơ Ba tiêu (Cây chuối) là một phiến thơ xuân phong tình hiếm thấy trong nền thơ trung đại dân tộc:
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.
Cây chuối Nguyễn Trãi là cây chuối xuân – cây chuối tình. Bức tình thư rất nữ tính, e ấp, phong nhụy. Thủ pháp nhân cách hóa thật đắt, từ “gượng” không gì chính xác hơn. “Gượng không phải gượng gạo mà là gượng nhẹ, khẽ khàng” (Xuân Diệu). Cơn gió đông phong đậm dương tính có thể làm nảy sinh niềm khao khát một tình yêu kín đáo, trong sáng. Còn bức tiêu thư lại là một sự mời gọi, một khát vọng dâng hiến. Hai câu thơ lục ngôn, nhất là câu ở vị trí kết bài rất hợp với bản chất của tình yêu là ẩn kín, giấu đi, không sỗ sàng. Sáu chữ thôi như một chút ngập ngừng, một chút tình tứ khó nói.
Không phải thiên tài khó làm được như thế. Đất nước mấy nghìn năm, biết bao người con kiệt xuất, ngoài thì giữ nước yên dân, kinh bang tế thế, trong thì vẫn nhuần nhụy thanh khiết một trái tim nhạy cảm. Như những vì tinh tú tỏa sáng cùng những vì tinh tú, thêu hoa dệt gấm trên bầu trời dân tộc. Bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) của Hồ Chí Minh được Người viết ở chiến khu Việt Bắc năm 1948:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Chỉ với bốn câu thơ, Bác đã khơi gợi trước mắt người đọc vẻ đẹp thơ mộng, tràn đầy viên mãn của mùa xuân trong không gian và thời gian. Đêm rằm tháng giêng, mặt trăng tròn sáng ngời soi tỏ dòng sông mùa xuân, làn nước mùa xuân, bầu trời mùa xuân. Tưởng như rất quen thuộc nhưng cũng không khỏi bất ngờ bởi góc nhìn tươi mới của thi nhân:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Vẫn dòng sông ấy, màu nước ấy, vẫn mây trời ấy, dưới ánh trăng rằm, trong một đêm mùa xuân lại mang một màu sắc mới: Mùa xuân làm cho trăng thêm đẹp và trăng làm cho cảnh vật thêm hữu tình. Ánh trăng, mùa xuân, sông nước, mây trời quyện hòa, chứa chan vào nhau, tô điểm cho nhau, cùng nhau khơi gợi tâm hồn thi sĩ, soi xuống con thuyền Người đang “đàm quân sự”.
Có lần Người đã từng hẹn với trăng: “Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”. Bàn xong việc quân trời đã nửa đêm nhưng Người chiến sĩ – thi sĩ ấy không thể lại một lần lỗi hẹn cùng trăng nữa. Trăng xuân oà vào lòng người, người mở rộng lòng đón trăng, thưởng ngoạn chất xuân sung mãn với tâm thế sảng khoái và lạc quan.
Con thuyền bàn bạc việc quân đã trở thành con thuyền trăng trôi nhẹ trên sông, ẩn hiện trong màn khói sóng. Trăng là biểu tượng cao đẹp, sáng láng của tự do. Con thuyền bát ngát trăng cũng bát ngát niềm vui cao đẹp tin tưởng vào bình minh sáng rực rỡ của dân tộc. Bài thơ vừa thể hiện tâm hồn, phong thái của một “tao nhân mặc khách” vừa thể hiện trí tuệ, cốt cách thanh cao của vị lãnh tụ thiên tài…