Theo truyền tụng, thời vua Lê – chúa Trịnh, ở làng Nam Nguyễn, tổng Cam Giá Thượng, thuộc vùng đất có tên Nôm là Kẻ Mía (nay là thôn Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) có một gia đình họ Nguyễn ăn ở hiền lành, phúc hậu, hay giúp đỡ người khó khăn. Người chồng tên là Nguyễn Quảng, người vợ tên là Ngô Thị Ngọc Loan, hai vợ chồng sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc và sinh hạ được hai người con gái, cô lớn tên là Nguyễn Thị Ngọc Giao (còn gọi là Ngọc Gieo), cô út tên là Nguyễn Thị Ngọc Thành.
Ngôi cát địa dành cho người có đức
Cuộc sống của gia đình đang yên vui thì không may, ông Nguyễn Quảng lâm bệnh mất, bỏ lại người vợ hiền và hai con thơ dại. Gia cảnh sa sút, bà Ngọc Loan một mình lo toan cho con nhỏ. Bà mở một quán nhỏ ở ven làng Nam Nguyễn quê chồng bán nước cho khách qua đường cái quan, lấy tiền cơm gạo. Tuy thế, gặp người qua đường sa cơ lỡ vận, bà Ngọc Loan vẫn cố gắng giúp đỡ.
Có một cụ già thường qua quán hàng của mẹ con bà Loan, lúc ăn cái bánh uống bát nước chè, lúc ăn tạm bát cơm, có khi lại chỉ uống ngụm nước rồi đi. Lâu lâu, cụ già mới đến trả số tiền chè nước nợ bấy lâu; nhiều khi thấy cảnh cụ già gầy gò, ăn mặc rách rưới, dáng người tiều tụy bà Loan nhất quyết không lấy, nói là biếu lại.
Thấy người đàn bà góa bụa nghèo khó mà có tấm lòng trong sáng, nhân ái và đức độ như vậy, một hôm cụ già mới nói rằng: “- Không giấu gì bà, tiếng đồn nhân đức về bà được làng xóm quanh đây ca ngợi cả, bản thân tôi cũng đã chứng thực. Người có đức, trời không phụ; tôi vốn có biết chút ít về phong thủy, xin đặt cho gia đình một ngôi đất phát để cảm tạ lòng tốt bấy lâu”.
Bà Loan từ chối mà nói rằng: “- Thưa cụ, con là người góa bụa, lại chỉ có hai đứa con gái, mai này gả bán đi, chúng lo bổn phận với gia đình bên chồng, còn con thác đi là xong, đâu ham gì việc ngôi đất phát”.
Ông lão thực ra tên là Khanh Lã - một nhà địa lý cao tay - nghe vậy mới khuyên: “- Người tốt cần được biểu dương để làm gương khuyến khích ở đời. Xin cứ theo lời tôi, sau này ông bà sẽ được người thờ cúng ức niên mà các con cũng nổi danh trong thiên hạ”. Bà Ngọc Loan thấy ông cụ nài mãi mới nói: “- Vậy con xin theo, mong cụ chỉ dạy!”
Thế là ông lão hướng dẫn bà chọn ngày, đưa mộ chồng sang cải táng ở một khu đất mới có kiểu “hình nhân chắc ngọa”, sau 6 năm sẽ phát phúc, 12 năm sẽ “chính vị cung tần” và “nhất đại cung tần, vạn đại phúc thần”.
Tượng bà chúa Mía ở chùa Sùng Nghiêm – Sơn Tây (Hình minh họa ) |
Tiếng hát thôn quê lọt tai nhà Chúa
Ngày tháng trôi qua, hai người con gái của bà Ngọc Loan càng lớn càng xinh đẹp, công dung ngôn hạnh ngời nét hoa, nổi bật trong đám thôn nữ làng Nam Nguyễn. Một ngày thu nắng đẹp, trên cánh đồng làng Nam Nguyễn, Ngọc Giao và các chị em trong xóm đang mải mê cắt cỏ trên đồng thì bỗng từ xa có tiếng chiêng trống, tiếng loa truyền, rồi cờ quạt ngựa xe, lính tráng đang tiến lại ngày một gần. Đó là đoàn rước chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng đi tuần du miền Tây.
Khi kiệu Chúa đến đâu, dân hai bên đường dẹp đến đó, khách bộ hành dừng lại nhường đường, kính cẩn. Ấy vậy mà riêng có mình cô gái Ngọc Giao vẫn bình thản như không, tay vẫn thoăn thoắt cắt cỏ, miệng tươi cười hát:
Tay cầm bán nguyệt xênh xang,
Nửa lo việc nước, nửa toan việc nhà.
Tiếng hát trong trẻo vang lên trên cánh đồng, lọt vào tai nhà Chúa. Tiếng đã thanh mà nội dung câu hát nghe chừng có khẩu khí, chúa Trịnh liền truyền dừng kiệu, sai lính gọi người hát đến. Giáp mặt, Chúa Trịnh Tráng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp dịu hiền, tinh khiết của cô thôn nữ, hỏi gì nàng cũng ứng đáp trôi chảy, thông thạo. Sau một hồi, kiệu Chúa dời đi, nhưng mấy hôm sau có chỉ dụ của Chúa truyền về làng Nam Nguyễn triệu cô gái cắt cỏ Nguyễn Thị Ngọc Giao về kinh.
Không hiểu ý Chúa nên chức dịch, hào lý làng Nam Nguyễn sợ có lẽ Ngọc Giao có lời lẽ phạm thượng nên nay cả làng sẽ bị phạt vạ, bèn bàn nhau đuổi mẹ con nàng ra khỏi làng rồi dâng tấu: “Cô gái cắt cỏ ấy không phải người làng Nam Nguyễn chúng tôi”. Mẹ con bà Ngọc Loan đành gạt nước mắt gồng gánh nồi niêu, tư trang ra đi.
Thế nhưng, đúng như câu: “Trời không phụ người có nhân”, ra khỏi làng chưa được bao xa thì ba mẹ con bà Ngọc Loan tình cờ gặp một cụ già người làng Đông Sàng. Biết được sự tình, vô cùng thương cảm trước cảnh mẹ góa con côi, cụ mời họ về tạm ở tại gia đình mình rồi đi trình báo với các vị chức sắc trong làng; tất cả đều tán thành việc cứu giúp người trong cảnh cơ nhỡ.
(Có thuyết thì nói rằng, khi mẹ con bà Ngọc Loan buộc phải ra đi, họ gặp các hào mục làng Đông Sàng, biết hoàn cảnh của họ, mọi người đều cảm thông, động viên, an ủi rồi bàn nhau đi đến thống nhất giúp đỡ và sắp xếp chỗ ăn ở cho ba mẹ con). Cảm động trước tình cảm, sự chân thành và lòng nhân đức của người Đông Sàng, ba mẹ con bà Ngọc Loan xin được cư ngụ làm dân của làng.
Một thời gian ngắn sau, bỗng có sứ giả từ kinh đô đến làng Nam Nguyễn mang theo sắc dụ của chúa Trịnh lệnh đón cô thôn nữ Nguyễn Thị Ngọc Giao về Thăng Long. Dân làng Nam Nguyễn ngỡ ngàng, còn sứ giả khi biết chuyện mẹ con nàng Ngọc Giao đã dời đi nơi khác mới dò tìm đến làng Đông Sàng. Quan quân theo lệnh đem kiệu đón rước, chức dịch và dân Đông Sàng cũng vui mừng làm lễ tiễn Ngọc Giao về kinh.
Ban ân giúp đỡ người dân quê hương (Hình minh họa) |
Ân đức với dân quê
Tới Thăng Long, Nguyễn Thị Ngọc Giao được Chúa Trịnh Tráng đón vào Vương phủ, phong là Tây cung phi. Thế là từ một cô gái nghèo, một bước trở thành bà chúa, nhưng không vì thế mà Ngọc Giao tự mãn; trái lại, nàng - với sắc đẹp cùng tài năng, đức độ - không chỉ chiếm được sự sủng ái của chúa Trịnh mà còn lấy được cảm tình cùng sự kính trọng của những người trong phủ Chúa. Dù sống nơi lầu son gác tía, sung sướng trong nhung lụa nhưng Ngọc Giao vẫn không nguôi nhớ đến làng quê đã cưu mang, giúp đỡ mẹ con nàng trong lúc khó khăn.
Tình cảm sâu nặng với dân làng Đông Sàng nói riêng và với vùng Kẻ Mía nói chung, lại vốn sùng đạo Phật nên nàng đã bỏ tiền của ra hưng công xây dựng một ngôi chùa đặt tên là Sùng Nghiêm tự (còn gọi là chùa Mía), sau này còn dựng thêm ngôi chùa khác ở xã Cam Thượng đặt tên là chùa Viễn Sơn. Để cho dân buôn bán, thuận lợi trong sinh hoạt, Ngọc Giao còn cho mở rộng bến đò Mía, khai thông con đường thủy từ bến đò Mía sang bờ bên kia sông Hồng, giúp việc thông thương; lại cho mở ngôi chợ gọi là chợ Mía, dạy dân trong vùng lấy mía làm mật, lấy mật làm kẹo bột… Nhờ công đức ấy mà đời sống dân vùng Kẻ Mía ngày càng được no đủ, đói nghèo khổ cực giảm bớt, mọi người ca tụng và tôn kính gọi Ngọc Giao là bà chúa Mía.
Bà chúa Mía Nguyễn Thị Ngọc Giao sinh nở một lần, nhưng không may người con trai của bà vắn số, mất sớm khiến bà buồn bã, đau khổ vì thương nhớ con, sức khỏe vì thế giảm sút, dần dần sinh bệnh. Thấy cảnh như vậy, chúa Trịnh cho phép bà được về quê dưỡng bệnh, hi vọng cảnh vật và tình người nơi thôn xóm giúp cho bà nguôi ngoai nỗi buồn đau. Trong thời gian dưỡng bệnh ở quê, bà Chúa vẫn quan tâm đến đời sống người dân, bà bỏ thêm tiền bạc để tậu ruộng cho người nghèo trồng cấy, khuyến khích dân chúng trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt vải, làm các loại vật phẩm như chè lam, bánh bỏng, kẹo lạc, kẹo bột…
Truyền rằng, vì sức khỏe yếu nên đến ngày 30 tháng Chạp (không rõ năm), bà Chúa Mía qua đời. Chúa Trịnh Tráng vô cùng thương tiếc đã cho tổ chức tang lễ theo nghi thức long trọng và an táng người vợ yêu tại quê nhà của nàng ở khu vực gò Gai thôn Cốc (nay thuộc xã Cam Thượng, Sơn Tây, Hà Nội) , Chúa lại cho dựng trên nền ngôi dinh phủ - nơi ở trước đây của Ngọc Giao - một đền thờ, dân chúng thường xuyên hương khói thờ cúng tri ân và gọi đó là đền Phủ.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 10 tháng Chạp, dân trong vùng tổ chức lễ thăm lăng và kén chọn lợn thờ chuẩn bị cho việc làm lễ giỗ bà Chúa… Tất cả các hoạt động đó đều nhằm tưởng nhớ đến một bà Chúa có nhiều ân đức đối với vùng Kẻ Mía xưa, người như một mẹ hiền đức độ sống mãi trong tâm thức nhân dân Kẻ Mía – xứ Đoài...