Mưu đảo chính và chuyện tranh quyền đoạt vị thời chúa Trịnh

(PLO) -Tồn tại song hành cùng nhà Lê Trung hưng, các chúa Trịnh cũng theo lệ thế tập “cha truyền con nối” để cùng nhau giữ được ngôi chúa mà “phò vua”. Mà con đường chính trị, thì chuyện tranh quyền đoạt vị, đâu có thiếu, như vụ đảo chính của Trịnh Lệ vậy...
Phủ Liêu của chúa Trịnh
Phủ Liêu của chúa Trịnh

Nói về Đoan quận công Trịnh Lệ, đã có lúc tưởng như ngôi chúa đã kề bên rồi đấy, hiềm nỗi, lại chẳng được ai công nhận mà ngồi cho chính danh. Nói về Trịnh Lệ, lại phải nói đến Tĩnh vương Trịnh Sâm chứ chẳng thể bỏ qua cho được. Bởi hai người, đều là con của Ân vương Trịnh Doanh. “Trịnh vương phả ký” cho hay “Nghị tổ Ân vương Trịnh Doanh là em của Dụ tổ Thuận vương, sinh được 2 vương tử: Đại nguyên soái Tổng quốc chính Thượng sư Anh Đoán Văn Trị Vũ Công Minh vương Trịnh Sâm và Trịnh Đệ” . Và trong hai anh em, thì sau này, Trịnh Sâm thay cha làm chúa. 

Ngôi chúa chưa kịp qua tay

Thời Trịnh Sâm ở ngôi chúa thời gian 1767 - 1782, được “Trịnh gia chính phả” cho hay, ông diệt dư đảng của Hoàng Công Chất, loạn Lê Duy Mật, đặc biệt là đánh vào Đàng Trong làm cho chúa Nguyễn phải thua chạy, uy hiếp anh em Tây Sơn. Đến tháng 9 năm Nhâm Dần (1782), ở tuổi 44, Trịnh Sâm mất, làm chúa được 16 năm. 

Sau cái chết của Tĩnh vương Trịnh Sâm, Trịnh Cán tuổi còn thơ bé, suốt ngay đau ốm được đưa lên làm chúa, tức là Đô vương. Loạn tam phủ, còn được biết đến là loạn kiêu binh nổi lên, Trịnh Can bị phế rồi mất ngay trong năm Nhâm Dần (1782). Trịnh Tông (Khải) con cả của Trịnh Sâm lên thay, ở ngôi chúa thời gian 1782 - 1786, được “Quốc sử ngâm” viết:

Trịnh Khải chết, thôi xong nhà Trịnh,

Vua Hiển Tôn khéo tính việc nhà. 

Gả con cho Huệ cầu hòa,

Phong Huệ Nguyên Soái tước là Quận Công. 

Sở dĩ Trịnh Tông chỉ làm chúa đến năm Bính Ngọ (1786), lại bởi Tây Sơn mà ra. Khi đó, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc Hà lần thứ nhất, thế mạnh quân đông, đánh tan ngôi chúa của Trịnh Tông, chúa Trịnh phải chết. Còn anh em nhà chúa thì chẳng ai bảo ai, tất thảy đều phải rút chạy để tránh số phận giống như Trịnh Tông. Với riêng Trịnh Lệ, thì suýt nữa sau đó đã lên ngôi chúa. Ấy nhưng việc lại không thành. Điểm này, trong “Đại Việt sử ký tục biên” có ghi chép lại tường tận.

Theo đó, sau khi giúp vua Lê diệt Trịnh, rồi thành hôn với công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Huệ cùng anh về đất Nam Hà. Ở đất Bắc Hà, lúc bấy giờ vua Lê Chiêu Thống mới ngồi ngai vàng. Quân Tây Sơn rút đi, thì lúc đó anh em họ Trịnh mới dám quay trở lại: “Lúc bấy giờ họ Trịnh, Đoan quận công Trịnh Lệ (con Trịnh Doanh) ẩn ở Gia Lâm. Côn quận công Trịnh Bồng (con Trịnh Giang) ẩn ở Chương Đức. Ở Như Kinh, họ ngoại thì Trung hầu Trương Tuân, Văn thần Dương Trọng Tế, đều đem hương binh rước Trịnh Lệ sang sông vào thành. Đêm đánh trống làm hiệu, họp các quan phò Lệ lên ngôi chúa, nhưng lúc ấy thì vội vàng nên không ai đến cả. Vua [Chiêu Thống] nghe tin, cho người trách Tuân, Tế rằng: “Sao không xin mệnh vua mà tự tiện lập chúa”. Tuân chưa biết trả lời thế nào. Tế sai người xé tờ chiếu của vua và nói rằng: “Ta chẳng thấy triều nào đời nào lập chúa mà vua ngăn trở như thế. Tất là lũ mấy đứa hàng “giặc”; sợ lập chúa Trịnh, chúa tất hỏi tội, cho nên xui vua. Ta cần gì phải cầu xin, chỉ muốn đem quân đến bắt hết những kẻ xúi giục kia, chỉ để trơ tượng gỗ ra đấy, xem vua có đứng được hay không”. Vua nghe nói giận quá. Gặp lúc Trịnh Bồng dâng biểu xin về chầu, lời lẽ rất khiêm tốn, vua xem tờ tâu rất hài lòng, vội ban chỉ nhận cho Trịnh Bồng. Triều thần đều biết việc Tuân, Tế làm là sai trái, đều bỏ Lệ mà kéo cánh theo Bồng. Bồng đến cầu Nhân Mục, Tuân, Tế đem quân ngăn trở.

Trước kia hồi còn Tĩnh Vương Sâm, Tế đã tố cáo Lệ mưu phản, nay dù ưng hộ Trịnh Lệ nhưng ngầm có lòng phản. Đến bấy giờ Tế sai gia tướng đón để xin hàng Bồng mà Tuân không biết. Lúc Bồng sắp đến gần thành, Tuân thấy đi tiền lộ đều là quân của Tế, quân của Tuân bèn chạy tan, Tuân đem Lệ chạy về phía Bắc. Vua giận Tế hỗn láo, nên phàm những quân của Tế ở cửa tây thành chưa kịp đi đón Bồng, vua sai giết hết đi. Tế sợ vua không tha, cũng chạy sang Kinh Bắc. Bồng vào yết kiến vua, vua úy lạo bội phần. Bộ hạ của Bồng bắt hiếp Bồng lưu ở phủ chúa, để dần dần kháng cự vua. Bồng nhu nhược không chế ngự được kẻ dưới. Từ đấy vua cùng Bồng có hiềm khích”. Cái cảnh tranh nhau làm chúa ấy, bị “Đại Nam quốc sử diễn ca” chê là:

Phân vân tranh lập nhiều bề,

Kẻ phò Trịnh Lệ, người suy Trịnh Bồng. 

Vậy là, chỉ vì sự ngang ngược, xem ngôi vua chẳng bằng ghế chúa của mấy kẻ tôi thần như Dương Trọng Tế, Trương Tuân, mà Trịnh Lệ không được ủng hộ, dù xét ra, cơ hội làm chúa rất cao khi ghế chúa đang trống, mà Trịnh Lệ, lại là em cố chúa Trịnh Sâm, con chúa Trịnh Doanh. Thế là, ông không được đứng đầu phủ Liêu. Nhưng nếu xét sâu xa, thì vị chúa hụt này, đã có tì vết xấu trước đó rồi. 

Chúa Trịnh Sâm nghĩ tình cốt nhục mà tha chết cho Trịnh Lệ
Chúa Trịnh Sâm nghĩ tình cốt nhục mà tha chết cho Trịnh Lệ

Giữ mạng sau án đảo chính

Tì vết đó, lại phải quay về thời gian năm Đinh Hợi (1767). Đầu năm ấy chúa Trịnh Doanh chết, con là Sâm lên thay ngôi chúa. Ấy nhưng cũng năm ấy, Trịnh Lệ thân cũng là con Trịnh Doanh, lòng mong ngấp nghé vị trí ấy, nên sau đó, đã làm một cuộc thoán đoạt quyền hành của anh mình, nhưng bất thành. Sự vụ, được “Tục biên” ghi lại. 

Dạo ấy, nhằm tháng 9 nhuận của năm Đinh Hợi (1767) Trịnh Lệ lúc đó đương là Thiệu quận công, đã “mưu phản, việc phát giác, sai giam lại. Giết đồ đảng của y là Phạm Huy Cơ (Cơ người xã Đông Bình, huyện Gia Định nay là Gia Bình, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu [1757] đời Cảnh Hưng) và thưởng cho người cáo giác”. 

Vốn Trịnh Lệ là người được khen là “thông tuệ mưu trí”. Mộng làm chúa của Lệ, đã có từ thời Ân vương còn sống. Dù phận em, là con thứ, nhưng Lệ không muốn an phận ăn lộc, bởi thế mới có chuyện. Lại thêm sự tác động cho cái mộng đế vương ấy của Lệ, có một chất xúc tác khác để thúc đẩy Lệ hành động, ấy là do “Trước Lệ học Phạm Huy Cơ. Cơ có tội bị mất quan, mang lòng oán hận, ngầm xui Lệ làm việc trái phép, dựng bè đảng vây cánh, dẫn tiến sĩ Dương Trọng Khiêm (tức Tế - người dẫn chú), giải nguyên Nguyễn Huy Bá làm gia khách, mưu định đến ngày 24 tháng ấy khởi sự. Khiêm và Bá bèn đến nhà nội giám Thiều Trung hầu Phạm Huy Đĩnh tố cáo. Đĩnh lập tức đến nói với chúa Trịnh Sâm. Chúa sai họp các quan đại thần hội họp tra tấn. Cơ biết không thể thoát tội được, thú nhận. Lệ dâng tờ khai còn che đậy, nhưng sự tình làm phản đã bị lộ cả. Chúa vốn thương yêu em, làm thư dẫn dụ, lời rất khẩn thiết”. Nếu không nghĩ đến tình cốt nhục gà cùng một mẹ, hẳn chúa Trịnh Sâm đã giết Lệ rồi, để yên ngôi chúa vừa mới ngồi chưa lâu.

Nhận thư khuyên bảo của anh, Trịnh Lệ lấy làm thẹn và lo sợ, y xin chịu án cao nhất. Còn đình thần nghị bàn, cũng nhất trí là khép y tử hình, phải thụ án chết chém. Còn Phạm Huy Cơ phải tội giảo bêu xác. Ấy nhưng sau khi án đã làm xong, chúa thương em mình không nỡ xuống tay, nên xuống chỉ cho Lệ khỏi chết, chỉ giam tù thôi. Sau đó, án được thi hành: “Phạm Huy Cơ phải tội chém. Dương Trọng Khiêm trước vì khiển trách bị bãi chức, đến nay được thưởng phục chức lại thăng 2 cấp. Bá thăng 5 cấp. Đoàn Nguyễn Thụ họp các quan ngự sử lại, hặc tội Trọng Khiêm trước đã cùng với Lệ và Cơ tư thông, về sau mới cáo giác, đem công bù tội, không nên thưởng cho thăng cấp. Chúa bèn tước 2 cấp thăng của Trọng Khiêm, thưởng cho Thục 30 lạng bạc”.

Đáng ra như trường hợp của Trịnh Lệ, đã vướng vào tội thập ác, chiểu theo “Quốc triều hình luật”, chắc chắn không được dung tha tính mạng. Nhưng vì là thân thích, em ruột của chúa, nên mới được đặc cách tha tội chết. Dẫu vậy về sau, dù có thời cơ thuận lợi, ngôi chúa cũng chẳng về tay Lệ được. Cuối cùng Trịnh Bồng lên, còn Lệ, thì biệt tích trong nhân gian không ai hay nữa.../.

Đọc thêm