Ba tuổi tinh thông Phật pháp, 9 năm tu hành mới đắc thọ giới
Năm bảy tuổi, Ngài chán thú vui ở đời, cầu xin cha mẹ cho xuất gia. Cúi đầu lễ cha lành/ Nép mình lạy mẹ hiền, Nay con muốn xuất gia, Xin thương xót nhận cho. Cha mẹ cố khuyên giải không cho. Ngài phải nhịn ăn nài nỉ cho kỳ được. Cuối cùng, cùng cha mẹ thấy chí Ngài quá mạnh không sao ngăn nổi, nên cho xuất gia với điều kiện ở một ngôi nhà riêng trong hoàng cung. Vua thỉnh Sa Môn Thiền Lợi Đa về dạy Phật pháp cho Ngài.
Từ đây Ngài được pháp danh là Tăng Già Nan Đề. Ngài ở trong hoàng cung chín năm tu hành mới được thọ giới cụ túc. Một hôm, Ngài tự cảnh tỉnh: Ta đã thọ giới cụ túc mà còn ở trong nhà thế tục nầy sao? Một buổi chiều trời quang mây tạnh, Ngài nhìn thấy một con đường bằng phẳng, ở xa đầu kia lố dạng một ngọn núi xanh. Ngài liền cất bước nhắm hòn núi thẳng tiến. Ngài đi đến dưới núi mà trời chưa tối. Tự Ngài tìm được thất đá rồi ngồi thiền nơi ấy.
Năm ấy Ngài 26 tuổi. Ngài tu thiền ở đây ngót mười năm, mới có cơ duyên gặp Tổ La Hầu La Đa. Khi Ngài gặp được Tổ sư Thiền tông đời thứ Mười Sáu là Ngài La Hầu Đa La, Ngài có hỏi Tổ: Thầy tu để được cái gì? Tổ thấy Ngài hỏi hơi đặc biệt, nên Tổ nói: Ta tu là để Giải thoát.
Tượng tổ Tăng Già Nan Đề ở chùa Tây Phương |
Ngài hỏi tiếp: Cái gì ràng buộc ông mà Giải thoát? Tổ nói bài kệ: Người đời cứ mãi hơn thua/ Dành về cho được là vừa bản thân; Ta tu việc ấy không cần/ Chỉ cần thanh tịnh, không cần thứ chi. Ngài là thái tử hiểu chi/ Vùi đầu vật chất, tìm chi trong này; Dù vua hay quan xứ này/ Khi hết sự sống, nhận thây thúi sình.
Ta tu hiểu được huyền linh/ Vượt ngoài sinh tử, một mình biết thôi; Ta nay đã biết được rồi/ Luân hồi sinh tử, là thôi với mình. Vừa nghe Tổ La Hầu Đa La đọc 12 câu kệ, Ngài cảm nhận được sự siêu thoát, nên xin với Tổ cho Ngài làm đệ tử. Tổ bảo: Nếu ông được vua cha và hoàng hậu đồng ý ta sẽ nhận ông làm đệ tử. Ngài liền trình xin vua cha và hoàng hậu xuất gia, được vua cha và hoàng hậu chấp thuận nên Ngài theo Tổ La Hầu Đa La xuất gia học đạo Thiền tông.
Khi Ngài theo học với Tổ được 5 năm, một buổi sáng mùa xuân, Ngài và Tổ đi dạo trong vườn hoa mai, Tổ thấy có hoa mai rời từ cành rơi xuống đất, Tổ hỏi: Sao hoa mai bị rụng như thế? Ngài trình với Tổ bằng 32 câu kệ như sau: Thế gian là bởi vô thường/ Sanh ra đẹp đẻ, sau cùng rụng đi; Thiền tông Thầy dạy con ghi/ Có sanh có tử, là y cõi này.
Thầy dạy, muốn hết dần xoay/ Chỉ thiền Thanh tịnh, cắt dây luân hồi; Vì vậy Thầy dạy con ‘’ Thôi ‘’/ Hôm nay sanh tử, biết rồi không theo. Thiền tông không thấy giàu nghèo/ Hằng Hà châu báu, cứ theo con hoài; Con nay biết được trần ai/ Ham mê vật chất, theo hoài trầm luân. Vì vậy Đức Phật dạy ‘’ Dừng ‘’/ Luân hồi sinh tử sẽ ‘’ Dừng ‘’ lại ngay; Con xin cám ơn Tổ Ngài/ Con nay biết được, hết ngay luân hồi. Nhờ Thầy chỉ dạy con ‘’ Thôi ‘’/ Luân hồi nhiều kiếp hết rồi với con;
Hôm nay vọng tưởng không còn/ Chỉ còn thanh tịnh, lòng con nhẹ nhàng. Nhờ Thầy con được bình an/ Nhận ra Bể tánh, con an muôn phần; Từ nay việc của dương trần/ Tự nó luân chuyển, là phần thế gian. Con nay đã được bình an/ Những thứ vật chất, không màng đến chi; Thiền tông thật sự diệu kỳ/ Không dính không mắc, cái chi cũng lìa. Những thứ phiền não xưa kia/ Là của vật lý, con lìa đã xong; Nhìn về Linh Thứu nguyện mong/ Kính xin Đức Phật chứng lòng của con.
Tổ La Hầu Đa La, nghe Ngài trình 32 câu kệ về đạt được “Bí mật Thiền tông”, nên Tổ dạy Ngài: Tổ sư Thiền tông đời thứ Mười Bảy là do ông tiếp nhận. Vậy, một tuần nữa ta sẽ truyền “Bí mật Thiền tông” lại cho ông, ông hãy chuẩn bị buổi lễ truyền Thiền tông này thật chu đáo. Đúng một tuần sau, lễ truyền Thiền tông được thực hiện.
Vi diệu nhập tịch bên sườn núi, sát mé sông
Sau khi đắc pháp, Ngài thống lĩnh đồ chúng du hóa khắp nơi làm lợi lạc quần sanh. Một hôm, Ngài bảo đồ chúng rằng: Thầy ta La Hầu La Đa thường nói nước Ma Đề sẽ ra đời một vị thánh tên Già Da Xá Đa nối ta truyền pháp. Nay ta và các ngươi sang nước ấy tìm. Ngài liền dẫn đồ chúng du hóa nước Ma Đề. Đang đi trong nước ấy, bỗng có một luồng gió mát lành từ phương tây thổi đến làm mát khỏe toàn chúng, Ngài bảo chúng: Đây là đạo đức phong, ba ngàn dặm về phía tây ắt gặp thánh nhân.
Thầy trò đi đến một hòn núi nhìn lên đỉnh có áng mây năm sắc. Ngài bảo chúng: Trên đỉnh núi có mây tía như cái lọng ắt là chỗ thánh nhân ở. Lên đến đỉnh, quả nhiên thấy một mái nhà tranh nằm bên cạnh núi. Một đứa bé cầm gương tròn, đến trước bái Ngài. Ngài hỏi: Ngươi bao nhiêu tuổi? Đứa bé thưa: Trăm tuổi. Ngươi còn bé mà sao trăm tuổi? Tôi chẳng hiểu sao, chính tôi một trăm tuổi.
Tổ hỏi ngươi có căn cơ lành chăng? Phật đâu không nói kệ: Nếu người sinh trăm tuổi không hội được cơ duyên chư Phật, chẳng bằng sinh một ngày, mà được hiểu rành rõ. Ngươi cầm gương tròn ý muốn làm gì? Đứa bé nói, chư Phật gương tròn lớn, trong ngoài không vết che, hai người đồng được thấy, tâm mắt đều giống nhau.
Thấy đứa bé đối đáp hợp đạo như thế nên Ngài nhận đứa bé dẫn về tịnh xá cạo tóc thọ giới, cho hiệu là Già Da Xá Đa. Một hôm,gió thổi cái linh treo trên điện Phật khua động, Ngài hỏi Xá Đa: Linh kêu hay gió kêu? Xá Đa thưa: Chẳng phải linh kêu, chẳng phải gió kêu, mà tâm con kêu. Tâm ngươi là cái gì? Đều lặng lẽ. Hay thay! Ngươi khéo hội lý Phật, nên nói pháp yếu, nối đạo cho ta, chẳng phải ngươi còn ai? Nói kệ truyền thiền cho Xá Đa xong, Ngài nắm cành cây mà hóa. Đồ chúng bàn nhau: Thầy ta diệt độ ở dưới tàng cây, cũng là điềm che mát cho kẻ sau. Liền làm lễ hỏa táng tại đây.
Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 17 - Tăng Già Nan Đề tôn giả đang ngồi nhập tịch bên sườn núi, sát mép sông. Ở chùa Tây Phương, tượng Tăng Già Nan Đề tôn giả được tạc theo hình mẫu vẽ trong sách xưa, toàn thân thu về một khối bó gọn trong tấm áo choàng từ cổ xuống đất với những nếp gấp chảy xuôi, phía trước chỉ để hở khối chân phải gấp nằm và chân trái gấp đứng, đầu tì lên hai bàn tay úp đè nhau trên đầu gối. Đầu tượng tròn, đỉnh đầu nhô lên như nhục kháo, tai rất dài đeo khuyên, mắt khép hờ, cánh mũi nở, miệng mỉm cười, khuôn mặt rạng rỡ.
Cách ngồi nhập định của Tăng Già Nan Đề như ngồi chơi, không gò theo công thức tọa thiền. Bệ tượng gợi sóng nước, lại có một mặt thú như gợi thiên nhiên hoang sơ nơi Tổ nhập định.