Bạc Liêu: Kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hoá phi vật thể

(PLVN) - Tối 5/12, tỉnh Bạc Liêu long trọng tổ chức Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại gắn với công bố, giới thiệu các sáng tác ca khúc mới về Bạc Liêu và trao giải Cuộc thi sáng tác chập cải lương, lời mới bản Đờn ca tài tử và vọng cổ về Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới năm 2023.

Tham dự Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, có bà Trần Thị Thu Đông - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; ông Lữ Văn Hùng - Uỷ viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu; ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; bà Lê Thị Ái Nam - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu; ông Tạ Trung Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu; ông Phan Thanh Duy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu; ông Bùi Thanh Toàn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu; Thạc sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. HCM,..

Nghệ sĩ Như Huỳnh mở đầu Chương trình với tiết mục Thương ca điệu tài tử, tác giả Minh Ngọc.

Hoà cùng niềm vui chung của 21 tỉnh, thành phố vinh dự được nắm giữ Di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO vinh danh trong 10 năm qua. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, con người và những hoạt động nổi bật của phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, hướng tới xây dựng thương hiệu Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu bảo tồn và phát triển.

Để khẳng định giá trị, sự đóng góp của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; ngày 05/12/2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhiệt liệt hưởng ứng kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đẩy mạnh và làm phong phú phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở, góp phần thiết thực vào cuộc vận động nông thôn mới, đô thị văn minh,… đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, trao giải Nhất cho tác giả.

Ông Tạ Trung Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu trao giải Nhì cho tác giả.

Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Cuộc thi sáng tác chập cải lương, lời mới bài bản đờn ca tài tử và vọng cổ về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “xây dựng nông thôn mới”.

Sau hơn 4 tháng, Ban Tổ chức đã nhận được 190 bài dự thi của hơn 50 tác giả từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Với sự đánh giá công tâm, khách quan của Ban Giám khảo Cuộc thi; Ban Tổ chức đã tìm ra được những tác phẩm, tác giả xuất sắc nhất Cuộc thi.

Tại Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Ban Tổ chức tiến hành trao giải cho các tác phẩm, tác giả đạt giải Cuộc thi sáng tác chập cải lương, lời mới bản Đờn ca tài tử và vọng cổ về Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới năm 2023.

Tiết mục ca cảnh cải lương Hội ngộ (sáng tác Ngô Linh).

Tác phẩm Điểm khởi đầu, thể loại chập cải lương (Tác giả Trần Thị Kim Hằng) và tác phẩm Bức tranh quê, thể loại bài bản Đờn ca tài tử (Tác giả Vưu Long Vĩ) đạt giải Nhất; Tác phẩm Chuyện một gia đình, thể loại chập cải lương (tác giả Nguyễn Văn Bền); Tác phẩm Về Đông Hải quê em, thể loại Vọng cổ (Tác giả Trần Chí Khiêm); Tác phẩm Câu chuyện quê mình (Tác giả Trần Minh Hải) đạt Giải Nhì; Tác phẩm: Bạc Liêu tiềm năng và phát triển, thể loại bài bản Đờn ca tài tử (tác giả Mai Xuân Thưởng) đạt giải Ba.

Bạc Liêu là một tỉnh thuộc miền đất cực Nam của Tổ quốc có nhiều tiềm năng phát triển Kinh tế, Văn hóa và Du lịch; Bạc Liêu vốn có truyền thống về Văn hóa - Nghệ thuật, là nơi khai sinh ra Bản Dạ cổ Hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tiền thân của bản Vọng cổ và Nghệ thuật Cải lương ngày nay.

Bạc Liêu còn là nơi hội tụ 3 dòng Văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã tạo nên một diện mạo Văn hóa riêng, tất cả đã làm nên tính cách con người Bạc Liêu phóng khoáng, nghĩa tình và giàu lòng mến khách.

Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu và bà Lê Thị Ái Nam – Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu trao Bằng khen cho 15 Nhạc sĩ của Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh.

Nhằm giới thiệu hình ảnh Đất và người, tiềm năng phát triển Kinh tế - Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu đến bạn bè trong và ngoài nước, đặc biệt là 5 trụ cột phát triển Kinh tế - Xã hội của Bạc Liêu; tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng tác các ca khúc mới về Bạc Liêu. Đồng thời, UBND tỉnh Bạc Liêu trao tặng Bằng khen cho 15 Nhạc sĩ của Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh./.

Đọc thêm