Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 5/12, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (2013 – 2023); tọa đàm về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh.

Tham dự kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, có Thạc sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. HCM; Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. HCM; bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu; và các Nghệ nhân, Nghệ nhân ưu tú, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Tìm kiếm và bồi dưỡng đội ngũ kế thừa tài năng

Cách đây 10 năm, ngày 5/12/2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ mà còn là một minh chứng về sức sống, sự lan toả của văn hoá truyền thống Việt Nam.

Để đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ sau 10 năm triển khai thực hiện. Đồng thời, tôn vinh và tri ân sự đóng góp to lớn của các Nghệ nhân ưu tú trong quá trình gìn giữ, lưu truyền giá trị nghệ thuật độc đáo của Nam Bộ.

Ông Phan Thanh Duy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Ông Phan Thanh Duy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Phát biểu kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, ông Phan Thanh Duy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Chúng ta rất tự hào về những bậc tiền bối Nam Bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng đã có công sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc, việc giữ gìn, phát huy, làm cho loại hình nghệ thuật này ngày càng phát triển và mãi trường tồn không đơn giản là nhiệm vụ của ngành Văn hóa mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của các thế hệ Nghệ nhân đờn ca tài tử cũng như người mộ điệu.

Bạc Liêu vinh dự là một trong 21 tỉnh, thành lưu giữ và phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Bạc Liêu đã, đang và sẽ triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Để đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ sau 10 năm triển khai thực hiện. Đồng thời, tôn vinh và tri ân sự đóng góp to lớn của các Nghệ nhân ưu tú trong quá trình gìn giữ, lưu truyền và lan tỏa giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật này, đến nay trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có trên 150 câu lạc bộ đờn ca tài tử, với gần 2.000 thành viên…”.

“Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại ngày càng phát triển, phong phú, lan tỏa và gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện trọng tâm một số vấn đề mà đại biểu, các Nghệ nhân đã trao đổi ngày hôm nay, từ đó đưa ra giải pháp, xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể mang tính hiệu quả, khả thi và đột phá trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị.

Đại biểu tham dự kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đại biểu tham dự kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Bên cạnh đó, phong trào truyền dạy cũng như thực hành không ngừng phát triển, đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tổ chức 27 lớp về Nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 2.500 người tham gia.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 26 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, trong đó có 25 Nghệ nhân ưu tú thuộc loại hình trình diễn dân gian Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đưa Đờn ca tài tử Nam Bộ vào trường học

Một tiết mục Đờn ca tài tử Nam Bộ tại kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Một tiết mục Đờn ca tài tử Nam Bộ tại kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Tại buổi tọa đàm về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Duy Minh - Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện Vĩnh Lợi, đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng đưa bộ môn Nghệ thuật Đờn ca tài tử vào dạy trong các trường học của tỉnh để bồi dưỡng thế hệ trẻ; đồng thời cũng kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch cần trang bị dàn âm thanh, nhạc cụ cho các Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Phúc (thị xã Giá Rai) cũng kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Bạc Liêu, hàng năm cấp tỉnh cần mở nhiều cuộc thi, giao lưu đờn ca tài tử để tạo sân chơi cho các nghệ nhân. Đồng thời, hỗ trợ nguồn kinh phí cho một số CLB đờn ca tài tử sinh hoạt thường xuyên ở một số điểm du lịch và khu di tích Quốc gia, nhằm duy trì hoạt động và tập dợt các bài bản mới phục vụ du khách.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu; Nghệ nhân Ưu tú… tọa đàm về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu; Nghệ nhân Ưu tú… tọa đàm về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Đối với đề xuất của Nghệ nhân Ưu tú Lâm Duy Minh, ông Thái Quốc Lưu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu cho biết: “Việc mở các lớp dạy Đờn ca tài tử nên tổ chức theo phân môn (Lớp dạy đờn và lớp dạy ca). Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo Trung tâm Văn hoá tỉnh nghiên cứu thời gian tới tổ chức phân lớp đờn riêng và ca riêng nhằm tạo nguồn cho các nghệ nhân đờn và ý kiến cần trang bị dàn âm thanh, nhạc cụ cho các Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả. Thời gian tới tiếp tục phối hợp các huyện, thị xã, thành phố quan tâm và dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho các thiết bị âm thanh của CLB nhằm tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất”.

Thực tiễn cho thấy, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các nghệ nhân, tài tử rất nỗ lực giữ lửa đam mê với nghề, chung sức gìn giữ, quảng bá ĐCTT trong đời sống. Sự gắn bó và tình yêu nghệ thuật ĐCTT bền bỉ ấy mãi là nền tảng vững chắc trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật độc đáo của ĐCTT trong sự phát triển chung của văn hóa nghệ thuật nước nhà./.

Đọc thêm