Bạc Liêu: Nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(PLVN) - Trong bối cảnh tình hình mới, khi thị trường ngày càng cạnh tranh và yêu cầu chất lượng hàng hóa ngày càng cao, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bạc Liêu đã trở thành "đòn bẩy" khơi dậy niềm tin và tinh thần tự hào dân tộc. Những nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm và đổi mới phương thức tuyên truyền đã giúp hàng Việt chiếm lĩnh thị trường địa phương, khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng.

Nỗ lực triển khai Cuộc vận động có hiệu quả

Ông Tô Minh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cán bộ đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh hiểu rõ việc tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ năm 2021-2024, Ủy ban MTTQVN Nam tỉnh và Sở Công Thương quan tâm và thực hiện thường xuyên, với nhiều nội dung để triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hàng năm, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức xây dựng Kế hoạch, phối hợp làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, khơi dậy tinh thần của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức; tăng cường hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”...

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tham quan trưng bày sản phẩm OCOP.

Sở Công Thương Bạc Liêu đã phối hợp thực hiện hiệu quả với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 24 Hội nghị với 1.680 đại biểu tham gia, tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cập nhật, đăng gần 6.000 tin bài trên Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương; phát hành 4 kỳ/năm Bản tin Công Thương.

Bên cạnh đó, tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo, tập huấn trực tuyến về kỹ năng bán hàng qua mạng; Kỹ năng giao tiếp và thiết lập mối quan hệ trong kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, khơi thông thị trường…

Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường như: Tạo “cầu nối” giữa nhà sản xuất, nhà phân phối với người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận hàng Việt Nam giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt với 3.591 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm, với trên 178 ngàn lượt người đến tham quan mua sắm, doanh số bán hàng đạt trên 133 tỷ đồng; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”.

Không những thế, Sở Công Thương còn tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” luôn được quan tâm chỉ đạo, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo Nhân dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Song song đó, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh Bạc Liêu tổ chức 14 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn và 78 hội chợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt trưng bày, giới thiệu hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, từ thành phố đến các huyện, xã, có trên 6.951 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm, có trên 385 ngàn lượt người đến tham quan mua sắm, doanh số bán hàng đạt trên 156 tỷ đồng.

Nhiều sản phẩm OCOP được giới thiệu tại Hội chợ Công nghiệp, Thương mại, Du lịch và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu.

Đến nay, tỉnh Bạc Liêu hiện có 63 chợ, hệ thống bán lẻ hiện đại gồm: 6 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 24 cửa hàng tiện lợi thuộc chuỗi bách hóa xanh, Co.opFood, các điểm bán hàng OCOP, đều là các kênh phân phối, bán lẻ uy tín, góp phần đưa hàng Việt Nam có tiêu chuẩn chất lượng đến với người tiêu dùng.

Tiếp tục hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp, phát triển thị trường

Thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, ông Tô Minh Đương cho biết: “Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhất là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Quan tâm hỗ trợ đào tạo, tập huấn về công tác bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước tại địa phương; Nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công chức tại cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động.

Đặc biệt là ứng dụng thương mại điện tử nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng; Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường thiết yếu, kết nối hàng Việt, doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, xử lý các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi Người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cơ quan liên quan cần tăng cường công tác vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia Hội chợ với chủ đề “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đưa về thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp, nhà phân phối; Kịp thời cung cấp thông tin thị trường, chất lượng hàng hóa Việt Nam để cho người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hàng hóa Việt Nam sản xuất”.

Ông Tô Minh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu.

Ngoài ra, Sở Công Thương Bạc Liêu sẽ phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh kiểm tra công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khuyến mãi để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Kịp thời tổ chức các chương trình tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh được người tiêu dùng ưa chuộng và đạt doanh số cao, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng của địa phương.

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của vùng đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung - cầu hàng hóa.

Cùng với đó, phối hợp các doanh nghiệp, các nhà phân phối đưa hàng Việt có chất lượng đến tay người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên để tiếp tục hưởng ứng, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững trong giai đoạn mới”.

Đọc thêm