Bắc Ninh: Tránh tình trạng thành lập văn phòng công chứng ồ ạt, tràn lan

(PLVN) -Dự báo nhu cầu thành lập thêm văn phòng công chứng (VPCC) trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tiếp tục gia tăng, vì vậy tỉnh sẽ triển khai đầy đủ các quy định, tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, tràn lan, khó kiểm soát trên địa bàn đô thị.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công chứng ở thời điểm năm 2015, tỉnh Bắc Ninh mới có 14 tổ chức hành nghề công chứng thì đến nay đã phát triển lên thành 25 tổ chức hành nghề công chứng. Chất lượng đội ngũ công chứng viên cũng có những bước chuyển mạnh khi độ tuổi dần trẻ hóa, được đào tạo bài bản chính quy, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định, được bổ nhiệm đúng quy trình, có năng lực hoạt động.

Về cơ bản, các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động có hiệu quả, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tổ chức và cá nhân khi có yêu cầu công chứng đối với hợp đồng, giao dịch, chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao và các dịch vụ pháp lý hợp pháp khác một cách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; chấm dứt tình trạng quá tải diễn ra trong hoạt động công chứng diễn ra trước khi xác hội hóa. Qua đó, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các tổ chức hành nghề công chứng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ công chứng.

Tuy nhiên, khi bỏ Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã kéo theo những tác động đến mong muốn và nhu cầu thành lập, phát triển VPCC. Khi bỏ vấn đề quy hoạch, với điều kiện pháp luật để thành lập VPCC tương đối dễ dàng như hiện nay, số lượng các VPCC sẽ tăng lên rất nhanh, kéo theo một loạt các vấn đề phát sinh. Khi đó, để cạnh tranh, lôi kéo khách hàng, nhiều tổ chức hành nghề công chứng chấp nhận rủi ro, bỏ qua các nguy cơ về pháp lý để ký kết hợp đồng giao dịch dân sự.

Ngoài ra, một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng là phát triển các tổ chức hành nghề công chứng mang tính chất là tổ chức dịch vụ công, trong đó VPCC do các công chứng viên thành lập đóng vai trò là lực lượng quan trọng, chủ đạo; thực hiện tách bạch giữa hoạt động công chứng với hoạt động chứng thực của cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, thực tế chưa tách bạch giữa hoạt động công chứng và chứng thực, giữa hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động cung cấp dịch vụ công…

Tỉnh Bắc Ninh là địa phương đang trên đà phát triển kinh tế, xã hội, có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế mạnh, hướng đến mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần. Các giao dịch dân sự diễn ra ngày càng gia tăng, dự báo nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch và chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký của cá nhân, tổ chức tại địa phương ngày càng nhiều. Do vậy, nhu cầu thành lập thêm VPCC trong thời gian tới được dự báo tiếp tục gia tăng. Dự kiến giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh có thể có 5-8 VPCC được thành lập mới. 

Vì vậy, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Công chứng năm 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị quyết của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan và người dân về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng. Nghiên cứu rà soát các quy định của pháp luật liên quan trong lĩnh vực công chứng, đặc biệt là Luật Công chứng 2014 để có những kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC, chuyển đổi địa điểm trụ sở văn phòng từ địa bàn cấp huyện này sang địa bàn cấp huyện khác, cần triển khai hiệu quả Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC trên địa bàn. Theo đó, Quyết định đề ra những quy định mang tính tiêu chuẩn nhằm ngăn chặn việc phát triển ồ ạt, tràn lan, khó kiểm soát các VPCC trên địa bàn đô thị (như tại thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn).

Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật về công chứng và pháp luật liên quan trong quá trình hành nghề của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng. Phát huy hiệu quả, vai trò tự quản của Hội công chứng viên tỉnh theo quy định của Luật Công chứng năm 2014. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu liên thông giữa Sở Tư pháp, các tổ chức hành nghề công chứng với các cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất và giao dịch bảo đảm…

Đọc thêm