Thuở đầu thế kỷ XX, dường như đã thành một công thức rất chung. Ấy là đa phần, các nhà văn, nhà thơ đều kiêm làm ký giả cho các tòa soạn báo cả, chứ chẳng nằm dài chỉ để sáng tác không thôi đâu.
Và sau đó, những truyện dài kỳ, những thiên phóng sự… đăng trên nhật trình, trên tạp chí thì tập hợp thành tiểu thuyết được in ấn đến tay bạn đọc, những bài thơ đăng báo dần dà đầy lên thì được in thành sách. Và Hàn Mặc Tử cũng không nằm ngoài cái mệnh đề chung ấy. Hàn cũng làm ký giả…
Ký giả đất Sài thành
Thuở ban đầu trước khi Nam tiến, lúc thơ Hàn mới được đăng, thì những bài thơ ấy, theo Hoàng Trọng Miên, người bạn ở cùng gác trọ 162 đường Espagne đất Sài Gòn cho hay, Hàn Mặc Tử viết cho tạp chí “Lời thăm”, rồi đăng thơ xướng họa trên báo “Tiếng dân” của cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Dĩ nhiên, đất Bình Định nhỏ bé không phải là nơi để vẫy vùng cho “trường văn trận bút”. Muốn làm báo, chẳng đâu năng động lanh lẹ bằng đất Sài Gòn được. Khi ghi chép về sự nghiệp của Hàn, nơi “Lược truyện các tác gia Việt Nam” có điểm qua nghiệp báo của Nguyễn Trọng Trí nơi đất Sài Gòn đô hội. Thời gian đầu, Hàn vào Nam làm báo, lấy bút danh Phong Trần, rồi Lệ Thanh… Bài viết của Hàn được đăng trên các báo “Phụ nữ tân văn”, “Sài Gòn”… và phụ trương văn chương của một số nhật báo.
Ghi chép trong “Việt Nam thi nhân tiền chiến” cho biết, thời gian 1934-1935, Hàn Mặc Tử cộng tác với báo “Sài Gòn”, “Công luận” và viết cho các tạp chí như “Trong khuê phòng”, “Đông Dương tập chí”, “Tân thời”… Vậy là, sau khi trải nghề thư ký nhà buôn, nhân viên Sở Điền địa… thì thi sĩ cũng được vẫy vùng trong biển thơ cho thỏa cái ước nguyện cũng như tài năng thiên bẩm.
Trần Thanh Mại trong “Hàn Mạc Tử (Thân thế và thi văn)” cho biết thêm rằng, dạo ấy, tờ “Sài Gòn” là một trong những tờ báo có số xuất bản nhiều nhất bấy giờ. Rõ là Hàn phải được tín nhiệm lắm, mới được báo giao cho mục văn chương.
Nhưng cũng buồn nỗi, tính hào phóng, vì bè bạn, nên cuộc sống của ký giả họ Nguyễn cũng chật vật nơi gác trọ căn nhà số 162 đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn, Quận 1). Đến nỗi, trong “Hàn Mặc Tử thơ và đời”, Hoàng Diệp tiết lộ rằng, khi Hàn xách va ly đầy quần áo, mùng mền vào Nam làm báo, người chị đã phải dặn “Tôi biết tính cậu rồi, cậu phải hứa trước đến Tết này, cậu nhớ mang chiếc mền về trả lại cho tôi”. Khổ nỗi sau nghỉ Tết về quê, khi đi tay xách nách mang bao nhiêu, lúc về gọn nhẹ, trống không bấy nhiêu.
Chân dung Hàn Mặc Tử |
Anh cả làng thơ Bình Định
Thuở bình sinh khi Hàn còn sống, nơi đất Qui Nhơn, nhóm thơ Bình Định được hình thành, và theo chuyên khảo “Hàn Mặc Tử và nhóm thơ Bình Định”, Hàn được xem là người đứng đầu Thái Dương Văn Đoàn gồm: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan. Trong hồi tưởng của Nguyễn Minh Vỹ, Hàn được xem là “ảnh cả” về thi ca: “Trong nhóm chúng tôi chỉ có anh ấy là “nhà” còn anh em khác chưa ra lều chõng gì cả”.
Nơi Thái Dương Văn Đoàn, Hàn xem Chế Lan Viên như em ruột, thân quý như bạn thân. Còn Chế Lan Viên, tác giả của tập thơ “Điêu tàn”, thì trên báo “Người mới” số 5 (ra ngày 23/11/1940) nói về vị thế trong làng thơ của người anh thâm giao: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử”.
Vẫn nhóm ấy còn được gọi là Bàn Thành Tứ Hữu (Bốn người bạn nơi thành Đồ Bàn), nhóm này được ví với “Tứ linh” gồm long, lân, quy (rùa), phụng với thứ tự là Hàn Mặc Tử - Long, Yến Lan – Lân, Quách Tấn – Quy, Chế Lan Viên – Phụng. Nói về việc này, Quách Tấn trong “Bóng ngày qua – Bàn Thành Tứ Hữu” cho hay: “Tuy đặt bỡn để vui, song bốn linh vật kia đã nói lên một cách khái quát cuộc đời của Tứ Hữu về mặt vật chất cũng như về mặt tinh thần.
Văn chương của Tứ Hữu cũng được “Tứ linh” nói lên rõ về phẩm chất và sự nghiệp”. Với riêng Hàn Mặc Tử, thi sĩ có nhiều ảnh hưởng tới Chế Lan Viên. Sự ra đời của tập thơ “Điêu tàn” làm nên tên tuổi của Chế, có sự góp sức của Hàn từ sửa chữa bản thảo, rồi đến cả việc giới thiệu trên báo “Tràng An”…
Lại vẫn là Hàn Mặc Tử, còn có ảnh hưởng lớn, được xem là đứng đầu “Trường thơ loạn” nơi đất Bình Định. Thi sĩ đã cùng với ba bạn thơ trong Bàn Thành Tứ Hữu khi tiến vào địa hạt thơ mới, lập nên “Trường thơ loạn” với chủ trương thơ mới vừa lãng mạng, vừa tượng trưng, siêu thực, để rồi sau này, “Trường thơ loạn” có thêm những tên tuổi như Bích Khê, Quỳnh Dao, Hoàng Diệp.
Viết về thi sĩ, “Việt Nam danh nhân từ điển” nhận xét rằng: “Thơ văn Hàn Mặc Tử lúc đầu chứa đựng những tư tưởng buồn chán, bi thương theo những thất vọng, những tan vỡ tràn đầy, nhưng về sau thường xa cõi sống thực tại, tuy nhiên vẫn chan chứa một tình thương yêu rào rạt, một nguồn tin tưởng vô biên”.
Di sản thơ còn đó
Khi thi sĩ còn sống, đã xuất bản một số tập thơ. Tỉ như năm 1936, tập thơ “Gái quê” được ra đời với nội dung được Phạm Thế Ngũ trong “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên” cho rằng “ca tụng ái tình với một giọng suồng sã đắm đuối (Nụ cười, Hát giã gạo, Bẽn lẽn)”. Quanh việc xuất bản tập thơ này, ta được biết qua lời kể của Nguyễn Bá Tín về sự hi sinh nghiệp kinh tế gia đình cho việc in ấn thơ của Hàn. Cụ thể ra sao?
Ấy là, vào đầu năm 1936, Hàn xin người anh Mộng Châu tiền in thơ, nhưng không thành. Bởi lẽ dạo ấy, Mộng Châu đang gom tiền để mua nhà cho mẹ. Thế rồi tháng 3 năm ấy, Mộng Châu mất vì tai nạn xe hơi. Nguyễn Bá Tín phải thay anh cả gánh vác kinh tế gia đình.
Hàn thì thiết tha với việc ra mắt tập thơ đầu tay, nên xin mẹ 200 đồng để in tập “Gái quê”. Lúc ấy, như lời Nguyễn Bá Tín tâm sự, thì “Tôi bảo Anh Trí: Anh lựa chọn kỹ việc mua nhà cho Mẹ và việc in sách của Anh đi”. Bởi với số tiền ấy, là mất một nửa số tiền mua nhà dạo ấy.
Mộ Hàn Mặc Tử hiện nay. Ảnh-Đỗ Minh Tiến |
Và “Nghe xong, Anh lặng thinh, cái im lặng khuất phục”. Nhưng rồi, vì thương người anh thi sĩ, Tín đưa cho anh 200 đồng. Và tập thơ “Gái quê” đã ra đời như thế đó. Cuối năm 1936, khi bị mắc bệnh phong, trong đau thương tột cùng, thi sĩ đã tập hợp những bài sáng tác, in thành tập thơ “Đau thương”.
Tìm hiểu qua “Việt Nam thi nhân tiền chiến”, ta còn được biết rằng, trước khi chuyển sang địa hạt thơ mới, Hàn chuyên về Đường luật, và có tập thơ mang tên “Lệ Thanh thi tập”. Tập thơ ấy “gồm những bài thơ được cụ Phan Sào Nam khen tặng như Chùa hoang, Gái ở chùa, Thức khuya”. Xem nơi “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, được biết, Hàn còn soạn được rất nhiều thơ và chia những tập, như: Thơ điên; Xuân như ý; Thượng thanh khí; Cẩm châu duyên; Duyên kỳ ngộ; Quần tiên hội…
Đánh giá về thơ Hàn Mặc Tử, hẳn xác tín hơn cả, là qua lăng kính của những chuyên gia văn học vậy. Như Vũ Ngọc Phan trong “Nhà văn hiện đại” có lời rằng: “lời thơ thành thực của ông, khi nghẹn ngào, khi hoạt bát, nhưng bao giờ cũng chan chứa chan tình tứ hay một tin tưởng cao xa, đã làm cho nhiều người chú ý đến đời ông và thơ ông”.
Trong khi ấy, qua “Thi nhân Việt Nam”, anh em họ Hoài vốn nổi danh với việc phê bình văn thơ, cũng phải thốt lên: “Ngót một tháng trời tôi đã đọc thơ Hàn Mạc Tử, Tôi đã theo Hàn Mạc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch bằng thơ Quần tiên hội. Và tôi đã mệt lả. Chính như lời Hàn Mạc Tử nói trong bài tựa Thơ điên, vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh”…
Ngày nay, nói đến Hàn Mặc Tử, hẳn không ít độc giả, sẽ nghĩ ngay đến “Đây thôn Vỹ Dạ”. Thơ Hàn nay, được đưa vào dạy trong trường học, đời Hàn, được kịch bản hóa lên sân khấu kịch, đi vào âm nhạc… Âu đó cũng là sự ngưỡng vọng của hậu thế cho đời thi sĩ, tài hoa đấy, mà ngắn ngủi quá…/.