Bác xe ôm 83 lần hiến máu cứu người

(PLO) - Hơn 20 năm với 83 lần hiến máu tình nguyện, dù cuộc sống còn khá chật vật với những chuyến xe thồ chạy gạo mưu sinh, nhưng mỗi lần có đợt vận động, hay những lúc đêm khuya bất ngờ có cuộc điện thoại “nóng”, ông Vũ Chấn Minh (SN 1959, ngụ phường 7, quận 8, TP HCM) lại tức tốc chạy đến nơi hiến máu cứu người.
Hình minh họa
Hình minh họa

Ám ảnh nỗi đau mất người thân

Ông Minh sống bằng nghề xe ôm. Căn nhà của ông nằm gần cuối con ngõ dẫn vào xóm lao động nghèo. Trong nhà, một chiếc giường xếp cũ kỹ, vài chiếc ghế con ngăn nắp nép vào góc tường. Treo san sát trên tường là những tấm bằng khen về hoạt động xã hội của ông.

Ông Minh quê ở tỉnh Ninh Bình, gia đình đông anh em. Trước năm 1945, gia đình ông theo dòng người di cư vào miền Nam tìm đường mưu sinh. Lúc đó, ông còn là cậu bé mục đồng, ngày chăn trâu, tối theo lũ bạn xách chiếc đèn dầu lạc le lói đến trường học chữ. Năm 1945, ông nghỉ học trở về quê nhà làm kinh tế. 

Đầu năm 1978, ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong, đến năm 1990 thì xuất ngũ. Ngày trở về, một mình ông quán xuyến tất cả việc ruộng đồng trong nhà. Thấy ông siêng năng lại chăm chỉ, người con gái làng bên đem lòng yêu thương. Không bao lâu sau, họ nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc của chòm xóm và họ hàng hai bên. Trong cảnh đói ăn thiếu mặc, những đứa con cũng nối nhau ra đời. 

Làm lụng mãi nhưng vẫn đứt bữa triền miên, họ bàn nhau dắt díu các con lên Sài Gòn xây dựng cuộc sống mới. Hàng ngày ông cần mẫn bốc hàng thuê ở chợ đầu mối, chạy xe ôm, ai thuê gì làm nấy, không ngại công việc vất vả. 

Người vợ ở nhà chăm sóc các con. Sau nhiều năm bám trụ khắp các khu chợ, cái nghèo vẫn không được đẩy lùi, người vợ đâm chán nản ôm con theo người tình bỏ đi biệt xứ. Giữa bộn bề cơ cực, tủi khổ, lại trào dâng nỗi nhớ con, ông Minh bỏ nghề bốc vác, chuyển hẳn sang nghề chạy xe ôm, với hi vọng trên đường mưu sinh sẽ dò hỏi thêm về vợ con mình. 

Ông Minh đã gần 60 tuổi nhưng vẫn mong được hiến máu nhân đạo.
 Ông Minh đã gần 60 tuổi nhưng vẫn mong được hiến máu nhân đạo.

Ông cười hiền kể, trong một lần chạy xe ôm chở một người phụ nữ ôm con đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh) cấp cứu, ông chứng kiến cảnh một em bé không may thiệt mạng khi đang phẫu thuật tim trong phòng mổ. 

“Bên ngoài hành lang, cha mẹ và những người thân của đứa trẻ xấu số không ngừng khóc than. Tôi cũng là một người cha, gần như đã trải qua nỗi đau “mất” con. Nhưng ít nhất con tôi vẫn còn được sống ở nơi nào đó, còn đối với họ, đứa con vĩnh viễn mất đi. Nỗi đau bao giờ mới nguôi được”, ông hồi tưởng. 

Sau lần chứng kiến cuộc chia ly sinh tử ấy, ông Minh quyết định trở lại phòng cấp cứu của bệnh viện, được các bác sĩ giải thích về hiện trạng thiếu máu truyền khiến không ít bệnh nhân phải từ bỏ sự sống. 

“Tình cờ lúc đó tôi thấy các bác sĩ trong phòng mổ trở nên huyên náo. Họ vội vã chạy ngược xuôi vì không đủ lượng máu truyền cho một bé trai khoảng 10 tuổi đang thập tử nhất sinh. Trước tình thế cấp bách, tôi không cho phép mình chậm trễ liền xung phong cho máu, dù không quen biết đứa bé. Tôi chỉ nghĩ, nếu mình chậm một giây, cháu bé sẽ chết. Đó là năm 1994, lần đầu tiên tôi hiến máu cứu người”, ông Minh xúc động nhớ lại.

Hai mươi năm tình nguyện

Khi hiểu rõ giá trị của những giọt máu cho đi, cuối năm 1994, ông tham gia vào chương trình “Hiến máu nhân đạo” đầu tiên được vận động thực hiện tại TP HCM. 

Ông kể: “Lúc đó, người cho máu rất ít vì ai cũng lo sức khỏe bị tổn hại. Thấy tôi vừa chạy xe thồ kiếm cơm, vừa tham gia hiến máu, không ít người đã chê bai tôi là “khùng”, “điên”. Họ nói tôi “nghèo rớt mùng tơi không đủ cơm ăn, sức không đủ làm việc mà bày đặt hiến máu”, nhưng tôi không lấy đó làm buồn phiền. Ngược lại tôi thấy mình đang làm điều có ích cho xã hội”.

Từ đó đến nay, ông Minh là hội viên của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM, đồng thời là hội viên của đội hiến máu dự bị (thuộc ngân hàng máu sống trên địa bàn quận 8).

Dù cuộc sống khá chật vật với những chuyến xe thồ chạy gạo mưu sinh nhưng mỗi lần có đợt vận động hiến, hay những lúc đêm khuya bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại “nóng”, ông vẫn sẵn sàng gác lại tất cả, thậm chí không quản ngại mưa bão, tức tốc chạy đến nơi để kịp thời tiếp tế máu cứu giúp người bệnh qua cơn nguy kịch. 

Đã hơn 20 năm liền, mỗi năm đều đặn 4 lần ông tham gia các chương trình hiến máu, nhằm hướng đến giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội giành giật lại sự sống. Tính đến thời điểm hiện tại ông đã tình nguyện hiến máu 83 lần, với tổng số hơn 21 nghìn đơn vị máu. 

Ông đã 83 lần hiến máu cứu người.
Ông đã 83 lần hiến máu cứu người.

Kể về những kỉ niệm trong hành trình cứu người đặc biệt của mình, ông Minh nở nụ cười hiền hậu chia sẻ, ngoài những lần đều đặn đến trung tâm hiến máu, có những trường hợp cấp cứu đột xuất, ông cũng không ngại chia sẻ. 

“Khoảng năm 2002, có người bệnh bị sốt xuất huyết bao tử, cần máu để truyền gấp, nếu không kịp sẽ mất mạng. Nhận được điện thoại từ Trung tâm là tôi sẵn lòng đi ngay không một phút do dự... Lần khác, tôi nhận được điện thoại “xin máu” vào lúc nửa đêm.

Tức tốc dắt xe máy ra ngoài thì trời mưa tầm tã, gió rít từng cơn ào ào. Chợt nghĩ đến người bệnh đang đau đớn chờ máu, tôi phóng xe lao ra giữa màn mưa, không may ống bô bị ngập nước, chết máy, phải dắt bộ một đoạn mới khởi động xe lại được. May mắn lần đó tôi vẫn đến kịp giờ mổ, không thì tôi ân hận...”, ông nói.

Ông xúc động nhớ lại, hầu hết những trường hợp được cho máu, ông đều không biết họ là ai. Chỉ có một trường hợp làm ông không thể nào quên là một cậu bé nghèo miền Trung.

“Lần đó tôi được cử đến bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh) truyền máu cho một bệnh nhân. Tôi chỉ biết thông tin sơ bộ là một bé trai, gia đình ở miền Trung, hoàn cảnh rất khó khăn không đủ chi phí chạy chữa.

Cho máu xong tôi lập tức trở về, nghỉ một lúc lại đi chạy xe. Khoảng hai tuần sau, có một người đàn ông dẫn theo một bé trai tìm đến nhà. Ông ấy rưng rưng chắp tay trước ngực nói: “Rất cảm ơn anh đã cứu con trai tui thoát cõi chết. Cha con tui biết lấy gì đền ơn”. Họ vừa nói vừa tặng tôi hộp bánh trung thu...”, ông kể.

“Sống trong cuộc đời có rất nhiều cách để làm từ thiện, những người giàu có, người ta có thể ủng hộ những khoản tiền giúp ích cho xã hội. Tôi không có của thì có công, tôi hiến máu của mình. Đối với mỗi người, máu còn quý hơn vàng... Nhìn thấy ánh mắt những đứa trẻ, những phận đời kém may mắn được cứu sống, tôi vô cùng hạnh phúc”, ông Minh chia sẻ.

Với những gì đã thầm lặng cống hiến, từ năm 2001 đến nay, ông đã được địa phương, TP HCM trao tặng hàng chục giấy khen trong các hoạt động xã hội. Năm 2014, ông được Bộ Y tế trao bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện”, bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ về “đã có thành tích tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, góp phần trong hoạt động xã hội nhân đạo trên địa bàn TP HCM trong nhiều năm liền. Cũng thời gian này, ông được đại diện 100 gương mặt hiến máu tiêu biểu phát biểu cảm tưởng trong hội nghị vinh danh tại Hà Nội.  

Nhiều bằng khen hoạt động xã hội của ông Minh.
Nhiều bằng khen hoạt động xã hội của ông Minh.

Đến nay, tuy đã gần 60 tuổi (theo quy định của Bộ Y tế, mọi công dân từ 60 tuổi trở lên không được chấp thuận hiến máu nhân đạo), nhưng ông luôn tâm niệm: “Tôi hi vọng, Bộ Y tế có thể sửa đổi quy định. Đối với những người ngoài 60 nhưng còn khỏe mạnh thì còn cho được....”.

Năm 1994, ông tham gia chương trình “Hiến máu nhân đạo” đầu tiên được vận động thực hiện tại TP HCM. “Thấy tôi vừa chạy xe thồ kiếm cơm, vừa tham gia hiến máu, không ít người chê bai là “khùng”, “điên”. Họ nói tôi “nghèo rớt mùng tơi không đủ cơm ăn, sức không đủ làm việc mà bày đặt hiến máu”, nhưng tôi không lấy đó làm buồn phiền”, ông chia sẻ.

Đọc thêm