Bài 1: Dấu hiệu xâm hại rừng của thủy điện Phìn Hồ 2

(PLVN) -  Rừng bị san ủi, đào bới nham nhở; cây cối bị chặt hạ ngổn ngang; đất đá thải đổ thẳng xuống suối; khai thác cát, đá tại chỗ làm vật liệu… Đó là thực tế trong quá trình thi công công trình thủy điện Phìn Hồ 2 (xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái).
Khu vực xây dựng nhà máy thủy điện Phìn Hồ 2.

Bao quanh nơi tập kết vật liệu xây dựng thủy điện Phìn Hồ 2 đều là rừng.

Công trình “khủng” giữa rừng sâu, núi thẳm

Thủy điện Phìn Hồ 2 nằm trong dự án đầu tư xây dựng Cụm thủy điện Chế Tạo (gồm thủy điện Phìn Hồ 2 - Đề Dính Máo - Mí Háng Tầu) tổng mức đầu tư 366,15 tỷ đồng, do Cty TNHH Quang Đạt làm chủ đầu tư. Vị trí xây dựng trên suối Phìn Hồ thuộc địa phận xã Chế Tạo.

Thời gian qua, người dân tại xã Chế Tạo liên tục phản ánh quá trình thi công xây dựng thủy điện Phìn Hồ 2 khiến nhiều diện tích đất rừng bị chặt phá để mở đường. Trong quá trình thi công, đất đá thải từ công trình bị đơn vị thi công vận chuyển đổ ra ven suối, cặn xi măng từ trạm trộn bê tông xây dựng cũng đổ thẳng ra môi trường. Còn có việc lắp đặt hệ thống trạm nghiền đá tận dụng đá tại chỗ làm vật liệu xây dựng. Và thời điểm bắt đầu xây dựng thủy điện cũng là thời gian dọc suối Phìn Hồ xuất hiện tình trạng khai thác cát trái phép…

Băng qua hàng chục dãy núi đá dựng đứng, sau gần 2 tiếng đồng hồ “đánh vật” với con đường đất hiểm trở, có mặt tại khu vực xây dựng thủy điện Phìn Hồ 2; thấy “đại công trường lớn” với nhiều phương tiện, máy móc đang hoạt động rầm rộ.

Tại đây, nhiều hạng mục công trình đang trong quá trình xây dựng. Một số hạng mục đang trong quá trình hoàn thiện như đập dâng nước, đường hầm dẫn nước xuyên qua lòng núi, nhà máy thủy điện… Xung quanh khu vực xây dựng thủy điện, đất đá bị đào bới nham nhở, ở một số vị trí đất bị đào xúc và gạt thẳng xuống các khe suối, rãnh thấp…

Cách vị trí xây dựng nhà máy thủy điện Phìn Hồ 2 khoảng 200m ngược lên phía đầu nguồn con suối, là đường hầm dẫn nước đang trong quá trình thi công. Xung quanh cửa hầm đất bùn nhầy nhụa, đất đá thải được đổ chất thành đống tràn xuống suối, làm thu hẹp dòng chảy. Nước từ trong hầm chảy ra kèm theo bột đá đặc quánh chảy thẳng xuống suối, biến con suối trở nên đục ngầu.

Tiếp tục di chuyển dọc theo con suối vào hơn 1km, xuất hiện một bãi đất rộng. Nơi này có lẽ đã được san ủi khá lâu để làm nơi tập kết vật liệu và xây dựng trạm trộn bêtông. Hầu hết máy móc, cát, đá, xi măng, sắt thép… phục vụ xây dựng thủy điện đều được tập kết về đây.

Ngay cạnh trạm trộn bê tông là bãi đổ thải cặn xi măng, chảy thành vệt dài hàng chục mét xuống gần mép suối. Ở đây, đứng từ trên cao nhìn xuống, còn thấy một bãi đá thải nằm ngay ven suối.

Đi vào khoảng 200m là đập dâng nước của thủy điện đã được bê tông kiên cố đang tích nước. Ngay đầu đập xuất hiện một cỗ máy nghiền đá đang hoạt động ồn ào. Chưa hết bất ngờ, khi di chuyển theo con đường mới mở lên phía đỉnh núi để vào tiếp cận khu vực xây dựng thủy điện Đề Dính Máo ở đầu nguồn con suối; suốt đường đi là cảnh tượng tan hoang, những mảng núi bị đào khoét nham nhở, đường mở đến đâu cây rừng bị đốn hạ nằm la liệt đến đó. Quá trình đào núi mở đường, đất đá tràn sang hai bên taluy lấp rừng, thậm chí trôi xuống tận bờ suối.

Sau chặng đường đất gồ ghề khoảng 4km, đến khu vực xây dựng thủy điện Đề Dính Máo, cảnh tượng cũng không khác gì tại thủy điện Phìn Hồ 2.

Cây rừng bị cưa đổ ngổn ngang dọc đường đi.

Đất đá tràn xuống lòng suối.

Trạm trộn bê tông được xây dựng ngay khu vực gần đập thủy điện.

Chủ tịch xã cũng lắc đầu “không nhớ rõ”

Vị trí xây dựng thủy điện Phìn Hồ 2 nằm sâu trong núi, cách biệt, địa hình hiểm trở, bao quanh là rừng núi, giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La. Một người dân địa phương nhận xét, do địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên hoạt động xây dựng thủy điện tại đây diễn ra bát nháo và dường như không có sự kiểm tra, giám sát nào của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước.

Tại khu vực này, trước nay người dân địa phương cho hay vẫn mặc định là khu vực rừng đặc dụng, vì rừng tại đây mang đặc điểm rừng cây tự nhiên, có rất nhiều cây gỗ lớn, thế nhưng chính quyền địa phương lại cho rằng ở đây là “rừng sản xuất”. Cùng với hàng loạt những dấu hiệu sai phạm liên quan đầu tư xây dựng, tàn phá môi trường, phá rừng, đổ thải, khai thác khoáng sản… vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?

Ông Sùng A Dinh, Chủ tịch UBND xã Chế Tạo thông tin: Hiện trên địa bàn xã đang có 4 - 5 công trình thủy điện nối tiếp nhau cùng trên một dòng suối đều do Cty TNHH Quang Đạt làm chủ đầu tư, hiện nay đang triển khai xây dựng 3 công trình, trong đó thủy điện Phìn Hồ 2. Trước câu hỏi thời gian xây dựng thủy điện Phìn Hồ 2 bắt đầu từ khi nào, ông Dinh suy nghĩ một hồi rồi nói: “Không nhớ chính xác năm nào, nhưng họ xây dựng đã khá lâu gần chục năm gì đó”. Là người quản lý, giám sát trực tiếp tại địa phương nhưng vị chủ tịch xã lại cũng chỉ nhớ “mang máng” về thời gian xây dựng của công trình trên.

Cũng vị lãnh đạo UBND xã Chế Tạo cho hay, trên địa bàn xã có 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất), “thủy điện xây dựng giáp ranh với rừng đặc dụng, nhưng khu vực xây dựng thủy điện thì thuộc rừng sản xuất, còn khu vực mở đường vào thủy điện cũng đang thuộc rừng sản xuất”.

Trước sự việc trên, còn nhiều câu hỏi cần được làm rõ như: Thủy điện Phìn Hồ 2 và các thủy điện đang xây dựng tại xã Chế Tạo được quy hoạch chi tiết như thế nào? Quy trình cấp phép xây dựng ra sao? Báo cáo đánh giá tác động môi trường như thế nào? Công trình đang xây dựng trên loại đất gì, đã được chuyển đổi mục đích sử dụng hay chưa? Những diện tích rừng bị ảnh hưởng thuộc loại rừng gì, số cây rừng bị chặt hạ đã được thống kê kiểm đếm hay chưa? Việc chủ đầu tư đổ đất đá thải xuống suối có được phép không? Công tác quản lý, giám sát của chính quyền địa phương và các ngành chức năng Yên Bái thực hiện như thế nào với hoạt động xây dựng tại các công trình thủy điện tại xã Chế Tạo?

Để làm rõ những câu hỏi trên, PV đã liên hệ làm việc với UBND tỉnh Yên Bái, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và một số cơ quan liên quan…

Đọc thêm