Bãi cọc Cao Quỳ: Giá trị lịch sử và sức mạnh phát triển

(PLVN) - Những phát hiện mới về bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng không chỉ có ý nghĩa trong nghiên cứu khoa học, mang giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, giáo dục mà còn là điểm tựa vững chắc, tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng, phát triển con người. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan bãi cọc gỗ Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan bãi cọc gỗ Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Hào khí Bạch Đằng Giang

Theo đánh giá của nhiều nhà sử học, bãi cọc Cao Quỳ là chứng tích lịch sử quan trọng liên quan đến chiến thắng của cha ông ta trên sông Bạch Đằng năm 1288. Cùng với đó, việc phát hiện bãi cọc tại thôn 11, xã Lại Xuân (cùng huyện Thủy Nguyên) tháng 01/2020 càng khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất, con người Hải Phòng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Sông Bạch Đằng đoạn chảy qua huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng là hợp lưu của nhiều nhánh sông, dài khoảng hơn 20km, nối từ thượng lưu sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. Trong thời kỳ phong kiến, sông Bạch Đằng luôn giữ vị trí trọng yếu về quân sự và giao thương đường thủy, gắn liền với những chiến thắng vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của dân tộc ta. 

Trên dòng sông này, vào thế kỷ thứ X và thế kỷ thứ XIII, đã diễn ra ba trận thủy chiến ác liệt, mà chiến thắng vĩ đại đều thuộc về dân tộc Việt Nam. Năm 938, Đức Vương Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán.

Năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đã chọn sông Bạch Đằng để tổ chức trận chiến mang tính quyết định, đánh bại quân xâm lược Tống, bảo vệ nền độc lập của quốc gia Đại Cồ Việt. Năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tổ chức một trận địa cọc hùng vĩ trên toàn bộ dòng sông Bạch Đằng, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của dân tộc.

Trong cả ba trận chiến hào hùng đó, phía hữu ngạn sông Bạch Đằng thuộc huyện Thủy Nguyên ngày nay chính là nơi giăng đầy những trận địa cọc, là nơi đóng đại bản doanh của các vị chủ soái, là nơi tích trữ lương thảo, bày binh bố trận và là địa bàn chủ yếu diễn ra các trận đánh.  

Theo các nhà sử học, xã Liên Khê xưa thuộc Tổng Trúc Động, huyện Yên Hưng (nay là huyện Thủy Nguyên) vào cuối thế kỷ XIII là căn cứ thủy quân lớn của nhà Trần. 

Kết quả khai quật lần này đã phát hiện được 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc và 4 hố đất đen. Các cọc này xuất lộ ở độ sâu khá tương đồng. Chúng được đóng, chôn trong khu vực chứa nhiều bùn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ. Đây là khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp.

Trận địa Cao Quỳ có thể là bãi cọc “khóa sông”?

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nhấn mạnh: Bãi cọc gỗ được khai quật tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là một phát hiện cực kỳ quan trọng để giúp chúng ta có những nhận thức hết sức mới về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông.

Từ đó mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới, trên cả phương diện về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đồng thời, giúp có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống Bạch Đằng mà thành phố Hải Phòng đã đề cao trong thời gian qua.

Các cọc gỗ có niên đại từ thời Trần được khai quật đã đưa đến cho lịch sử Việt Nam một góc nhìn hoàn toàn mới.
 Các cọc gỗ có niên đại từ thời Trần được khai quật đã đưa đến cho lịch sử Việt Nam một góc nhìn hoàn toàn mới.

GS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, việc bãi cọc Cao Quỳ có thuộc trận địa năm 1288 hay không đang có nhiều luồng ý kiến. Có người đồng ý, có người bày tỏ nghi ngờ. Nhưng kết luận bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến trận địa 1288 là có cơ sở bởi nơi phát hiện ra bãi cọc là vùng có vị trí vô cùng trọng yếu.

Mặc dù chưa xác định niên đại chính xác, nhưng với kinh nghiệm khảo sát và tham khảo tư liệu, TS Lê Thị Liên (Hội Khảo cổ học Việt Nam) nghiêng về giả thiết đây là bãi cọc (có thể) liên quan đến cuộc kháng chiến của nhà Trần và những bãi cọc được tổ chức trong một quá trình chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Dựa trên tư liệu lịch sử, GS Nguyễn Quang Ngọc nêu giả thiết: Trận địa ở Cao Quỳ là “bãi cọc khóa sông” để chặn thuyền địch, bảo đảm bí mật và an toàn cho lực lượng thủy quân của nhà Trần mai phục sâu trong sông Giá trước đội tiền trạm thám sát và càn quét của tướng giặc Lưu Khuê, để đội thuyền mai phục này cơ động khi được lệnh xông ra sông Đá Bạc đánh tập hậu và khóa đuôi đoàn thuyền khổng lồ của Ô Mã Nhi.

Việc khai quật bãi cọc Cao Quỳ sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới, thay đổi nhận thức của các nhà khoa học rằng, chiến thắng Bạch Đằng không chỉ là một trận đánh mà có thể là chiến dịch quy mô lớn, quân dân nhà Trần phải huy động nhiều lực lượng tham gia, chịu nhiều hy sinh.

Liên quan tới việc phát hiện các bãi cọc cổ, theo TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ, đây là việc có ý nghĩa quan trọng để chắc chắn rằng, không chỉ có bãi cọc Yên Giang (Quảng Ninh) mà còn nhiều bãi cọc khác, cho phép hình dung một thế trận trùng điệp chống quân xâm lược.

Địa chỉ đỏ Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Với mong muốn nơi đây trở thành niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau và khơi dậy lòng tự hào về những dấu tích chiến công lừng lẫy của dân tộc Việt Nam, UBND huyện Thủy Nguyên đã triển khai dự án xây dựng tuyến đường vào Khu bãi cọc Cao Quỳ và Khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ.

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 30.680m², có quy mô xây dựng các hạng mục, gồm: cổng chính; hệ thống tường bao; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật; khu bảo tồn bãi cọc; hệ thống đường dẫn đi xuống bãi cọc cho khách tham quan... Toàn bộ mặt bằng bãi cọc phát lộ được bảo tồn theo hướng lấp đất, xây dựng hình tượng cọc 3D lộ thiên. Ngoài ra còn có hệ thống sân vườn, thảm cỏ xây dựng diện tích 20.000m² cùng các tiện ích khác như: nhà vệ sinh, nhà bảo vệ…

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho biết: Sự thành công của dự án sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các thủ tục để đề nghị Nhà nước công nhận quần thể di tích Bạch Đằng Giang là Di tích lịch sử văn hóa danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Đọc thêm