Bãi cọc Cao Quỳ: Uy nghi hào khí Đông A

(PLVN) - Đầu tháng 5 vừa qua, Hải Phòng đã khởi công xây dựng khu bảo tồn di tích bãi cọc Cao Quỳ hơn 30.000m2. Bãi cọc ghi dấu một trong những chiến thắng rực rỡ ba lần đánh đuổi quân Nguyên - Mông trên sông Bạch Đằng của cha ông ta, với tinh thần hào khí Đông A muôn đời chảy trong dòng máu mỗi người dân đất Việt…
Toàn cảnh bãi cọc Cao Quỳ.
Toàn cảnh bãi cọc Cao Quỳ.

Bãi cọc ngàn năm tuổi trên vùng đất chiến trận cha ông xưa

Các nhà khoa học đều cho rằng, việc phát lộ bãi cọc tại Thủy Nguyên có ý nghĩa to lớn trong việc hình dung lại thế trận toàn dân, về nghệ thuật quân sự của quân dân nhà Trần thế kỷ XIII. 

Cuối năm 2019, không chỉ người dân Hải Phòng dõi theo các nhà khoa học nghiên cứu bãi cọc cổ tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên). Theo kết quả đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, bãi cọc là chứng tích lịch sử quan trọng liên quan đến chiến thắng của cha ông ta trên sông Bạch Đằng năm 1288. Cùng với đó, việc phát hiện bãi cọc tại thôn 11, xã Lại Xuân (cùng huyện Thủy Nguyên) tháng 01/2020 càng khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất, con người Hải Phòng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Theo đó, một lần tình cờ đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), anh Nguyễn Văn Triệu đã phát hiện hai cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5-0,7m.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan bãi cọc gỗ Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan bãi cọc gỗ Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. 

Trước đó, khi đào huyệt ở khu vực nghĩa địa, nằm về phía Bắc - Tây Bắc khu vườn cau, người dân địa phương cho biết có gặp phải những cọc gỗ lớn. Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Thủy Nguyên cho biết, đầu tháng 11/2019, trong quá trình cải tạo vườn chuối và nghĩa trang Mả Dài, cánh đồng Cao Quỳ, chính quyền xã Liên Khê đã phát hiện được 9 đầu cọc. Đường kính cọc thường khá lớn 26-46cm, 1 cọc đường kính 14cm, có 4 cọc nằm nghiêng (cọc 3,4,6,7) từ 20-450 theo các hướng Tây, Nam.

 Tuy nhiên các cọc này phân bố khác với các cọc được phát hiện tại di tích Yên Giang, Đồng Má Ngựa, Đồng Vạn Muối (Quảng Yên, Quảng Ninh). Lý giải cho sự khác biệt khi những chiếc cọc tìm thấy tại xã Liên Khê có kích thước lớn hơn bên Quảng Ninh, khoảng cách giữa các cọc cách xa nhau từ 5 - 7m, một số người dân địa phương cho rằng, xưa kia khu vực này là rừng lim. Nên rất có thể, những cây lim to không dễ dàng vận chuyển nên được sử dụng làm thế trận ngay tại Thủy Nguyên còn những cây cọc nhỏ hơn được vận chuyển sang phía Quảng Yên…

Và hơn nữa, cũng tại vùng đất lịch sử văn hóa này, khi du khách tìm về, sẽ gặp dấu tích thời Mạc còn đọng lại ở Liên Khê khá đậm nét với các pho tượng đá mang phong cách Mạc ở chùa Mai Động (tượng ở núi chùa Hang chuyển về) hay bia Trùng tu Bão Phúc Nham Phật tượng bi ký tạc tác niên hiệu Sùng Khang thứ 7 (1572) ở chùa Quỳ Khê, xã Quỳ Khê, tổng Trúc Động (hiện chỉ còn thác bản ở Viện nghiên cứu Hán Nôm).

Những dấu tích đó đều góp phần quan trọng minh chứng cho lịch sử, truyền thống văn hoá của đất và người Liên Khê xuyên suốt chiều dài lịch sử từ thời tiền sơ sử sang thời Lý - Trần, Lê - Mạc và đến tận ngày nay.

 

Cùng với đó, tại xã Liên Khê còn bảo tồn nhiều di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như: Đền Thụ Khê (Lưu Kiếm từ) làng Thụ Khê, di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1993; Chùa Mai Động (Lễ Sơn tự) làng Mai Động, di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1993; chùa Thiểm Khê (Liên Trì tự) làng Thiểm Khê, di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1993.

Bên cạnh đó, xã Liên Khê còn có các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như: Chùa Quỳ Khê (Liên Hoa tự), chùa Điệu Tú (Tú Sơn tự), chùa Thụ Khê (Thái Thanh tự), khu di tích lịch sử kháng chiến Hang Bờ Hồ (di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố), chùa Hang (mới phục dựng); chùa Vôi (Bảo Lộc tự), chùa Sối (hiện không còn); miếu Danh thờ thành hoàng, tương truyền có công diệt giặc tại ngã ba sông Giá, sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc; miếu đền thờ Trương Công Tế, Trương Công Lại và Trương Công Hộ, tướng thời Hai Bà Trưng; làng Quỳ Khê có miếu thờ thành hoàng Nguyễn Đình Hoè; làng Điệu Tú có miếu Vua Bà và miếu Cô Ca (hiện không còn), miếu Đồng Quấn...

Thế trận “thiên la địa võng”- nâng tầm chiến thắng Bạch Đằng

Theo các nhà khoa học, nếu như bãi cọc ở cửa sông Chanh (nay thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là bãi cọc bí mật, được ngụy trang bởi nước thủy triều nhằm thu hẹp lòng sông, đưa địch vào trận địa để dễ dàng tiêu diệt thì bãi cọc được khai quật tại xã Liên Khê là bãi cọc công khai, đóng ở cửa sông Giá để ngăn địch vào sông này.

Vì vậy, các cây cọc lớn được chôn rích rắc theo hình chữ Chi. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo hoặc để gắn thanh gỗ níu các cây cọc lại với nhau tạo thành một bức tường không cho địch tiến vào sông Giá. Sở dĩ có hiện tượng cọc nghiêng, cọc thẳng là do việc cắm đan xen này giúp cho hàng rào ngăn quân địch vào sông Giá càng thêm vững chãi. Ngoài ra, cánh đồng Cao Quỳ trước đây là bãi bồi ven sông, được bồi lấp qua thời gian. Vì vậy, những cây cọc nghiêng có thể là tác động của dòng nước khiến cây bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu.

Tại Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, TS.Lê Thị Liên-Trưởng phòng nghiên cứu dưới nước của Viện khảo cổ học, người trực tiếp tham gia đoàn khảo sát cho rằng: Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm, khảo sát nhưng không thấy cọc.

 

Việc khai quật được bãi cọc lần này giúp các nhà nghiên cứu có được các hướng nghiên cứu mới về thế trận toàn dân, “thiên la địa võng” mà quân dân nhà Trần đã giăng ra để đánh thắng quân địch, nâng tầm chiến thắng Bạch Đằng lên một tầm mới.

GS.TS Vũ Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: Việc phát hiện ra bãi cọc này có giá trị lớn để chúng ta nhìn rõ hơn, đúng đắn hơn, sát thực hơn về trận chiến Bạch Đằng năm 1288, một chiến thắng rực rỡ của dân tộc và có ý nghĩ to lớn với cả thế giới. Việc phát hiện bãi cọc cũng khẳng định những nghiên cứu trước nay của giới sử học khảo cổ là có cơ sở.

“Chúng tôi cho rằng, thời điểm diễn ra trận chiến Bạch Đằng, cha ông ta không cắm cọc qua sông Bạch Đằng vì độ sâu lớn, nên chỉ có thể cắm cọc ở hai bên, hoặc ở các lạch triều (sông nhánh) nhưng vẫn đủ độ sâu để thuyền chiến thời đó có thể đi qua, từ đó tìm cách dồn địch vào thế trận ta bày sẵn. Do đó, trận chiến trải dài cả khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh đến Vạn Kiếp (Hải Dương), đây là chiến công của cả dân tộc, chứ không chỉ của xóm làng nào.

Còn PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội di sản Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ học nhấn mạnh: “Trận chiến Bạch Đằng là chiến trận toàn dân, chứng minh hào khí Đông A, giữ vững truyền thống yêu nước. Nếu nhìn từ góc độ di sản văn hóa, tinh thần Đông A là sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, Hải Phòng có thể đầu tư để Bảo tàng thành phố trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách, làm cho mạch ngầm về hào khí Đông A tuôn chảy mãi”…

Rõ nét hơn, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhận định: Việc ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông đã chứng minh tài năng quân sự của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và quân dân nhà Trần, là tiền đề để đế chế Nguyên Mông tan rã sau đó. Một đế chế mở rộng được 30 triệu km2 từ Thái Bình Dương sang Địa Trung Hải đã phải dừng bước trước quân dân ta. Chiến thắng được nghiên cứu nhiều lần, đưa vào văn hóa, sách truyện, nhưng vị trí trận chiến chưa thực rõ.

Theo GS Vũ Minh Giang, để có được chiến thắng Bạch Đằng, quân dân nhà Trần đã dựa vào địa thế và dân hai bên bờ sông là Hải Phòng và Quảng Ninh. Tuy nhiên, dựa vào địa hình, Thủy Nguyên (Hải Phòng) có núi non, địa thế hiểm trở nên có thể là nơi được dùng vào mục đích mai phục, là nơi ta dụ quân địch vào thế trận bày sẵn.

Theo các tài liệu hiện vật còn lưu trữ, khi thắng trận Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã về thăm và lưu tặng nhân dân tổng Trúc Động “Thanh kiếm” và “Lá cờ” tại đồi Thụ Khê, cảm ơn mảnh đất địa linh đã giúp quân dân nhà Trần làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Vậy nên sau khi ông mất, vua Trần đã ban sắc phong cho nhân dân tổng Trúc Động được lập tối linh từ thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn nay là đền Thụ Khê, lễ hội được tổ chức từ ngày 18 đến 20/8 âm lịch hàng năm.

Được biết, từ ngày phát lộ bãi cọc Cao Quỳ, nhiều đoàn khách du lịch, giáo viên, học sinh và cả khách nước ngoài tới tham quan, có đoàn lên tới hàng trăm người. Ai cũng rưng rưng niềm tự hào khi đứng trước những dấu tích chiến công lừng lẫy của dân tộc trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử năm 1288, như lời thề “Sát Thát” hiển hiện trước mắt, như hào khí Đông A còn chảy mãi…

Địa chỉ đỏ phát triển du lịch và giáo dục truyền thống

Chỉ sau gần ba tháng phát lộ và nghiên cứu, Dự án khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ vốn đầu tư gần 430 tỷ đồng từ ngân sách thành phố được khởi công ngày 3/5. Tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủNguyễn Xuân Phúc đánh giá việc phát hiện di chỉ khảo cổ Cánh đồng Cao Quỳ giúp thế hệ đương đại và mai sau có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống Bạch Đằng Giang, nhớ lại trang sử hào hùng của cha ông trên sông Bạch Đằng...

UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, sự thành công của Dự án bảo tồn sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các thủ tục để đề nghị Nhà nước công nhận quần thể di tích Bạch Đằng Giang là Di tích lịch sử văn hóa danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. 

Đọc thêm