Tại sao trong thời gian dài như vậy, gia đình và nhà trường đều không nhận ra những dấu hiệu mang thai của Q?
Để giải đáp những câu hỏi này, phóng viên PLVN sau khi đưa tin bài đã tiếp tục đã có mặt tại Trường THPT Chương Mỹ B, Hà Nội.
Tại đây, theo chia sẻ của Hiệu trưởng Hoàng Văn Bình thì: “Nhà trường có tổ chức những lớp học về giới tính cho học sinh. Sau vụ việc của Q., nhà trường có phối hợp với Phòng Dân số Kế hoạch hóa gia đình của huyện đến nói chuyện với học sinh toàn trường”.
Cô Hậu, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A12 của Q. cũng cho biết: “Sự việc xảy ra thật đáng tiếc cho cả Q. và nhà trường. Trong quá trình 2 năm đi học, Q. luôn là một học sinh ngoan và em rất ít nói, hầu như không chia sẻ gì ở lớp, nên sự việc xảy ra như thế bạn bè thầy cô đều không hề biết. Nhận tin về sự việc khiến cô và hội đồng giáo viên nhà trường quá bất ngờ”.
Còn Q. chia sẻ: “Em không nhận được sự động viên thăm hỏi từ nhà trường và bạn bè từ sau khi nghỉ học. Gia đình chính là nguồn động lực cho em vượt qua mặc cảm về tâm lý”. Câu chuyện này gợi lên rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề giáo dục giới tính, không chỉ cho học sinh hiện nay mà còn cho gia đình và xã hội, đã thực sự hiệu quả hay chưa? Tại sao một học sinh đã 17 tuổi mà không nhận thức được việc mình có mang thai hay không? Tại sao sau khi bị xâm hại tình dục, em không nghĩ đến việc báo lại với gia đình hay cơ quan chức năng nhanh chóng để có biện pháp xử lý kịp thời?.
Tại sao gia đình và nhà trường đều không chú ý đến những biểu hiện mang thai của Q. trong suốt 6 tháng? Phải chăng, nhà trường cũng cần có trách nhiệm hơn trong sự việc đau lòng của Q?
Từ sự việc đáng tiếc của em Q, chúng ta nhìn nhận về một bài học đắt giá cho nhà trường, phụ huynh và cộng đồng để cùng suy nghĩ và cùng phối hợp trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con trẻ về giới tính và lối sống, để những câu chuyện như thế này sẽ không còn tiếp diễn nữa. Bắt đầu từ bậc tiểu học, giáo dục giới tính của người Mỹ luôn kết hợp với giáo dục về tình người.
Học sinh nhận thức được các vùng kín của nam nữ là riêng tư kín đáo, không được để bất cứ ai nhìn thấy hoặc sờ vào, trừ bác sĩ. Các em được dạy một thái độ nghiêm túc khi nói về vấn đề tình dục, ngoài ra còn phải biết tôn trọng người khác giới và trân trọng từng sinh mạng.
Ở Nhật, giáo dục giới tính cho trẻ bắt đầu từ lớp mẫu giáo, luôn đi kèm với việc học vệ sinh thân thể. Lên cấp tiểu học, trẻ được dạy về kinh nguyệt, sơ lược về quá trình “tạo ra em bé” của bố mẹ. Từ cấp trung học trở lên, trẻ sẽ học về các biện pháp tránh thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục và các khía cạnh đạo đức xoay quanh vấn đề giới tính.
Đặc biệt, người Nhật nhận thức rằng gia đình là một nhân tố quan trọng trong việc giáo dục giới tính cho trẻ. Vì vậy, các phụ huynh cũng được thường xuyên được “nhắc nhở” về giáo dục trẻ như thế nào về những vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống của các con.
Ở Việt Nam, mặc dù giáo dục giới tính trong nhà trường đã, đang được quan tâm và triển khai mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều phụ huynh cho rằng đó là “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhiều thầy cô vẫn còn ngại ngùng né tránh khi đề cập vấn đề tình dục trước học sinh. Đây là một hiện trạng đáng suy nghĩ cho nhà trường, phụ huynh và cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục giới tính, lối sống cho con trẻ, để những hậu quả đáng buồn vì sự thiếu hiểu biết hoặc sự thiếu quan tâm sẽ không còn tiếp diễn nữa.