TS. Khuất Thu Hồng nói về việc xâm hại trẻ em: Đừng đổ lỗi và đừng im lặng

(PLO) -“Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi lại nhận thức và suy nghĩ của mình, vượt qua được chính mình để lên tiếng và hành động”, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội chia sẻ suy nghĩ trước hàng loạt vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra thời gian qua.
TS. Khuất Thu Hồng
TS. Khuất Thu Hồng

Họ lên tiếng sẽ được gì ngoài sự đau thêm ngàn lần 

Thưa bà, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc xâm hại trẻ em, trong đó có cả ở trường học khiến dư luận không khỏi phẫn nộ, xin bà cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Khi đọc những tin này, phản xạ đầu tiên của tôi là chối bỏ, vì không chịu nổi. Tôi phải lướt sang một tin khác, nhưng chỉ vài giây sau tôi lẩy bẩy lướt chuột để quay lại. Tôi gần như nghẹt thở, trái tim đau thắt khi đọc câu trăng trối của một bé gái “cũng vì con mà gia đình phải nhục nhã với hàng xóm…”.

Một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý dù gia đình đã báo cáo. Tại sao một đứa trẻ phải chết để bảo vệ danh dự của mình và gia đình sau khi bị xâm hại? Tại sao những người có trách nhiệm đã không làm gì dù gia đình cháu bé đã yêu cầu được giúp đỡ? Vậy ai mới thực sự là người phải thấy nhục nhã?

Chúng ta đang ở trong bầu không khí nóng vì có liên tiếp các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra. Tại sao nó lại nóng? Nóng vì nó chưa được giải quyết, vì đi vào bế tắc. Như vụ việc ở Vũng Tàu tại sao tới Chủ tịch nước phải lên tiếng mới được khởi tố? Vụ việc ở Hoàng Mai, rất may gia đình thu thập được bằng chứng và chủ động tìm cách tố cáo và giải quyết vấn đề nhưng quá trình diễn ra rất chậm. Nguyên nhân bế tắc, theo tôi là vì sự im lặng của tất cả các bên.  

Đó có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ lạm dụng trẻ em, bạo lực ngày càng gia tăng, thậm chí là vụ việc sau nghiêm trọng hơn vụ trước? 

Đúng vậy, rất nhiều người trong khi thương hại hoặc thông cảm với nạn nhân nhưng đồng thời lại nghi ngờ hoặc chê trách họ vì đã gây sự chú ý hoặc dễ dãi hay dại dột. Họ nghĩ rằng chỉ những người không đứng đắn, có vấn đề mới trở thành nạn nhân của những người xâm hại tình dục. Những giá trị cổ hủ, quan niệm sai lầm về nam tính/nữ tính cùng với định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này.

Vì sao nạn nhân và gia đình lại im lặng? Họ nói lên sự việc thì được điều gì? Cuộc sống của họ sẽ bị thay đổi hoàn toàn. Có thể nạn nhân bị xâm hại sẽ không có tương lai và gia đình phải thay đổi sinh kế của mình, chuyển đi nơi khác để không ai nhớ đến câu chuyện của họ nữa… 

Thứ hai, luật pháp của chúng ta còn thiếu và chưa đủ sức mạnh để giải quyết được vấn đề câu chuyện dâm ô. Trong khi đó luật pháp của chúng ta đòi hỏi phải có bằng chứng trên thân thể của đứa trẻ sau bao nhiêu thời gian xảy ra sự việc, nhất là khi đối tượng dùng tay, dùng miệng… để xâm hại thì lấy đâu ra bằng chứng?

Ngay cả một số vụ việc được coi là nổi cộm như vụ cháu bé 7 tuổi ở Vũng Tàu bị xâm hại bởi một ông lão 76 tuổi hay vụ cháu bé 3 tuổi ở Ba Vì (Hà Nội) bị người láng giềng gần 80 tuổi xâm hại khiến dư luận cả nước bức xúc, nhưng vẫn có nguy cơ “chìm xuồng” vì những lý do không đủ bằng chứng. 

Với trẻ em thì làm sao có thể tự bảo vệ mình? Trẻ em là người có lỗi? Hay bố mẹ là người có lỗi khi đã không canh chừng con cái mình 24/24h? Nếu chúng ta tiếp tục văn hóa đổ lỗi và im lặng thì không thể giải quyết câu chuyện này. 

Có một sự thật, rất nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà thủ phạm chính là người thân trong gia đình. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này thưa bà?

- Vấn đề người thân, quen lạm dụng tình dục không phải là mới và cũng không phải chỉ có ở Việt Nam. Phần lớn là do thiếu hiểu biết về pháp luật, do lối sống lệch lạc, hoặc là có vấn đề về tâm lý. Ví dụ có người nghĩ rằng ở trong gia đình, giữa người thân thì không sao, không bị xử lý.

Mới gần đây, chúng tôi thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn về vấn nạn này. Chúng tôi đã tổng hợp các vụ xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em được đưa tin trên báo điện tử trong vòng năm năm (2011-2016).

Phân tích sơ bộ ban đầu cho thấy trong số 322 trường hợp bạo lực tình dục được đưa tin, có tới 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, thậm chí có những bé chỉ mới 2 tuổi và 60% nạn nhân ở độ tuổi 11-25; Số trường hợp bị bạo lực kép: nạn nhân bị cưỡng hiếp, cướp tài sản, hành hung và thậm chí bị giết chết, chiếm 32%. Số vụ hãm hiếp tập thể với phần lớn là do 3 đến 5 thủ phạm chiếm 13,5%.

Trái với quan điểm cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ hay không đi ra khỏi nhà vào đêm tối, phân tích của chúng tôi cho thấy 73% thủ phạm là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng.

Thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật. Ngoài ra, phần lớn các vụ bạo lực tình dục cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân. 

Đừng im lặng trước tội ác

Và một trong những nguyên nhân sâu xa, tiềm ẩn trong chính nhận thức, văn hóa lâu đời của chúng ta, thưa bà?

- Trong nền văn hóa Việt Nam, bản thân tình dục vốn bị coi là bản năng thấp kém của con người, nói về tình dục là việc đáng xấu hổ, nhất là chuyện xâm hại tình dục. Rất nhiều người trong khi thương hại hoặc thông cảm với nạn nhân nhưng đồng thời lại cũng nghi ngờ hoặc chê trách họ vì đã gây sự chú ý hoặc dễ dãi hay dại dột. 

Ngay cả một số vụ việc được coi là nổi cộm như vụ cháu bé 7 tuổi ở Vũng Tàu bị xâm hại bởi một ông lão 76 tuổi hay vụ cháu bé 3 tuổi ở Ba Vì (Hà Nội) bị người láng giềng gần 80 tuổi xâm hại khiến dư luận cả nước bức xúc, cũng từng có nguy cơ “chìm xuồng” vì những lý do không đủ bằng chứng. 

Và ngay trong vụ việc em bé 13 tuổi ở Cà Mau mới đây, gia đình em đã tố cáo đến cơ quan chức năng nhưng lại được trả lời là không đủ chứng cớ để khởi tố vụ việc. Kết cục là cái chết tức tưởi của em ngay sau mấy ngày Tết. Hãy tưởng tượng tâm trạng của một đứa trẻ 13 tuổi khi phải lựa chọn sự phản kháng bi thương như vậy!

Các nghiên cứu cho biết trẻ bị xâm hại tình dục có thể tiếp tục bị người khác xâm hại trong suốt quãng đời còn lại. Nếu không thoát ra khỏi tình trạng đó và được hỗ trợ tích cực, những trải nghiệm bị xâm hại khi còn là một đứa trẻ sẽ khiến chúng tin rằng đó là lỗi của chúng và đó là điều chúng phải chấp nhận. Khi chứng kiến ai đó bị xâm hại tình dục chúng cũng sẽ im lặng vì tin rằng đó là văn hóa.

Thưa bà, để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị bạo lực, xâm hại thì cần có những biện pháp gì?

Xin hãy đừng đổ lỗi và đừng im lặng để không có thêm những đứa trẻ phải quyên sinh như em bé ở Cà Mau. Tôi mong rằng cái chết của em sẽ thức tỉnh toàn xã hội để chúng ta chấm dứt sự im lặng trước tội ác. Tôi tin rằng nếu toàn bộ cộng đồng chúng ta lên tiếng, nếu có sự gây sức ép thì cơ quan chức năng phải vào cuộc. 

Nếu chúng ta không có cái nhìn khắt khe ở những miền quê thì một cô bé 13 tuổi ở Cà Mau đã không phải tìm đến cái chết vì bị xâm hại tình dục nhiều lần “cũng vì con mà gia đình phải nhục nhã với hàng xóm…”.

Tại sao lại tồn tại một nền văn hóa mà khiến một đứa trẻ phải chết để bảo vệ danh dự của mình và gia đình sau khi bị xâm hại? Tại sao những người có trách nhiệm đã không làm gì dù gia đình cháu bé đã yêu cầu được giúp đỡ? Vậy ai mới thực sự là người phải thấy nhục nhã? Ai và những ai? 

Điều làm tôi bức xúc nhất là những lý do hiếp dâm hoặc xâm hại tình dục, lý do thường được nêu nhất là thủ phạm “không kiềm chế được dục vọng”, nạn nhân “dễ dãi”, hoặc “ăn mặc gợi cảm”.

Những lý do khác làm tôi cũng bức xúc không kém, nào là nạn nhân “không đề phòng”, “ở nhà một mình”, “đi ngủ không mặc quần áo”, “đi tắm không cài cửa”…Theo cách nhận thức đó, nạn nhân dường như phải chịu trách nhiệm về vụ xâm hại xảy ra với mình. Theo cách nhận thức đó, xâm hại tình dục là không tránh khỏi và như vậy là không thể đề phòng.

Trong vài năm gần đây, cứ vài tuần, thậm chí vài ngày cả nước lại rúng động vì một vụ bạo lực tình dục với trẻ em gái xảy ra ở một địa phương nào đó. Các cơ quan chức năng đã chính thức thừa nhận rằng tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1544 vụ vào năm 2014. Như vậy, theo những con số chính thức đó thì chí ít mỗi ngày có 3 đứa trẻ bị xâm hại. Hay một cách tính chi tiết hơn, cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ trở thành nạn nhân của “yêu râu xanh”.

Đứa bé đó thậm chí có thể đã mất mạng, hoặc sống sót thì sẽ bị nỗi sợ hãi và nhục nhã ám ảnh trong suốt cuộc đời còn lại. Tôi và các đồng nghiệp của tôi cũng như những người quan tâm đến vấn đề này cho rằng con số 1000 đứa trẻ bị xâm hại tình dục ở Việt Nam chưa phản ánh đúng sự thật. Không hẳn là do thống kê không chính xác hoặc chưa đầy đủ. Lý do chủ yếu có lẽ nằm trong nền văn hóa của chúng ta và nhận thức của chúng ta về trách nhiệm đối với con trẻ.

Trân trọng cảm ơn bà!

Có những em bị quấy rối 10 lần/năm

Theo một nghiên cứu tại 3 trường phổ thông trung học ở Hà Giang, Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Trung tâm Nghiên cứu về và Ứng dụng Khoa học về Phụ nữ, Giới và Vị thành niên (CSAGA) hợp tác với Actionaid thực hiện vào năm 2009 thì có tới 20% các em được hỏi đã bị quấy rối, lạm dụng tình dục theo các hình thức khác nhau, trong đó 4,8% các em bị 1-2 lần trong năm, cá biệt có những em bị tới hơn 10 lần trong một năm.

Nạn nhân thường tập trung nhiều ở độ tuổi từ 14 đến 16, tuy nhiên cũng có những em bị những hành vi sàm sỡ từ rất sớm, từ khi mới 7 đến 9 tuổi. Số em trai bị quấy rối, lạm dụng tình dục cũng không phải là nhỏ (20,8%). Điều đáng lo ngại là nhiều em không ý thức được mình bị bạo hành tình dục khi người khác dùng lời nói, cử chỉ và các phương tiện gợi dục khác với các em.

Trong số 15,6% các em trả lời từ nhỏ tới nay em đã từng bị quấy rối, lạm dụng tình dục, có 26,8% số em đã từng bị ép buộc hôn vào môi, 19,5% bị đụng chạm ở ngực và 7,3% ở bộ phận sinh dục.

Ngoài ra, có tới 10% số em học sinh được hỏi trả lời là đã từng bị người khác bắt ép nhìn, sờ mó/đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của họ. Trong khi đó các thầy cô giáo được hỏi thì lại cho rằng chuyện này ít khi xảy ra trong trường.

Đọc thêm