Bài học lớn từ biển sạch Vũng Tàu

(PLO) - Bãi sau biển Vũng Tàu có lẽ chưa bao giờ đẹp như thời gian này, với cát vàng sóng êm, bãi biển sạch tinh tươm, không nhếch nhác những hàng quán, chòi hay người bán rong, không có hiện tượng chèo kéo hay chặt chém du khách. Dường như có một cơn sóng thần kì dọn sạch sẽ, trả lại cho bãi biển vẻ đẹp trong lành vốn có của nó.
Biển Vũng Tàu trong và sau lễ đều sạch sẽ, hiếm có hiện tượng chặt chém nhờ tuần lễ mạnh tay của chính quyền địa phương
Biển Vũng Tàu trong và sau lễ đều sạch sẽ, hiếm có hiện tượng chặt chém nhờ tuần lễ mạnh tay của chính quyền địa phương

Du lịch sạch là “hàng hiếm”

Mới cách đây vài tháng, dịp sau Tết, cả bãi biển Vũng Tàu còn như một bãi rác khổng lồ và người tắm biển phải tắm chung với rác sinh hoạt, rác du lịch, các loại bịch nilon quấn chân người chi chít dưới từng con sóng. 

Giờ đây, biển sạch bong, cũng chẳng còn bóng dáng những nhóm người tụ tập nấu nướng, ăn nhậu trên bãi biển từ Bãi Trước ra đến Bãi Sau — một hình ảnh trước đây rất quen thuộc ở biển Vũng Tàu. Đặc biệt, thời điểm nghỉ lễ dài ngày 30/4- 1/5, Vũng Tàu tiếp gần 150 ngàn lượt du khách, nhưng với sự quản lý rốt ráo khi lượng khách khổng lồ rút đi, biển Vũng Tàu vẫn nhanh chóng lấy lại sự tinh tươm trước đó. Các hiện tượng chặt chém du lịch vô tội vạ cũng giảm hẳn. 

Để có được kết quả như thế, tất nhiên, chính quyền thành phố đã có những kế hoạch và nỗ lực lớn để biến kế hoạch thành hiện thực. Lực lượng chức năng đã liên tục nhiều ngày tập trung tại bãi biển để thu dọn rác. 

Lãnh đạo thành phố cũng đã trực tiếp xuống để giám sát việc tháo dỡ những hàng quán, lều bạt nhếch nhác trên bãi biển. Họ cũng đã gặp không ít chống đối từ phía nhiều người kinh doanh tự phát, thậm chí có cả sự chống trả, xô xát. Nhưng với sự quyết liệt của chính quyền thành phố và sự ủng hộ từ người dân, Vũng Tàu đã biến cái không thể thành có thể. 

Nhưng đáng buồn thay, những bãi biển sạch, đáng mơ ước như Vũng Tàu hay Nha Trang đang trở nên rất hiếm hoi. Những bức ảnh về biển Cồn Vành, Thái Bình đã khiến nhiều người “phát hoảng” vì số lượng rác thải bị người dân và du khách bỏ lại sau những ngày vui lễ 30/4. 

Theo nhiều người dân tại đây, tình trạng như thế không phải lần đầu tiên, mà là rất thường xuyên và cả ở những ngày thường chứ không chỉ dịp lễ. Những bãi biển khác như Đồ Sơn (Hải Phòng), Quất Lâm (Nam Định), Hải Tiến (Thanh Hóa) cũng ngập những rác và rác, những bức ảnh biển ô nhiễm trầm trọng làm nhói lòng người. Và chặt chém, như một cơn bệnh tái phát định kì, cứ xong mỗi dịp lễ lại rộ lên những phản ứng của người du lịch khắp nơi về những điểm du lịch “cắt cổ” du khách.

Khi cơ quan quản lý “bắt cóc bỏ đĩa”

Dịp lễ vừa qua, không ít du khách đến vùng biển Lagi (Bình Thuận) không khỏi thất vọng khi thấy nhà nghỉ, khách sạn đồng loạt tăng giá. Đồi Dương — bãi tắm chính của thị xã thì ngập trong những rác đủ chủng loại từ trên bờ xuống dưới biển, cùng với những lều bạt, hàng rong giăng mắc khắp nơi. 

Một tấm băng rôn kêu gọi bảo vệ môi trường đã rách bươm vì gió biển, cả một bãi biển dài hàng chục cây số không thấy bóng dáng một cái thùng rác, chòi cứu hộ đặt khu vực trung tâm nhưng thường xuyên không người túc trực. 

Trước đó, trên bãi biển tấp nập những hàng quán được xây dựng khá kiên cố, sau đó chính quyền đã có kế hoạch di dời để trả lại cảnh quan đẹp cho bãi biển. Tiếp tục kinh doanh, người bán liền dựng lều, bạt tạm bợ, cứ đến đợt truy quét thì cuốn lại… bỏ chạy. Thành ra muốn cho sạch đẹp mà lại nhếch nhác, tạm bợ hơn xưa. 

Cách quản lý, xử lý không ráo riết, triệt để, bắt cóc bỏ dĩa không chỉ có ở Lagi mà còn rất nhiều địa phương du lịch khác. Thế nên, dẹp hôm trước hôm sau mọc lại, xử phạt hôm trước, hôm sau chặt chém lại, dọn rác hôm trước, hôm sau bẩn hơn xưa… là thực trạng thường thấy ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước. Điều này đã khiến du lịch Việt không nâng tầm lên được và mất điểm trong mắt rất nhiều du khách trong và ngoài nước. 

Nhiều địa phương kêu khó giải quyết những vấn nạn “trầm kha” của ngành du lịch. Nhưng thực chất, đây hoàn toàn không phải là bài toán “bất khả thi”. Lãnh đạo Bình Định tuyên bố “không chặt chém để phát triển bền vững” cùng những kế hoạch vận động người dân, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, sau đó, người ta thấy một Bình Định quả thật ít “sự cố” cho khách du lịch, và dù chưa phải là điểm đến cực kì hấp dẫn với nhiều thú vui thỏa mãn du khách, khách du lịch vẫn rất có cảm tình với mảnh đất này. 

Nha Trang từ lâu đã có những biện pháp mạnh tay với việc du khách hay người dân ăn nhậu, xả rác bãi biển, người bán hàng rong chèo kéo du khách. Và nay thì đến Vũng Tàu, địa phương quá đông du khách, nhưng chỉ quyết liệt trong một tuần là tất cả đi vào guồng tốt đẹp. Đó là những bài học lớn cho những người quản lý ở tất cả các điểm du lịch trong nước: Chỉ cần có quyết tâm, khó mấy cũng làm được.

Đọc thêm