Mặc dù làng chài dong thuyền ra biển, ngư dân lăn lộn bám biển với nhiều hi vọng, bãi tắm vẫn sạch đẹp… nhưng du khách quay lưng đang khiến người dân nơi đây như ngồi trên đống lửa.
Bãi tắm trông người
Bãi biển Vinh Thanh, được hình thành từ năm 2007, một trong 8 bãi tắm được đánh giá đẹp nhất tỉnh Thừa Thiên Huế cách thành phố 30km về phía Đông Nam. Bãi tắm luôn được lựa chọn bởi các ưu thế về giao thông thuận tiện, giá cả phải chăng và nức lòng du khách bởi vẻ đẹp của sóng nước mênh mông xanh thẳm nhưng đằm dịu, hải sản tươi ngon.
Hàng quán dọc biển Vinh Thanh không một bóng khách |
Khác hoàn toàn với hình dung về một bãi tắm Vinh Thanh nườm nượp người, quá tải bởi dịp nghỉ lễ dài ngày, thực tế, dãy nhà hàng vẫn sạch sẽ, bàn ghế ngăn nắp, không khí lặng lẽ đến kỳ lạ.
Nhiều nhà hàng không một bóng người |
Những chủ nhà hàng mọi lần luôn niềm nở đón khách bây giờ trò chuyện với chúng tôi trong nghẹn ngào. “9 mùa hè làm ở Vinh Thanh, chưa bao giờ tôi chứng kiến có tình trạng không ai lui tới như bây giờ. Tôi và gia đình chẳng khác nào ngồi trên đống lửa vì tiền đóng vào thuê ki ốt này là tiền vay mượn của nhiều người”, anh Trần Văn Tri (Thôn 2, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, chủ nhà hàng Tri Phượng) cho biết.
Các nhà hàng buồn thiu trông khách |
Không chỉ có nhà hàng, những người cho thuê áo phao, giữ xe, hàng rong đều kiên trì chờ đợi khách đến. Thế nhưng càng chờ đợi, càng thất vọng vì theo họ: dịp lễ Festival Huế 2016 hàng chục ngàn lượt người đổ về Huế mà không có ai đến Vinh Thanh thực sự là cú sốc chưa ai từng nghĩ đến trước đây.
Mong đến mỏi
Ở bên bến, nhiều ghe thuyền vẫn kẻ vào người ra. Những ngư dân làng chài sau một tháng tình trạng cá chết trôi dạt trên bờ biển ở miền Trung, biết tôm cá giờ bán cũng không có ai mua đã chủ động đánh bắt ghẹ, mực… Những hải sản vẫn còn tiêu thụ được với giá từ 140.000 – 150.000 đồng/1 kg chỉ còn 30.000 – 40.000 đồng/1 kg để cầm cự qua ngày.
Ngư dân vẫn ra khơi đem về những mẻ cá lớn |
Chị Đỗ Thị Lâu vừa lội dưới biển vừa đưa ghẹ lên bờ cho biết: “Biển vẫn nuôi gia đình tôi, nuôi con ăn học nên ế hay đắt tôi vẫn phải ra biển”.
Chị Ni buồn bã vì quán vắng khách |
Cùng tâm trạng với ngư dân và hơn 10 nhà hàng khác trên bãi biển Vinh Thanh, chủ nhà hàng Hương Biển chị Nguyễn Thị Ni ứa nước mắt nói: “Tôi lo vỡ vợ vì tiền đã đóng vào khoảng 70 triệu đồng từ đầu mùa, đến nay chưa thu lại được một đồng vốn nào vì ảnh hưởng thông tin về cá chết dọc biển miền Trung”.
Trong lúc chờ đợi có kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết để du khách yên tâm, người dân Vinh Thanh mong lắm một chính sách hỗ trợ cho những thiệt hại kinh tế mà họ đang “bị vạ lây”.
“Vì nếu tôi là du khách, tôi cũng không bỏ tiền mua sự nghi ngờ làm gì. Nhưng cho tới lúc khách trở lại với Vinh Thanh, các đồng chí lãnh đạo huyện, tỉnh hãy về Vinh Thanh mà nhìn, biển chưa cạn mà vắng buồn lắm”, anh Trần Văn Tri nói.