Bài thuốc tự chế dễ dàng trị chứng rối loạn cương dương

(PLO) - Rối loạn cương dương là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi hoặc những người có đời sống tình dục quá mức. 
Đối với đàn ông từ 35 tuổi trở lên sẽ thấy rõ biểu hiện của chứng rối loạn cương dương. Y học cổ truyền gọi nôm na chứng bệnh này là “thận suy”, “dương nuy” hay “liệt dương”. 
Lương y Phạm Như Tá (SN 1953, ngụ đường Phó Đức Chính, quận Bình Thạnh, TP.HCM)cho biết bệnh rối loạn cương dương có hai thể gồm: Thận âm hư, và thận dương hư. Cả hai đều ảnh hưởng tới chuyện giường chiếu của nhiều cặp vợ chồng, thậm chí còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình nếu tình trạng bệnh lý kéo dài.
Những triệu chứng nhận biết thận âm hư gồm: Cơ thể cảm thấy bứt rứt, hồi hộp, khó ngủ, mau quên, hay tiểu đêm, đau lưng, mỏi gối, ù tai, giảm thính lực, răng hay lung lay và tóc bạc sớm, mắt hoa. Ngoài ra còn có những triệu chứng khác như nóng sốt về đêm, ra mồ hôi trộm. “Vì đây là chứng bệnh âm hư sinh ra nội lực khiến cơ thể người bệnh lúc nào cũng cảm thấy nóng, nhất là lòng bàn tay và bàn chân. Đây là những dấu hiệu cơ bản nhất để nhận biết”, lương y Tá nói. 
Để chữa trị chứng bệnh này, lương y Tá chia sẻ đông y có bài thuốc “lục vị địa huỳnh hoàn” với công thức cụ thể như sau: Thục địa (16g), Phục linh (12g), Đơn bì (12g), Sơn thù (10g), Hoài sơn (bắc 10g), Hạch tá (sao rượu 8g). Có thể cho thêm các dược vị hà thủ ô (12g), nhân sâm (10g). Nếu người nào có huyết áp dao động thì cần bổ sung đỗ trọng (12g), ngưu tất (14g), kỷ tử và cúc hoa (mỗi vị 12g).
Đối với chứng thận dương suy, cơ thể có những triệu chứng trái ngược lại với thận âm suy. Lương y Tá giải thích: “Dương hư sinh ra ngoại hàn, biểu hiện như: Đau ở thắt lưng, chân cảm thấy lạnh, rối loạn tiêu hóa và thường đi đại tiện lúc sáng sớm”.
Bài thuốc chữa dứt chứng rối loạn cương dương do thận dương hư được có tên “lục vị địa huỳnh hoàn thêm quế” được bào chế dựa trên bài thuốc trị thận âm hư, nhưng có thêm các dược vị sau: Nhục thung dung (10g), bả kích (12g), dâm dương hoắc (10g), ích trí nhơn (8g), đỗ trọng (12g), ngũ vị (4g), tục đoạn (10g), kỉ tử (12g), nhân sâm (12g), cao ban long (10g), chích bắc kỳ hoặc nhung nai (10g).
Về cách dùng, cả hai bài thuốc trên đều đem sắc hai lần, trộn nước thuốc để uống. Lần đầu đổ 4 chén nước cô còn 1 chén. Lần hai đổ 3 chén nước (nước nóng càng tốt) sắc còn lại nửa chén. Sau đó trộn nước thuốc của hai lần sắc, chia đều uống vào các bữa trưa, chiều và tối. “Loại thuốc này không cần uống nóng mà chỉ cần có hơi ấm là được. Người bệnh nhớ uống trước bữa ăn trưa, buổi chiều uống vào lúc khoảng 1h chiều - 8h tối. Trong khi sắc thuốc, riêng vị quế tách riêng, hãm với nước sôi rồi mới cho vào thuốc đã sắc.
Lương y Tá nhắc nhở bệnh nhân trong thời gian uống thuốc cần kiêng tránh các loại thức ăn có vị cay, nóng. Nhất là không được dùng rượu, bia: “Muốn chấm dứt bệnh tật, người bệnh cần sử dụng thuốc lâu dài, sau một tháng uống bắt đầu cho kết quả. Tất nhiên điều cấm kỵ trong quá trình dùng thuốc là hạn chế đến mức tối đa việc quan hệ tình dục”./.

Đọc thêm