Bản chất thực của giá dầu xuống mức âm

(PLVN) - Tuần qua, thế giới sôi động tin tức về giá dầu giảm xuống âm, tức là dưới số 0, tức là người bán dầu phải cho người mua dầu thêm tiền. Nghe qua đã thấy thật nghịch lý. Vậy bản chất của vấn đề là gì?
Lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô xuống mức âm

Theo nhận định của giới quan sát, thực tế chuyện giá dầu xuống mức âm vừa đúng như vậy lại vừa không phải như vậy mà để hiểu được thực chất thì phải lần theo nhiều lối khá lòng vòng.

Giá dầu là cụm từ chung thôi chứ trên thị trường dầu lửa thế giới và trên thị trường chứng khoán có 3 loại giá dầu khác nhau là: Giá dầu ngọt nhẹ loại West Texas Intermediate (WTI) - loại dầu được tích trữ ở bang Texas của nước Mỹ; Giá dầu lửa Brent dành cho loại dầu lửa khai thác ở vùng biển phía Bắc Đại Tây Dương (dầu lửa khai thác ở khu vực Trung Đông được xếp vào diện này) và Giá dầu lửa Ural cho loại dầu của Nga. Trong tuần qua, giá của loại dầu Brent và Ural không biến động nhiều nhưng giá dầu WTI lại giảm rất nhanh xuống phạm vi âm, tức là dưới số 0, lần đầu tiên trong lịch sử.

Giá dầu tăng hay giảm tuỳ thuộc vào chiều hướng biến động của mối tương quan giữa cung ứng và nhu cầu tiêu dùng về dầu. Hiện tại, giá dầu lửa giảm bởi tác động tiêu cực trực tiếp của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Điều đặc biệt chưa từng thấy là nhu cầu về dầu giảm trong khi cung ứng dầu lại không giảm, thậm chí lại còn tăng.

Thường mỗi khi giá dầu giảm, các nền kinh tế tranh thủ mua về làm dự trữ chiến lược, tuy nhiên khả năng chứa dự trữ cũng chỉ có hạn, kể cả ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc hay khu vực EU. Những nước khai thác xuất khẩu nhiều dầu lửa lớn nhất thế giới như Mỹ, Ả-rập Xê-út hay Nga cũng đều như vậy.

Việc giá dầu WTI trong tuần qua giảm xuống mức dưới số 0 cho dù lần đầu tiên mới thấy trong lịch sử thì cũng vẫn chỉ là hiện tượng kỹ thuật nhất thời và diễn ra trên thị trường chứng khoán chứ không phải trên thực tế. Nó liên quan đến những hợp đồng mua bán dầu WTO ký kết từ trước đó nhưng được thực hiện vào ngày 20/4 vừa qua. Theo đó, những ai ký hợp đồng thì bên bán phải bán và bên mua phải mua. Bên bán thì không sao nhưng bên mua thì gặp khó khăn lớn vì đa phần đều không muốn và không thể mua dầu về bởi không có chỗ chứa hoặc bởi phải đi thuê chỗ chứa.

Vả lại, họ ký những hợp đồng này không phải để mua dầu WTI mà để rình thời bán đi kiếm lợi chênh lệch, như một dạng đầu cơ. Vì thế, càng gần đến thời điểm ngày 20/4, áp lực phải bán đi số dầu WTI đã ký hợp đồng mua càng gia tăng đối với họ. Cung tăng cầu không tăng, thậm chí còn giảm nên giá dầu rơi tự do. Nhưng chuyện này cũng chỉ xảy ra với những hợp đồng mua bán có thời hạn đến ngày 20/4 vừa qua.

Biến động của giá dầu WTI không ảnh hưởng hay tác động trực tiếp gì đến giá dầu Brent hay Ural. Vì thế, người tiêu dùng không thấy giá dầu họ mua giảm mạnh, lại càng không có chuyện đi mua dầu được cho thêm tiền. Dù vậy, sự trượt giá đến mức âm của giá dầu WTI cũng vẫn là động thái rất đáng được chú ý đến trong bối cảnh tình hình hiện tại. Nó phản ánh thực tế là hiện tại nguồn cung ứng dầu vượt rất xa mức độ nhu cầu tiêu thụ.

Sự mất cân đối này hiện đã trở nên nghiêm trọng đến mức báo động đối với tất cả những nước khai thác xuất khẩu dầu trên thế giới. Dịch bệnh còn kéo dài, kinh tế và thương mại thế giới còn suy thoái chứ chưa thể sớm tăng trưởng trở lại, người dân cũng còn cần thời gian để khôi phục nhịp sống bình thường. Tức là giá dầu sẽ vẫn còn tiếp tục giảm, bất kể thuộc loại giá dầu nào.

Việc này cũng còn cho thấy tác động rất hạn chế của thoả thuận mà khuôn khổ OPEC+ vừa mới đạt được về cắt giảm khối lượng dầu khai thác xuất khẩu hàng ngày nhằm giải cứu giá dầu. Mức cắt giảm đã được thoả thuận rõ ràng chưa đủ để ngăn chặn đà suy giảm của giá dầu, lại càng không thể đủ để giúp giá dầu tăng.

Giá dầu giảm như thế gây thêm khó khăn lớn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi tình trạng ấy đe dọa ngành công nghiệp dầu lửa ở Mỹ - ngành mà ông Trump rất cần sự hậu thuẫn cho việc đạt được ước vọng tái đắc cử trong cuộc bầu cử

sắp tới ở nước Mỹ.

Đọc thêm