Bà Rịa – Vũng Tàu: Doanh nghiệp điêu đứng vì nhà thầu Hàn Quốc chây ì trả nợ

(PLVN) - Gần ngàn tấn thép thành phẩm làm cho eTEC hiện ngổn ngang khắp khuôn viên Công ty Hoàng Hưng, chiếm gần 50% kho bãi. Hàng chục tỷ đồng bị chây ì trả, bị “chôn chân” phơi nắng mưa. Đại diện Công ty Hoàng Hưng cho biết sau khi bị eTEC bội tín như trên, công ty mới rơi vào cảnh khó khăn, công nhân mỗi tháng chỉ nhận tạm ứng 50% thu nhập, những cán bộ chỉ nhận tạm ứng 2 triệu đồng/tháng để duy trì cuộc sống.
Nhà thầu Hàn Quốc bị cho là bội tín, “chạy làng” để lại cho đối tác Hoàng Hưng mênh mông bãi hàng thành phẩm
Nhà thầu Hàn Quốc bị cho là bội tín, “chạy làng” để lại cho đối tác Hoàng Hưng mênh mông bãi hàng thành phẩm

Hàng cứ nhận nhưng tiền không trả 

Bên viết đơn tố cáo trong vụ này là Công ty Cổ phần Cơ điện Hoàng Hưng (trụ sở tại quận 12, TP HCM). Bên bị tố cáo là Công ty eTEC E&C Limited Hàn Quốc (gọi tắt là eTEC, có trụ sở tại Hàn Quốc do ông Kyo Seon An đứng tên đại diện pháp luật và văn phòng tại Khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), là nhà thầu triển khai thực hiện xây dựng công trình gói thầu HSVC1 PP-4 Dự án nhà máy sản xuất và kho LPG của Dự án xây dựng nhà máy hoá chất Hyosung Vina tại Khu công nghiệp Cái Mép do Hyosung Vina làm chủ đầu tư.

Theo hồ sơ do Hoàng Hưng cung cấp, ngày 4/10/2018, Hoàng Hưng có giao kèo cung cấp kết cấu thép thành phẩm (làm ra các khung nhà xưởng và một số sản phẩm khác) cho eTEC. Hai bên thỏa thuận giá trị hợp đồng (tạm tính) là 71 tỉ đồng.

Xác định đây vừa là một hợp đồng có giá trị lớn, vừa là cơ hội hợp tác giữa một doanh nghiệp trong nước với một doanh nghiệp nước ngoài, Hoàng Hưng đã huy động nhân công triển khai dự án. Ông Nguyễn Ngọc Hải (SN 1979, đại diện Hoàng Hưng), nói: “Mặc dù chưa nhận được tạm ứng, chúng tôi đã thuê một đối tác Hàn Quốc thực hiện các bản vẽ thiết kế theo yêu cầu của eTEC. Sau nhiều lần sửa chữa, bản vẽ thiết kế được chấp nhận. Chúng tôi tiếp tục tìm nhà cung ứng vật liệu, lựa chọn vật liệu cho phù hợp với yêu cầu của eTEC. Theo đúng giao kèo, Hoàng Hưng chỉ thực hiện gia công thành phẩm theo yêu cầu của eTEC. Tất cả các khâu nêu trên đều được sự đồng ý của eTEC”.

Bắt tay ngay vào công việc, Hoàng Hưng tiến hành giao sản phẩm và xuất hoá đơn giao cho eTEC. Theo đó, lần thứ nhất, Hoàng Hưng giao khối lượng hàng hoá vào ngày 28/2/2019, với hoá đơn là 2,1 tỉ đồng. Số tiền này được eTEC thanh toán vào ngày 15/4/2019. Lần thứ hai, khối lượng hàng hoá có trị giá 17,3 tỉ đồng và eTEC thanh toán 7,5 tỉ đồng vào ngày 15/5/2019.

“Chúng tôi tiếp tục giao hai lần khối lượng hàng hoá với tổng trị giá 10 tỉ đồng vào ngày 29/4/2019 và ngày 25/5/2019. Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp hoá đơn thì eTEC không nhận mà chỉ giữ lại bản photocopy, còn bản chính trả lại. Khối lượng hàng hoá eTEC đã nhận của Hoàng Hưng qua 4 đợt là 705 tấn với giá trị 28,6 tỉ đồng nhưng chỉ mới thanh toán 9,6 tỉ đồng”, ông Hải nói.

Ngoài khối lượng hàng hoá eTEC đã nhận, Hoàng Hưng còn gia công 813 tấn khối lượng hàng hoá với trị giá 28,5 tỉ đồng được thực hiện từ ngày 21/4 đến 15/5/2019. Nhưng khối lượng hàng hoá này, eTEC không nhận nên Hoàng Hưng buộc phải lưu lại kho bãi.

Hoàng Hưng khóc dở mếu dở với 800 tấn thép đã làm ra sản phẩm nhưng eTEC không nhận, đành lưu kho để mặc nắng mưa
Hoàng Hưng khóc dở mếu dở với 800 tấn thép đã làm ra sản phẩm nhưng eTEC không nhận, đành lưu kho để mặc nắng mưa

9 lần đòi nợ bất thành

Một phần hàng hoá eTEC đã nhận nhưng tiền thì không thanh toán, khoảng 800 tấn hàng khác thì không nhận mà cứ “mặc kệ” đối tác. Ngày 11/5/2019, Hoàng Hưng gửi thư nhắc nợ đến eTEC. “Đến nay, chúng tôi đã 9 lần có thư nhắc nợ đến eTEC. Nhưng họ vẫn không trả tiền. Hoàng Hưng có 3 lần đến tìm eTEC và nhiều lần gọi điện đề nghị cùng ngồi lại làm việc, thương lượng với nhau về quá trình thanh toán và khối lượng hàng hoá đã thực hiện nhưng eTEC không chấp nhận”, ông Hải nói.

Trước đó, đang tiến hành thực hiện khối lượng hàng hoá theo thoả thuận thì ngày 5/4/2019, Hoàng Hưng nhận được công văn được ký bởi ông Byung Kon Kim tự xưng là Quản lý thi công của eTEC. Nội dung công văn, eTEC tuyên bố chấm dứt tất cả công việc với Hoàng Hưng. Công văn nêu lý do chấm dứt với Hoàng Hưng là “không đạt được tiến độ mục tiêu”. eTEC còn tự cho rằng Hoàng Hưng “gặp khó khăn về tài chính”, “không cung cấp nguồn nhân lực đầy đủ”…

Phản bác công văn trên, Hoàng Hưng nói rằng ông Byung Kon Kim không đủ tư cách ký công văn chấm dứt công việc giữa hai bên. Vì đại diện của eTEC là ông Kyo Seon An chứ không phải ông Byung Kon Kim. Hoàng Hưng phúc đáp lại công văn với lập luận trên và cho rằng những đánh giá trong công văn đó về mình là không chính xác.

Đến ngày 7/5/2019, Hoàng Hưng lại nhận được công văn chấm dứt công việc do ông Byung Kon Kim ký. Lý do trong công văn giống như lần trước. Hoàng Hưng không đồng ý với những nguyên nhân trên, cho rằng phía đối tác đã nại ra những nguyên nhân sai sự thật nhằm “cắt cầu”, gây khó cho mình. 

Ngày 18/5/2019, lần thứ ba, Hoàng Hưng nhận được công văn qua đường bưu điện của eTEC  do ông Kyo Seon An ký về việc chấm dứt công việc. Lý do như trên. Khi nhận được công văn lần 3 của eTEC, Hoàng Hưng đành ngừng mọi công việc thực hiện khối lượng hàng hoá cho eTEC.

“Hoàng Hưng hợp tác làm ăn dựa vào chữ tín. Chúng tôi có 20 năm làm ăn nhưng chưa gặp trường hợp nào như thế này. Việc eTEC không thanh toán tiền đối với khối lượng hàng hoá đã nhận và lắp ráp vào Dự án; không nhận khối lượng hàng hoá mà Hoàng Hưng thực hiện trong thời gian chưa chấm dứt công việc đã làm Hoàng Hưng rơi vào hoàn cảnh khó khăn”, ông Hải nói.

Gần ngàn tấn thép thành phẩm làm cho eTEC hiện ngổn ngang khắp khuôn viên Công ty Hoàng Hưng, chiếm gần 50% kho bãi. Hàng chục tỷ đồng bị chây ì trả, bị “chôn chân” phơi nắng mưa. Đại diện Công ty Hoàng Hưng cho biết sau khi bị eTEC bội tín như trên, công ty mới rơi vào cảnh khó khăn, công nhân mỗi tháng chỉ nhận tạm ứng 50% thu nhập, những cán bộ chỉ nhận tạm ứng 2 triệu đồng/tháng để duy trì cuộc sống. Tinh thần lao động trầm lắng hơn, mọi công việc rụt rè hơn, không khí công ty nặng nề hơn sau cú nợ tiền, từ chối hàng vô lý của đối tác. 

Theo ông Hải, Hoàng Hưng đã nhiều lần đề nghị eTEC cùng ngồi lại để xử lý số tiền đối với khối lượng hàng hoá mà eTEC đã nhận. Đối với khối lượng 813 tấn khối lượng hàng hoá thành phẩm mà eTEC từ chối nhận, nếu thanh lý chỉ thu lại 40 – 50% giá trị, do đó Hoàng Hưng yêu cầu eTEC cùng ngồi lại bàn giải pháp. “Nếu eTEC từ chối, Hoàng Hưng buộc phải khởi kiện đến toà án và tố cáo vi phạm đến công an, các cơ quan chức năng”, ông Hải nói.

Theo những tài liệu PV thu thập được, trong sự việc trên còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam; lợi dụng chủ trương cởi mở của Việt Nam với các thương nhân nước ngoài; lợi dụng sự cả tin của các doanh nghiệp Việt. 

PLVN sẽ tiếp tục tìm hiểu, phản ánh làm rõ sự việc.

Trong sự việc này, hai bên có ký một bản “hợp đồng”, nhưng sau này Hoàng Hưng cho rằng mới biết đó là một hợp đồng “giả cách”. Nghiên cứu nội dung hợp đồng rối rắm này, một chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng động thái này nhằm mục đích để hợp thức hóa hồ sơ giấy tờ nhằm chuyển tiền qua lại Hàn Quốc - Việt Nam.

Đọc thêm