Bất thường trong một vụ kiện đòi nợ tại Hà Nội

(PLVN) - Khế ước vay nợ không có nội dung biên nhận tiền, ký từ ngày 5/3/2010 nhưng đến nay mới khởi kiện. Bị đơn phủ nhận việc vay tiền nhưng tòa sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn trả cả gốc lẫn lãi.  
Theo một số luật sư, nếu bên vay không thừa nhận việc mình đã nhận tiền thì bên cho vay cần chứng minh việc mình đã giao tiền như thế nào. Ảnh minh họa
Theo một số luật sư, nếu bên vay không thừa nhận việc mình đã nhận tiền thì bên cho vay cần chứng minh việc mình đã giao tiền như thế nào. Ảnh minh họa

Theo Bản án số 03/2021/DS-ST ngày 1/2/2012 của TAND quận Thanh Xuân (Hà Nội), nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Diệp khởi kiện bà Nguyễn Thị Chanh, yêu cầu bà Chanh trả nợ 741 triệu đồng theo khế ước vay đề ngày 5/3/2010.

Nguyên đơn cho rằng hai bên có quan hệ làm ăn và vay mượn nhiều lần. Năm 2010, khi bà Chanh hỏi vay, ngày 5/3/2010 , nguyên đơn vay được của ngân hàng 741 triệu đồng, đã đưa bà Chanh. Khi nhận tiền bà Chanh viết khế ước vay, nội dung: Bên A cho bên B vay tiền sử dụng vào mục đích kinh doanh; số tiền 741 triệu đồng; thời hạn vay 81 ngày kể từ ngày ký; Lãi suất thỏa thuận…

Hai bên được cho là giao nhận tiền tại nhà ông Hồi ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội; nhưng ông Hồi không chứng kiến việc giao nhận. Nay bà Diệp đòi bà Chanh trả số tiền này cùng với tiền lãi như cam kết miệng là 2%/tháng.

Nguyên đơn còn bổ sung rằng khi tất toán khoản vay tại ngân hàng, bà Chanh còn ký chữ “Chanh” vào tờ “Bảng kê gốc lãi”.

Bị đơn trong khi đó cho rằng yêu cầu của bà Diệp không có cơ sở, bởi lẽ khi bà Chanh hỏi vay tiền thì bà Diệp nói không có tiền mặt mà chỉ có tiền gửi ngân hàng. Khi bà Chanh đồng ý vay có trả lãi thì bà Diệp yêu cầu bà Chanh viết khế ước vay, bà Diệp cầm khế ước này và hẹn một hai ngày sau sẽ đưa tiền. 

Tuy nhiên, sau đó ít ngày bà Chanh không hỏi lại về món tiền vay và bà Diệp cũng nói là đang cần tiền giải quyết việc khác nên không cho vay nữa. Vì không nhận tiền nên bà Chanh không nhắc bà Diệp hủy bỏ khế ước đó.

Về “Bảng kê gốc lãi”, bị đơn cho rằng do bà Diệp nhờ bà Chanh xem lại về cách tính lãi và kết quả của cách tính lãi đó giúp, nên sau khi xem xong bà Chanh ký để đánh dấu là đã xem, chứ hoàn toàn không liên quan gì đến khoản vay như nguyên đơn yêu cầu.

HĐXX đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bà Chanh phải trả cho bà Diệp 741 triệu tiền gốc và số tiền lãi trên 795 triệu đồng, tổng cộng trên 1,8 tỷ. Bị đơn kháng cáo.

Đánh giá về sự việc, một LS thuộc Đoàn LS TP Hà Nội cho biết điều đáng quan tâm là trong bản khế ước vay dùng làm căn cứ khởi kiện không có nội dung “đã giao nhận đủ tiền”. Chỉ với bản khế ước đó mà không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc giao nhận tiền, và cũng không có ai chứng kiến việc giao nhận tiền; thì chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định hai bên có vay mượn tiền như lời của nguyên đơn. 

Về bảng kê gốc lãi có chữ ký của bà Chanh, bị đơn cho biết đây là bản photocopy, không có tài liệu gốc. Khoản 1 Điều 95 BLTTDS quy định: “Tài liệu được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”, do đó nếu tài liệu là bản photocopy không được công chứng, chứng thực, không có bản gốc đối chiếu; sẽ không được coi là chứng cứ.

Ngoài ra, phía bị đơn trình bày, ngày 13/9/2010 bà Chanh cho bà Diệp vay 600 triệu. Đến tháng 1/2013 bà Diệp có ký hợp đồng mua bán căn hộ với bà Chanh và bà Diệp vẫn thanh toán số tiền mua bán 750 triệu đồng vào ngày 9/1/2013. Nếu bà Chanh đang nợ bà Diệp 741 triệu thì theo lẽ thường, hai bên sẽ cấn trừ nợ, khó có thể để 10 năm sau mới khởi kiện đòi nợ.

Ngoài ra, một vấn đề pháp lý cần quan tâm là thời hiệu khởi kiện. Theo chứng cứ là bản khế ước vay, thời hạn thực hiện hợp đồng vay là 81 ngày kể từ ngày ký, do đó thời điểm tính thời hiệu trong trường hợp này là từ ngày bà Diệp biết hoặc buộc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm là ngày 25/5/2010. Quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng vay tài sản, theo Điều 184 BLTTDS thời hiệu là 3 năm, các bên đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu. Trường hợp có yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa cần đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS. 

Trước phiên phúc thẩm, bị đơn cho hay tin tưởng những vấn đề trên sẽ được giải quyết một cách khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật. 

Đọc thêm