Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu xác định lại “nhà tạm” có giá tới 15 tỷ trên cao tốc Bắc - Nam

(PLVN) - Như PLVN đã thông tin, theo kết quả Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố, tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, việc tính toán chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công công trình của Ban quản lý dự án Thăng Long (BQL) được Bộ Xây dựng cho phép 1-2% chi phí xây dựng các công trình đi theo tuyến mà không phải lập dự toán chi tiết với từng gói thầu để so sánh là chưa đảm bảo sự phù hợp và tính kinh tế.  
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-BXD, với công trình quy mô lớn, nếu khoản mục chi phí nhà tạm theo tỷ lệ % mà không phù hợp thì chủ đầu tư phải căn cứ theo điều kiện thực tế “tổ chức lập và phê duyệt dự toán” chi phí này. Là dự án trọng điểm quốc gia, chi phí xây dựng rất lớn, lên đến hơn 7.000 tỷ đồng, nhưng vì sao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây lại không được lập dự toán theo quy định trên? 

Giải thích với PV, ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng kỹ thuật thẩm định BQL cho biết: Lâu nay quản lý chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo Nghị định 32/2015/NĐ-CP và Thông tư 06/2016/TT-BXD; nhưng đến cuối năm 2019, Chính phủ đã ra Nghị định 68/2019/NĐ-CP và Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 09/2019/TT-BXD hướng dẫn mới. 

Tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP có quy định chuyển tiếp: Dự án đã phê duyệt trước ngày Nghị định có hiệu lực và đang triển khai thì tiếp tục thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo Nghị định 32/2015/NĐ-CP. “Do cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã được phê duyệt trước khi Nghị định mới có hiệu lực nên chi phí nhà tạm vẫn áp dụng theo quy định cũ, áp dụng mức 2% theo Thông tư 06/2016/TT-BXD”, ông Sơn nói. 

Trước đánh giá dự án không lập dự toán chi tiết với từng gói thầu để so sánh là chưa đảm bảo sự phù hợp và tính kinh tế, ông Sơn lý giải: Với dự án có quy mô phức tạp, trên biển, ngoài đảo, sử dụng vốn ODA lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu quốc tế, mà chi phí 2% không đủ thì mới phải lập dự toán. Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây không thuộc diện này. 

Về chi phí xây lắp nhà tạm tại 7-15 tỷ đồng tùy quy mô từng gói thầu, ông Sơn cho rằng: Giá như vậy theo KTNN cho rằng là nhiều, nhưng với dự án mới phải đầu tư xây với rất nhiều hạng mục…

“Vì thế chi phí 1-2% không phải là nhiều như cơ quan kiểm toán nhìn nhận.  Sau khi BQL đã giải trình, báo cáo đầy đủ thì phía kiểm toán cũng thống nhất là do cơ chế, chính sách Nhà nước quy định chưa rõ, chứ không phải do Bộ GTVT hay BQL làm sai. Vì vậy, KTNN mới có kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét hướng dẫn lại cho cụ thể hơn”, ông Sơn nói. 

Liên quan sự việc, trao đổi với PV, một lãnh đạo KTNN cho biết, ngày 23/2/2021, Bộ Xây dựng đã có Văn bản 561 gửi KTNN giải thích hướng dẫn xác định chi phí nhà tạm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.  

Theo Bộ Xây dựng, phương pháp xác định chi phí nhà tạm được quy định tại điểm a khoản 5 mục 1 phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư 06/2016/TT-BXD. Chi phí này được xác định bằng 1 trong 2 phương pháp là xác định theo định mức tỷ lệ % và xác định bằng dự toán.  

Năm 2019, Bộ trưởng Xây dựng ban hành đã Thông tư 09/2019/TT-BXD hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trên cơ sở tổng hợp số liệu từ thực tiễn, Bộ đã điều chỉnh lại phương pháp xác định chi phí nhà tạm theo hướng chỉ sử dụng một phương pháp định mức tỷ lệ %, quy mô chi phí càng lớn thì tỷ lệ % càng nhỏ. 

“Các quy định của Thông tư mới đã khắc phục được phần nào bất cập như ý kiến của KTNN đã nêu tại Văn bản số 459. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để hướng dẫn xác định chi phí nhà tạm phù hợp hơn với thực tế triển khai”, Bộ Xây dựng cho biết.

Đọc thêm