Cảnh báo tai nạn từ xe điện cân bằng

(PLO) -Xe điện cân bằng mới du nhập vào Việt Nam thời gian gần đây, dần trở thành một trào lưu ở các thành phố lớn. Dù đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, song nhiều người vẫn chủ quan với món đồ chơi này.
Xe điện cân bằng được cho là một trong 10 “điểm trừ” của công nghệ thế giới năm 2015, nhưng nhiều người vẫn sử dụng
Xe điện cân bằng được cho là một trong 10 “điểm trừ” của công nghệ thế giới năm 2015, nhưng nhiều người vẫn sử dụng

Đầu năm nay, xe điện cân bằng được bình chọn là một trong 10 “điểm trừ” của làng công nghệ thế giới trong năm 2015. Nhu cầu về sản phẩm này, sau một thời gian tăng trưởng mạnh, đã nhanh chóng tuột dốc sau khi loại xe này liên tục bị cháy nổ.

Các nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ như Target, Toys ‘R’ Us và Amazon đều ngừng bán loại xe này. Trong tháng 7 vừa qua, Cục An toàn người tiêu dùng Mỹ cho thu hồi hơn 500.000 xe điện tự cân bằng vì đã có ít nhất 99 vụ tai nạn dẫn tới thương tật do xe phát nổ.

Xe điện cân bằng mới du nhập vào Việt Nam thời gian gần đây, dần trở thành một trào lưu ở các thành phố lớn. Dù đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, song nhiều người vẫn chủ quan với món đồ chơi này.

Trào lưu “lướt” xe điện cân bằng

Trào lưu chơi xe điện cân bằng nở rộ và xuất hiện tràn ngập tại các điểm vui chơi công cộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ở Hà Nội, dịch vụ này tập trung ở phố đi bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Đây là loại xe chạy bằng động cơ, có thể đạt tốc độ lên tới 20km/h.

Người chơi chỉ cần giữ thăng bằng ở chân, sử dụng trong tâm để lùi lại hoặc tiến lên phía trước. Với giá thuê từ 30– 50 đồng cho 30 phút chơi, loại hình này đang thu hút khá nhiều người tham gia.

Loại xe điện tự cân bằng này có thể đạt được tốc độ tối đa 20 km/giờ, khi người chơi không sử dụng các thiết bị bảo hộ, có thể gây chấn thương cho người sử dụng hoặc gây nguy hiểm cho người khác. 

Loại phương tiện này có thiết kế nhỏ gọn, hoạt động nhờ hệ thống pin sạc, người chơi chỉ cần giữ thăng bằng trên xe bằng đôi chân của mình rồi nghiêng người qua trái, phải hoặc dồn trọng tâm về phía trước hoặc sau thì hướng di chuyển của xe cũng thay đổi theo.

Tuy nhiên, nhiều người lần đầu đặt chân lên xe điện tự cân bằng tỏ ra loạng choạng, thậm chí có người còn bị ngã văng ra khỏi xe, dẫn đến nặng thì gãy tay, chân, đập đầu xuống đường, nhẹ thì bị trầy xước chân tay,... 

Điều đáng nói là do chưa có sân chơi riêng nên đa số người sử dụng vẫn “lướt” ngay trên hè phố hay dưới lòng đường. Chưa kể đến việc người chơi đa phần là thiếu niên, chưa làm chủ được tốc độ và cách điều khiển. Nhiều người tham gia giao thông khi chứng kiến đã rất lo lắng vì sự không an toàn của loại phương tiện này.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do xe điện cân bằng. Mới đây, ngày 23/10, trên khu vực phố cổ Hà Nội, một cô gái đi xe điện cân bằng (xe điện 2 bánh) đã bị trượt ngã, đập đầu xuống đất nằm bất tỉnh ở đường. Cô gái trẻ sau đó được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Sau tai nạn trên, nhiều người đi đường ái ngại bày tỏ lo lắng về sự an toàn của chính bản thân mình. Một người nói: “Xe điện cân bằng chỉ nên đi trong bãi rộng rãi, ít chướng ngại vật. Không hiểu tại sao Ban quản lý lại cho người dân tự ý mở dịch vụ cho thuê xe điện 2 bánh tại phố đi bộ.

Có hôm cả gia đình đang thong dong tôi giật bắn người kéo con về phía mình khi thấy một thanh niên lướt trên xe điện 2 bánh vụt qua. Không ít vụ va quệt đã xảy ra khi người chơi đi xe dưới lòng đường. Phải cấm triệt không để cho xe điện 2 bánh tham gia giao thông”.

Không ít ông bố, bà mẹ đã không tiếc tiền mua xe điện cân bằng cho con chơi với giá từ 2-10 triệu đồng, chủ yếu là hàng của Trung Quốc. Có ông bố ngày nào cũng chở xe điện 2 bánh ra công viên tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) để con trai 10 tuổi chơi. 

Trò chơi này thu hút nhiều trẻ em
Trò chơi này thu hút nhiều trẻ em

Ông bố còn tỏ vẻ thích thú với trò chơi này: “Tôi cũng thử chơi, khá dễ đi. Chỉ mất thời gian giữ cân bằng một lúc là có thể điều khiển xe theo ý mình. Muốn xe đi về phía nào thì mình dồn trọng tâm về phía ấy. Tôi thấy xe dễ đi nên mua cho con để cháu vận động cho khỏe chứ cứ ở nhà xem vô tuyến hay chơi trò điện tử trì trệ, hại mắt. Tôi thường thả cho cháu chơi 1-2 tiếng rồi đến đón về, cũng dặn cháu chỉ đi ở công viên thôi nhưng chẳng biết cháu có nghe lời không”.

Tại công viên tượng đài Lý Thái Tổ có 5-7 người làm dịch vụ cho thuê xe điện cân bằng. Không chỉ đi một mình, mà còn có cả nhóm thanh niên nắm tay nhau dàn hàng ngang hay bám đuôi nhau thành hàng dài cùng lướt. Lướt ở công viên chưa đủ, họ còn lướt trên đường phố.

Không chỉ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông, xe điện cân bằng còn dễ phát nổ. Trong tháng 7/2016, 2 chiếc xe điện cân bằng được ký gửi cho nhà xe Toàn Thắng đem từ Bà Rịa Vũng Tàu lên TP.HCM bỗng dưng phát nổ rồi bốc cháy.

Đầu năm nay, hãng CNN bình chọn xe điện cân bằng là 1 trong 10 “điểm trừ” của làng công nghệ thế giới trong năm 2015. Nhu cầu về sản phẩm này, sau một thời gian tăng trưởng mạnh, đã nhanh chóng tuột dốc sau khi loại xe này liên tục bị cháy nổ.

Các nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ như Target, Toys ‘R’ Us và Amazon đều ngừng bán loại xe này. Trong tháng 7 vừa qua, Cục An toàn người tiêu dùng Mỹ cho thu hồi hơn 500.000 xe điện tự cân bằng vì đã có ít nhất 99 vụ tai nạn dẫn tới thương tật do xe phát nổ.

Theo các chuyên gia về kỹ thuật, pin của xe điện cân bằng chứa nhiều năng lượng, chỉ cần gặp những động tác đè nén hoặc va chạm mạnh như đâm vào tường, va phải ổ gà, có thể gây ra nguy cơ cháy nổ. Do đó, không nên xem đây là đồ chơi bình thường mà phải có sự quản lý về nguồn gốc, thậm chí phải đăng kiểm.

Lúng túng quản lý

Theo cảnh sát giao thông, xe điện cân bằng có thể chạy được 20km/giờ mà không có tay lái, người đi xe cũng không trang bị đồ bảo hộ nên khi đi trên đường mà bất chợt gặp chướng ngại vật, chủ phương tiện không xử lý kịp dễ bị té ngã ra đường, không chỉ gây nguy hiểm cho chủ phương tiện mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. 

Dù vậy, nhìn thấy người dân đi xe điện cân bằng trên đường, cảnh sát giao thông cũng không xử lý được do chưa có chế tài. Trong Luật Giao thông đường bộ không đề cập đến xe điện cân bằng nên không thể coi đây là phương tiện được tham gia giao thông.

Đại diện Chi cục Kiểm định - Đo lường chất lượng, Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM cho biết, các loại đồ chơi trẻ em đều có quy định rõ ràng nên rất dễ xử lý, trong đó quy định rõ cả về hàm lượng độc tố, tính năng sử dụng… Tuy nhiên, xe điện cân bằng thì chưa có văn bản hướng dẫn nên việc kiểm tra, xử lý chưa làm được.

Người lớn bế trẻ em cùng “lướt” xe điện
Người lớn bế trẻ em cùng “lướt” xe điện

Hiện các đơn vị chức năng khác như: Quản lý thị trường, Kiểm định đo lường chất lượng cũng đang chờ văn bản hướng dẫn từ Trung ương trong việc kiểm tra xử lý loại xe này.

Theo Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Uông Việt Dũng, hiện không có quy định nào khẳng định xe điện tự cân bằng là phương tiện giao thông.

Do đó, cơ quan chức năng rất khó xử lý nếu phát hiện người dân sử dụng xe điện tự cân bằng ở ngoài đường hay trên phố đi bộ. Việc kiểm tra, xử lý cần phải cụ thể, chi tiết, nên chưa thể triển khai kiểm tra mà chỉ có thể nhắc nhở vì phải chờ văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng. 

Vì vậy, trước mắt mỗi người hãy tự nâng cao ý thức của chính mình trong việc bảo đảm an toàn giao thông cho mình và những chung quanh. Nếu sử dụng xe điện tự cân bằng thì cần có đồ bảo hộ để tránh gây thương tích khi xảy ra va chạm cũng như ngã xuống đường, đặc biệt, không lạng lách hay đi quá nhanh và không nên đi ở những nơi đông người qua lại.

Tại Hà Nội, xe điện thăng bằng ngày càng phổ biến ở phố đi bộ hồ Gươm. Người sử dụng nó chủ yếu là các bạn trẻ và lứa tuổi thiếu nhi.

Một người cho thuê xe điện khẳng định trò chơi này dễ tham gia hơn so với trượt patin. Mỗi người chỉ cần được hướng dẫn từ 5-10 phút là có thể tự mình sử dụng.

Tuy nhiên, khi gặp các tình huống bất ngờ, người mới chơi thường không thể xử lý và xảy ra tai nạn. Nếu được bảo hộ bằng các loại mũ bảo hiểm, bao đầu gối, khuỷu tay thì sẽ an toàn hơn. Tuy vậy, ít người dùng chúng vì sợ vướng víu. 

Đọc thêm