Dự án tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang): Cừ tràm thay cừ thép, lập chứng từ khống, thi công gian dối

(PLVN) - Tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Kết luận Thanh tra số 01 ngày 18/1/2021 (KLTT) về việc thực hiện chính sách pháp luật với 2 dự án sử dụng vốn ngân sách do Vườn Quốc gia U Minh Thượng (VQG) làm chủ đầu tư. Quá trình thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát của Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Gói thầu số 24, thi công gia công cừ tràm, cừ dừa thay cho cừ Larsen.
Gói thầu số 24, thi công gia công cừ tràm, cừ dừa thay cho cừ Larsen.

Hồ sơ “lởm khởm” nhưng vẫn được quyết toán

KLTT của UBND tỉnh Kiên Giang cho thấy, sai phạm ở 2 dự án thuộc VQG tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Lập dự toán, thẩm định phê duyệt chi phí định mức không phù hợp làm tăng giá trị dự toán; thi công không đảm bảo theo hồ sơ thiết kế được duyệt; cung cấp thiết bị không đúng chất lượng, quyết toán không cần chứng từ, lập chứng từ khống để “rút ruột” ngân sách nhà nước…

Các sai phạm đã làm thất thoát hơn 4,93 tỷ đồng ở Dự án bảo tồn và phát triển bền vững VQG U Minh Thượng đến 2020 (Dự án bảo tồn) và hơn 1,2 tỷ ở Dự án đầu tư, khôi phục, bảo vệ và phát triển VQG U Minh Thượng (Dự án khôi phục).

Ở Dự án bảo tồn, gói thầu số 01 (nâng cấp tuyến đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng đoạn từ cầu KT2 đến kênh 17) và gói thầu số 05 (công trình nâng cấp tuyến đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng từ Tỉnh ủy đến kênh K10) có giá trị hơn 26 tỷ đồng; qua thanh tra phát hiện sử dụng mác bê tông không đạt như không đủ chiều dày, thay đổi vật tư nilon lót, không thi công cát đệm… mà vẫn được cho nghiệm thu. 

Tại gói thầu số 06 xây dựng 3 cống điều tiết nước, 5 đập ngăn nước; phát hiện không thi công sân thượng lưu, hạ lưu, đường dẫn vào cống, thay đổi từ cừ bạch đàn sang cừ tràm và tính lại đơn giá nhổ cừ tràm trong quá trình thi công công trình gây thiệt hại hơn 535 triệu. 

Ở gói thầu số 24 công trình xây dựng 02 cống điều tiết nước kênh KT2 bờ phải, bờ trái, nâng cấp tuyến đường từ hạt kiểm lâm đến VQG, đơn vị thi công thực hiện không đúng hồ sơ thiết kế, dự toán được duyệt; như không thi công bù phụ bằng bê tông, không thi công gia cố đê quay bằng cừ Larsen mà gia cố bằng cừ dừa và cừ tràm, thay đổi giấy dầu sang nilon với số tiền trên 1,9 tỷ. 

Tại gói thầu xây dựng công trình cáp điện hạ thế 0,4kV và chiếu sáng công cộng khu hành chính thuộc Dự án khôi phục, tổng giá trị trên 1,8 tỷ, phát hiện đơn vị thi công thực hiện không đúng hồ sơ thiết kế, thay đổi mã hiệu dây, thay đổi dây cáp đồng sang dây cáp nhôm, đến nay đã hư hỏng hoàn toàn. Trong hồ sơ công trình còn thiếu hàng loạt thủ tục như: Biên bản bàn giao mặt bằng, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, nhật ký công trình, bản vẽ hoàn công, đơn vị thi công… nhưng Sở Tài chính vẫn cho quyết toán. 

Mặt đường một số nơi bị hư hỏng nặng, không đạt chất lượng điều kiện để nghiệm thu đưa vào sử dụng.
 Mặt đường một số nơi bị hư hỏng nặng, không đạt chất lượng điều kiện để nghiệm thu đưa vào sử dụng. 

Dấu hiệu móc ngoặc giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công

Hàng loạt sai phạm được UBND tỉnh đánh giá là nghiêm trọng, nhất là sai phạm tại 3 gói thầu: Nâng cấp tuyến đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng đoạn từ cầu KT2 đến kênh 17; Công trình nâng cấp tuyến đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng từ Tỉnh ủy đến kênh K10; Và gói xây dựng công trình cáp điện hạ thế 0,4kV và chiếu sáng công cộng khu hành chính.

3 gói thầu này có dấu hiệu móc ngoặc giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công; cơ quan thẩm định, giám sát khi chất lượng công trình không đảm bảo; thậm chí bị “rút ruột” công trình… nhưng UBND tỉnh vẫn chỉ giao chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục lại cho đúng hồ sơ thiết kế được duyệt; “trong thời hạn 30 ngày nếu không thực hiện thì chuyển hồ sơ sang CQĐT Công an tỉnh”.

Liên quan kết quả nghiệm thu các gói thầu cũng như kết quả xử lý vi phạm hành chính các cá nhân, tập thể liên quan của Sở Xây dựng theo các nội dung đã được kết luận, ông Lưu Thanh Bình, PGĐ Sở Xây dựng cho rằng, có thể nhà thầu nghiệm thu dựa trên một số kết quả báo cáo giám sát, tự chứng minh của nhà thầu ở những vị trí nhất định thì đạt nên mới tổ chức nghiệm thu được. “Khi Sở Xây dựng vào thì kiểm tra theo xác suất 50m, 100m, 500m một vị trí, sau đó tổng hợp lại có vị trí đạt, có vị trí không đạt. Có thể lúc trước xác suất của nhà thầu thế nào đấy nên những vị trí họ kiểm tra lại đạt”, ông Bình nói. 

Liên quan đến vấn đề xử lý cán bộ, ông Bình cho rằng: “Thời điểm vi phạm nêu trong KLTT tính đến nay đã hết thời hiệu xử lý. Do đó, không thể xử phạt hành chính với các tổ chức, cá nhân như KLTT yêu cầu”.

Được biết, tính đến nay đã quá thời hạn 30 ngày theo chỉ đạo của tỉnh Kiên Giang nhưng các sai phạm tại 3 dự án trên vẫn chưa được khắc phục. PV liên hệ với Thanh tra tỉnh Kiên Giang để tìm hiểu thông tin về kết quả thực hiện các nội dung đã kết luận, nhưng chưa nhận được phản hồi từ cơ quan này.

Dự án đầu tư, khôi phục, bảo vệ và phát triển VQG được đầu tư nhằm mục tiêu duy trì và phát triển hệ sinh thái rừng tràm trên than bùn vùng U Minh. Dự án bảo tồn và phát triển VQG được đầu tư nhằm quy hoạch các chương trình hoạt động và các giải pháp đồng bộ về quản lý, bảo vệ, PCCC, phát triển và phục hồi sinh thái rừng. Hai dự án có tổng mức đầu tư hơn 226,7 tỷ, nguồn vốn từ ngân sách trung ương và một phần ngân sách địa phương. 

Đọc thêm