Hà Nội nên giữ lại Khu du lịch sinh thái Nắng Sông Hồng

(PLO) - Mặc dù được cho là nằm trong hành lang thoát lũ, nhưng hàng chục năm nay chưa hề bị ngập lụt. Lại thấy cả một khu đất rộng lớn bỏ phí cho cây dại mọc, là nơi đổ trộm rác thải, “bãi đáp” cho tệ nạn xã hội hoành hành. Công ty Cổ phần Nắng Sông Hồng đã mạnh dạn thuê lại, đầu tư xây dựng, “hồi sinh vùng đất chết” này thành công viên, du lịch sinh thái xanh sạch đẹp, góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị đôi bờ sông Hồng. Tuy nhiên, vì một số quy định “cứng nhắc” đã khiến “nàng tiên” Nắng Sông Hồng bị “chết yểu”, đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản, cùng hơn 200 lao động mất việc làm.
Khu du lịch sinh thái Nắng Sông Hồng.
Khu du lịch sinh thái Nắng Sông Hồng.

Người dân đồng tình giữ lại

Nhìn khu sinh thái do Công ty Cổ phần Nắng Sông Hồng xây dựng tại tổ 1, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội trong tình trạng cửa đóng then cài bây giờ, khiến bất kể ai đi qua cũng không khỏi xót lòng. Người ta tiếc không chỉ bởi khu sinh thái đẹp đẽ, hợp mỹ quan đô thị sắp bị đập bỏ để trở thành nơi hoang tàn. Mà còn bởi sẽ mất đi một địa chỉ vui chơi, giải trí lành mạnh, ấm cúng mỗi dịp cuối tuần hay tụ tập bạn bè, người thân.

Có lẽ, khi Nhà hàng Nắng Sông Hồng bị đóng cửa và sắp bị phá dỡ, không phải doanh nghiệp đầu tư mà chính người dân sinh sống quanh đây cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối, và lo sợ hơn cả.

Ông Kim Văn Long (60 tuổi), trú tại tổ 1, phường Bồ Đề chia sẻ: Trước đây, khu đất mà khu sinh thái Nắng Sông Hồng xây dựng bây giờ là một nơi hoang tàn với cỏ dại um tùm, rác thải chất thành núi, mùi hôi thối nồng nặc. Không những thế, tệ nạn xã hội cũng diễn ra nhiều tại đây khiến người dân quanh vùng không dám bén mảng tới. Từ khi khu sinh thái Nắng Sông Hồng được xây dựng, tệ nạn xã hội giảm hẳn. Không những vậy, khu sinh thái này còn giúp cho bộ mặt địa phương đẹp đẽ hẳn lên, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương, kéo theo đó là những dịch vụ, kinh doanh của người dân quanh vùng, khiến kinh tế người dân nâng lên đáng kể.

“Khu sinh thái Nắng Sông Hồng được xây dựng, không chỉ giảm bớt tệ nạn, tạo nhiều công ăn việc làm mà người dân quanh vùng còn được hưởng lợi trực tiếp khi người dân được vào đây chơi miễn phí. Nay khu sinh thái bị đóng cửa, sắp bị đập bỏ khiến chúng tôi vô cùng hụt hẫng và tiếc nuối”, chị Hà, một người dân tổ 1 cho biết.

Không chỉ tiếc vì mất điểm vui chơi, kinh tế bị giảm sút vì mất việc, dịch vụ ăn theo bị đóng cửa, nhiều người dân sinh sống tại tổ 1, phường Bồ Đề còn tỏ ra lo lắng khi Khu sinh thái Nắng Sông Hồng bị đập bỏ. 

“Khu sinh thái đang đẹp như thế, giờ đập bỏ, nơi này trở lên hoang hóa, tệ nạn xã hội lại kéo về đây trú ngụ. Rồi cả việc, nếu không quản lý tốt, tình trạng đổ trộm rác thải, khai thác tài nguyên lại diễn ra như trước thì người bị ảnh hưởng trực tiếp chính là người dân chúng tôi mà thôi”, anh Ngọc, một người dân bày tỏ.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, đa phần người dân sinh sống tại tổ 1, phường Bồ Đề đều nhất trí đồng tình giữ lại Khu sinh thái Nắng Sông Hồng và cho hoạt động trở lại. Còn về việc lý do vi phạm hành lang thoát lũ thì mọi người đều cho biết, hàng chục năm nay, lũ lụt chưa bao giờ xảy ra ở khu vực này.

Nắng Sông Hồng nằm trong chỉ giới an toàn?

Trước tình cảnh này, Công ty Cổ phần Nắng Sông Hồng đã có văn bản chính thức báo cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung xung quanh hoạt động của mình trên địa bàn.

Theo báo cáo, trước đây trên diện tích Khu sinh thái Làng văn hóa Du lịch và Ẩm thực Nắng Sông Hồng xây dựng là bãi đất hoang, tình trạng đổ trộm phế thải, khai thác trộm đất màu, tập trung tệ nạn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây.

Ngày 19/8/2013, UBND quận Long Biên đã ký Quyết định số 5507/QĐ – UBND cho phép Công ty Cổ phần Nắng Sông Hồng xây dựng Làng văn hóa Du lịch và Ẩm thực Nắng Sông Hồng. Trong thời gian hoạt động đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, đóng thuế, phí đầy đủ.

Bên cạnh đó, Làng văn hóa Du lịch và Ẩm thực Nắng Sông Hồng  tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 200 lao động địa phương và các khu vực lân cận. Vùng đất là bãi rác thải hoang hóa trở thành công viên, du lịch sinh thái xanh sạch đẹp, góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị đôi bờ sông Hồng, chấm dứt nạn đổ trộm phế thải rác thải, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện sức khỏe cộng đồng, khai thác hiệu quả quỹ đất và đóng góp cho nguồn thu ngân sách.

Liên quan đến sai phạm mà UBND quận Long Biên có quyết định cưỡng chế, đại diện nhà hàng Nắng Sông Hồng cho rằng, quy hoạch phân lũ từ những năm 60 của thế kỷ trước không còn phù hợp với quy hoạch phát triển chung. Điều này dẫn đến sự lãng phí rất lớn tài nguyên đất ven sông Hồng. Cụ thể, địa hình ở đây với cốt cao độ 11,5m nên sau khi Thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động khu vực này hàng chục năm nay không bị lũ hay ngập lụt. 

Ngoài ra, công văn báo cáo của Công ty Cổ phần Nắng Sông Hồng gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 257 đã khắc phục được nhiều tồn tại. Khu vực nhà hàng Nắng Sông Hồng tọa lạc không còn nằm trong quy hoạch phân lũ.

Theo đó, đối với các khu vực dân cư tập trung nằm ngoài bãi song, di dời các hộ vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm. Di dời một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn. Các khu vực còn lại được tồn tại, cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có. Các bãi Tầm Xá – Xuân Canh và Long Biên – Cự Khối thuộc khu vực đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đã có trong quy hoạch chung xây dựng Thủ Đô Hà Nội được cấp thẩm quyền phê duyệt, được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng mới không vượt quá 15% diện tích bãi sông.

Đối với các khu vực bãi sông còn lại: Các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới theo một số quy định tại Luật Đê điều thì được xem xét đối với khu vực mà chiều rộng bãi sông (khoảng cách từ chân đê đến mép bờ của sông) lớn hơn 500m, vận tốc dòng chảy trên bãi tương ứng với lũ thiết kế nhỏ hơn 0,2m/s; diện tích xây dựng không vượt quá 5% diện tích bãi sông. Trong phụ lục danh mục các bãi sông được phép xây dựng đã ghi rất rõ bãi Long Biên – Cự Khối có vị trí được phép xây dựng tương ứng từ K67+000 đến K74+000 đê tả sông Hồng. Nắng Sông Hồng đang nằm ở vị trí này.

Từ nhu cầu thực tế của người dân và những viện dẫn cụ thể ở trên, thiết nghĩ UBND quận Long Biên, UBND TP Hà Nội, các Bộ ban ngành cần xem xét thấu đáo sự việc.

Đọc thêm